Đoàn Việt Nam: Đứng thứ 3 SEA Games là quá khiêm tốn

Tổng hợpChủ Nhật, 01/12/2013 10:50:00 +07:00

(VTC News) - Với truyền thống của những đợt SEA Games trước là đoàn chủ nhà luôn ở ngôi số 1, thể thao Việt Nam hoàn toàn có quyền mơ đến vị trí này năm nay

(VTC News) - Với truyền thống của những đợt SEA Games trước là đoàn chủ nhà luôn ở ngôi số 1, thể thao Việt Nam hoàn toàn có quyền mơ đến vị trí này tại kỳ Đại hội năm nay.

Nói như vậy, bởi lẽ đoàn chủ nhà Myanmar chỉ "dám" đặt mục tiêu ở mức 100 HCV trong tổng số 460 nội dung thi đấu, chiếm chưa tới 1/4 số HCV. Nếu đem so với tỷ lệ 113/445 của Philippines năm 2005, 183/477 của Thái Lan năm 2007, hay 182/554 của Indonesia năm 2011 (tất cả đều trên 1/4), có thể dễ dàng nhận thấy sự rụt rè của người Myanmar.

Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu 70 HCV ở SEA Games 27 

Đó là điều tương đối dễ hiểu bởi thể thao Myanmar chưa khi nào được coi là mạnh trong khu vực. Ở 5 kỳ Đại hội gần nhất, nước chủ nhà SEA Games 27 chưa một lần lọt vào top 3. Cùng với đó là khả năng tranh chấp huy chương của Myanmar ở những môn thi Olympics như điền kinh hay bơi lội là khá hạn chế.
Myanmar chủ yếu hy vọng vào những môn thi mới lạ như chinlone, là môn thể thao truyền thống tại nước này và lần đầu tiên xuất hiện ở SEA Games (chiếm tới 8 bộ huy chương), hay cờ vua (có tới hơn 10 nội dung thi đấu dựa trên cờ truyền thống của Myanmar). 
Tới SEA Games 27, dù bị cắt nhiều môn thế mạnh nhưng thể thao Việt Nam vẫn đặt chỉ tiêu lên tới 70 HCV. Con số đó có thể đã cao hơn thế rất nhiều, nếu như không có sự vắng mặt đáng tiếc của rất nhiều nội dung thế mạnh cũng như nhiều VĐV xuất sắc, hàng đầu khu vực.
Đầu tiên phải kể tới sự vắng mặt của mỏ vàng thể dục dụng cụ. Cần nhớ rằng ở các kỳ SEA Games trước, chưa khi nào thể dục dụng cụ mang về dưới 5 HCV. Thậm chí ở SEA Games 26, sự xuất sắc của Ngân Thương và Hà Thanh ở bộ môn này đã giúp thể dục dụng cụ Việt Nam lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu với tổng cộng 11 HCV.
Cùng nỗi buồn với thể dục dụng cụ còn có bắn súng. Ở 3 kỳ Đại hội gần nhất, bắn súng luôn là một trong số những môn mang về nhiều HCV nhất: 7 HCV ở SEA Games 24, 11 HCV ở SEA Games 25, và 6 HCV ở SEA Games 26. Tuy nhiên ở lần tranh tài sắp tới, nội dung súng ngắn sở trường của Mạnh Tường và Minh Thành bị cắt bỏ, khiến bắn súng bị "mất trắng" 3 HCV.
Sự vắng mặt của Bích Phương ở SEA Games 27 là vô cùng đáng tiếc 

Hai môn võ thế mạnh của Việt Nam là wushu và pencak silat cũng chẳng khá khẩm hơn. Việc bị cắt giảm một loạt nội dung thi đấu như kiếm thuật hay thương thuật của wushu hay giảm bớt một số nội dung đối kháng dành cho nữ của pencak silat, khiến cả hai đoàn này chỉ dè dặt đặt mục tiêu từ 2-4 HCV (so với 6 HCV ở các kỳ trước).
Mặc dù vậy, buồn hơn cả là việc một loạt những niềm hy vọng vàng của thể thao nước ta buộc phải vắng mặt ở SEA Games 27 vì chấn thương. Đáng tiếc nhất là trường hợp của võ sỹ Lê Bích Phương của karatedo. Phương là VĐV duy nhất của Việt Nam giành HCV tại Asiad 2010, và cũng là người đã giành HCV ở kỳ SEA Games 26, nhưng cách đây 3 tháng, cô bị dính chấn thương và buộc phải ngồi ở nhà.
Không khác Bích Phương là mấy, Trương Thanh Hằng của điền kinh cũng đành ngậm ngùi theo dõi các đồng đội thi đấu qua tivi. Ca mổ cơ đùi cách đây 2 tháng không kịp bình phục khiến nữ hoàng của những đường chạy buộc phải tự an ủi bằng mục tiêu ở Asiad sắp tới.
Khác với 2 nữ VĐV trên, Lê Quang Liêm vắng mặt tại Myanmar vì phải bận chương trình du học tại Mỹ, và mọi hy vọng buộc phải dồn hết lên cựu thần đồng Nguyễn Ngọc Trường Sơn.
Tính tổng cộng, đoàn thể thao Việt Nam đã mất tới hơn 20 HCV vì nhiều lý do khác nhau. Và nếu được bổ sung những chiếc HCV này, có lẽ vị trí số 1, xếp trên mục tiêu 100 HCV của đoàn chủ nhà Myanmar, có lẽ cũng không quá xa vời.

Phan Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn