Doanh nghiệp bia rượu đối diện cái Tết buồn

Tài chínhThứ Năm, 11/02/2021 07:20:00 +07:00
(VTC News) -

Bia rượu là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 nên doanh nghiệp và người lao động ngành này phải đối mặt với một cái Tết “buồn”.

Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất nhưng khó khăn không vì thế mà ít đi. Trong bối cảnh đó, cùng với hàng không, du lịch, bia rượu trở thành ngành chịu nhiều áp lực nhất.

Doanh nghiệp bia rượu đối diện cái Tết buồn - 1

Doanh thu năm 2020 của Tổng công ty cổ phần Bia  Rượu Nước giải khát Sài Gòn giảm mạnh. (Ảnh: Sabeco)

Báo cáo tài chính quý IV/2020 của một số doanh nghiệp bia rượu cho thấy ngành này phải đối mặt với một cái Tết “buồn”, bất chấp “mùa bia rượu” sát kề.

Trong quý cuối năm, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình (mã BQB) lỗ 4,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số lỗ 3,2 tỷ đồng hồi quý IV/2019; luỹ kế cả năm lỗ 8,8 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2020, lỗ luỹ kế tại BQB ở mức 10,8 tỷ đồng.

BQB không công bố quỹ lương nhưng dựa vào chi phí cho nhân công, có thể dự báo thù lao người lao động có thể giảm trong năm 2020. Chi phí nhân công cho bộ phận quản lý doanh nghiệp giảm sâu từ 761 triệu đồng xuống 366 triệu đồng. Chi phí nhân công cho sản xuất kinh doanh giảm từ 2 tỷ đồng xuống 1,8 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (mã HAD) cũng gánh chịu khoản thua lỗ không nhỏ. Trong quý IV, HAD lỗ 3,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1,7 tỷ đồng. Nhưng rất may cho HAD, tính chung cả năm, HAD vẫn lãi 8,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 9,9 tỷ đồng của năm 2019.

Không gánh chịu thua lỗ như BQB hay HAD nhưng một số đơn vị còn lại trong ngành bia đều chứng kiến hoạt động kinh doanh đi lùi.

Bức tranh tế kém tươi sáng còn có sự góp mặt của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH). Trong quý IV và cả năm 2020, BHS đều chứng kiến cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV/2020 của BSH chỉ đạt 154 tỷ đồng, giảm so với 202 tỷ đồng trong quý IV/2020; luỹ kế cả năm đạt 551 tỷ đồng, giảm 227 tỷ đồng, tương đương 29% so với năm 2019. Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý 4 giảm từ 15,8 tỷ đồng xuống 9 tỷ đồng; luỹ kế cả năm giảm từ 66 tỷ đồng xuống 22,3 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam (BSL) đang phục hồi trong quý IV khi lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ từ 9,1 tỷ đồng lên 9,6 tỷ đồng. Nhưng tính chung cả năm, lãi ròng vẫn giảm 34,6 tỷ đồng, tương đương 50,4% xuống 34 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 chỉ đạt 104 triệu đồng, giảm gần 17,5 tỷ đồng, tương đương 99,4% so với quý 4/2019; luỹ kế cả năm giảm 49,9 tỷ đồng, tương đương 81,5% xuống 11,3 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (BSQ) không thể đi ngược xu hướng. Lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 giảm từ 35,7 tỷ đồng xuống 34,9 tỷ đồng; luỹ kế cả năm giảm từ 150 tỷ đồng xuống 107 tỷ đồng.

Anh cả ngành bia Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là trường hợp đặc biệt khi có lợi nhuận tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của Sabeco lên tới 1.534 tỷ đồng, tăng so với 1.091 tỷ đồng hồi quý 4/2019; luỹ kế cả năm tăng từ 4.723 tỷ đồng lên 5.053 tỷ đồng.

Tuy nhiên, “niềm vui” chưa hẳn trọn vẹn với Sabeco khi công ty chỉ đạt được thành tích này nhờ việc cắt giảm chi phí. Thực tế, doanh thu cả năm của Sabeco vẫn giảm từ 38.135 tỷ đồng xuống 28.136 tỷ đồng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp