'Doanh nghiệp có lãi năm nay là anh hùng'

Tài chínhThứ Ba, 16/06/2020 14:27:49 +07:00

Theo ông Trần Hoàng Ngân, không nên phân biệt doanh thu ít hay nhiều mới được giảm 30% thuế thu nhập vì năm nay doanh nghiệp nào có lãi là anh hùng.

Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp. Theo đề xuất của Chính phủ, tiêu chí xác định doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ này là đơn vị có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 100 người.

Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển  HCM cho rằng chính sách này mang tính "động viên, chia sẻ" không dễ để có lãi trong năm nay.

'Doanh nghiệp có lãi năm nay là anh hùng' - 1

Ông Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận về giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ, ngày 16/6. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Ông Phùng Văn Hùng - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế cho rằng, không nên phân loại doanh nghiệp theo mức doanh thu hay lãi lỗ mới được hưởng giảm thuế. "Năm 2020 doanh nghiệp giữ được đã là quá tốt, nói gì tới lãi. Nếu chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp có lãi thì rất ít đơn vị tiếp cận được chính sách này", ông Hùng nêu. 

Ông Trần Hoàng Ngân còn đề nghị, ngoài giảm thuế, Chính phủ nên có thêm các gói hỗ trợ khác bởi doanh nghiệp thực sự khó khăn thì cần hỗ trợ về tiền tệ, tài khoá. Ông ví dụ, có thể rót thêm vốn cho Quỹ tín dụng bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, để quỹ này có thêm nguồn lực bảo lãnh cho doanh nghiệp, giúp số này tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại. 

"Chính phủ cũng nên tăng liều lượng hỗ trợ doanh nghiệp giúp họ đủ sức vượt qua khó khăn, giữ được thương hiệu, thị trường đã có", ông Ngân nói. 

Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Phùng Văn Hùng còn đề nghị mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa, chứ không bó hẹp ở doanh nghiệp nhỏ sẽ được giảm 30% thuế thu nhập năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu tỉnh Thái Bình nói, doanh nghiệp vừa cũng là nòng cốt, kết nối chuỗi giá trị và là hạt nhân trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng, tiêu chí xác định đối tượng giảm thuế có doanh thu dưới 50 tỷ đồng, tối đa 100 lao động đóng bảo hiểm xã hội là "quá cứng nhắc, không phù hợp".

Ông nói, quy định chia tách như vậy sẽ chỉ khoảng một nửa doanh nghiệp nhỏ được hưởng,còn lại dù khó khăn cũng không được nhận hỗ trợ. Đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị nên theo hướng "doanh nghiệp có doanh thu, nhiều lao động thì càng khuyến khích, giảm thuế.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu, trình Thủ tướng việc mở rộng đối tượng hưởng giảm thuế với doanh nghiệp vừa. Tuy nhiên, việc lựa chọn tiêu chí doanh nghiệp thụ hưởng cần thuận lợi và tránh rủi ro trong thực hiện.

Tại phiên thảo luận, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

"Không chỉ trực tiếp là tiền của người nước ngoài mà là qua tay tiền người Việt Nam, mua bán những lĩnh vực nhạy cảm. Vì vậy, nếu không cứu doanh nghiệp thì khu vực tư nhân khó tồn tại", Chủ tịch VCCI nói.

Không riêng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ở tầm bao quát Chính phủ cũng cần có ngay phương án hỗ trợ trong trung, dài hạn với các ngành kinh tế trọng điểm liên quan tới an ninh kinh tế, quốc phòng đang rất khó khăn hiện nay như du lịch, hàng không...

"Nếu chúng ta không cứu, không hỗ trợ họ thì tương lai khu vực kinh tế tư nhân sẽ không còn nắm giữ được những lĩnh vực trọng yếu và có thể rơi vào tay nước ngoài", ông Lộc e ngại. 

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn