Doanh nghiệp điện mặt trời muốn gỡ khó: EVN kiến nghị, Bộ Công Thương vào cuộc

Đầu TưThứ Hai, 27/07/2020 11:47:38 +07:00
(VTC News) -

Do thiếu hướng dẫn nên nhiều nhà đầu tư điện mặt trời chưa được ký hợp đồng và thanh toán dù đã lắp đặt công tơ hai chiều để ghi nhận sản lượng phát lên lưới.

Ngày 27/7, trả lời VTC News, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết Bộ này đang yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới.

Doanh nghiệp điện mặt trời muốn gỡ khó:  EVN kiến nghị, Bộ Công Thương vào cuộc - 1

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển điện mặt trời áp mái, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam. (Ảnh: EVN)

Theo Bộ Công Thương, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán điện đối với các hệ thống điện mặt trời theo đúng quy định tại Quyết định 13 của Thủ tướng.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn xử lý vướng mắc về việc phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất nối lưới.

EVN cho hay thời gian qua nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận phản ánh gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng và thanh toán tiền.

Cụ thể, một trang trại nông nghiệp hữu cơ ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận rộng trên 20ha được UBND huyện Ninh Phước cấp giấy phép kinh doanh với ngành nghề trồng nông sản, chăn nuôi để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ trang trại đang cho một số công ty khác thuê lại đất và cơ sở hạ tầng để canh tác, kết hợp lắp đặt các hệ thống điện mặt trời có công suất dưới 01 MW, đấu nối cấp điện áp 22 kV phục vụ nhu cầu sản xuất và bán điện lên lưới điện quốc gia.

Đến nay, hầu hết hệ thống có các tấm pin quang điện được lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ và trên khung công trình có lớp lưới che phủ khu vực canh tác.

Công ty Điện lực Ninh Thuận cũng lắp đặt công tơ hai chiều để ghi nhận sản lượng phát lên lưới nhưng chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ hệ thống điện mặt trời.

Tương tự đối với trang trại nêu trên, 1 doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng có hệ thống điện mặt trời lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ý kiến của các chủ đầu tư, việc không sử dụng tấm lợp là để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp bên dưới, giảm sử dụng nước, giảm bớt ánh nắng cho phù hợp với cây trồng, vật nuôi bên dưới mái.

Hiện tại, Công ty Điện lực Ninh Thuận chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện mặt trời nêu trên do chưa xác định được giá mua điện từ các hệ thống này là điện mặt trời mái nhà hay điện mặt trời mặt đất theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng. Nguyên nhân, Điều 3 của Quyết định 13 quy định: “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện”.

Do vậy, EVN đề nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xem xét, hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể. Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương giao Sở Công Thương các địa phương kiểm tra, xác định tính phù hợp tiêu chí để các đơn vị điện lực ký hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư. 

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn