Đồ vật tự bốc cháy đùng đùng: Nhà khoa học nói gì?

Thời sựThứ Hai, 01/04/2013 05:23:00 +07:00

(VTC News) – Nhà khoa học kì cựu Việt Nam nhận định về việc các đồ vật “tự nhiên” bốc cháy gây hoang mang dư luận ở Nghệ An trong hai ngày qua.

(VTC News) – Nhà khoa học kì cựu Việt Nam nhận định về việc các đồ vật “tự nhiên” bốc cháy gây hoang mang dư luận ở Nghệ An trong hai ngày qua.

Trong hai ngày 30 và 31/3 vừa qua, đông đảo người dân hiếu kỳ đã đến gia đình ông Nguyễn Hoài Thanh (ở xóm Hòa Phúc, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) để chứng kiến hiện tượng kỳ lạ: Đồ vật để trong nhà tự nhiên bốc cháy.

Theo mô tả các đợt cháy xảy ra bất ngờ và liên tục, đặc biệt từ 17 giờ đến 21 giờ ngày 30/3, cứ sau khoảng 15 đến 20 phút lại xảy ra một lần cháy khiến cho nhiều người trong gia đình lo sợ không dám ngủ lại trong nhà. Đặc biệt hơn cả là chiếc khăn tắm đang ướt để trong nhà tắm cũng bị bốc cháy.

Liên quan tới sviệc này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Hóa – Quang phổ (Viện địa chất).

Ông bình luận gì trước sự việc kì lạ trên?

Tôi cho rằng chẳng có gì tự nhiên cháy cả. Ngày mai, nhận lời mời của một người bạn là công an ở Nghệ An, tôi sẽ vào tận nơi để nắm bắt tình hình và sớm đưa ra câu trả lời chính xác nhất về nguyên nhân của sự việc gây hoang mang dư luận trên.

Những tấm vải trong nhà ông Thanh bỗng dưng bốc cháy (Ảnh: Dân trí)


Theo nhiều người nhận định, có khả năng đây là hiện tượng do khí phốt pho bốc lên và gặp không khí thì xảy ra cháy. Giả thiết này có đúng không thưa ông?


Rất nhiều khả năng là như vậy, nhưng muốn có câu trả lời chính xác thì phải đo mới biết được.

Vậy theo ông, có những nguyên nhân nào có thể dẫn tới hiện tượng trên?

Nhiều khả năng là do khí phốt pho hoặc muối natri vì chỉ có 2 loại này cháy trong không khí. Tôi vẫn nghiêng về giả thiết do khí phốt pho hơn vì nếu là phốt pho thì có thể gây cháy ở trong môi trường kín như trong nhà.

Thế còn những giả thiết cho rằng nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do đám mây tích điện, chất phóng xạ, acid…thì sao thưa ông?

Không thể nào. Đám mây tích điện thì không gây cháy mà nó chỉ tạo ra các tia chớp có thể dễ dàng nhìn thấy. Chất phóng xạ hay acid càng không thể gây cháy. Chúng chỉ có thể tác động lên da, cơ thể con người chứ không thể gây cháy được.

Nếu đúng là do khí phốt pho, vậy nó đến từ đâu?

Phốt pho từ đất mà ra. Nó nằm cách mặt đất vài chục cm. Có thể trước khi xảy ra sự việc trên, ở khu vực này người dân mới đào bới thứ gì đó từ đất hoặc sự việc trên xảy ra sau một trận mưa, đất bị nứt ra giải phóng khí phốt pho.

Nhưng những đồ vật “tự nhiên” bốc cháy hầu hết đều nằm ở trong nhà dân chứ không chỉ ở ngoài trời.

Nếu ở ngoài trời, phốt pho khi cháy sẽ tự phát sáng trong không khí. Còn ở trong nhà, do không khí bị ứ đọng lại nên khi phốt pho bị tản vào đây, nó sẽ luẩn quẩn trong đó.

Quá hoảng sợ, gia đình ông Thanh đành phải khiêng những chiếc giường ra sân (Ảnh: Dân trí)


Điều đáng nói là các đồ vật bị cháy không ở gần các vật dụng gây cháy như xăng, dầu, gas hay dây điện, nhưng chiếc khăn tắm đang ướt để trong nhà tắm của người dân trên cũng bị bốc cháy. Ông có thấy lạ hay không?


Đó là lý do chúng tôi muốn tới tận nơi để nắm bắt tình hình. Tôi cũng tự hỏi là hay có ai đó đốt? Tôi nghĩ họ làm trò gì đó. Trẻ con nghịch, chúng đốt chiếc khăn chẳng hạn.

Ở nước ngoài còn có những hiện tượng như người tự bốc cháy. Đến giờ giới khoa học đã tìm được lời giải cho những chuyện lạ như thế chưa?

 

Mọi trường hợp khác, chúng ta đều đã giải thích được và tôi cho rằng, vụ việc vừa qua ở Nghệ An không ngoại lệ. Hoặc có ai đó đã cố tình đốt, tạo hiện trường giả hoặc có một chất hóa học nào đó từ dưới đất bốc lên độ cao đó gây cháy.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng – Trưởng phòng Phân tích Hóa – Quang phổ (Viện địa chất).
 
Xưa nay người ta vẫn lý giải do khí phốt pho bốc cháy trong không khí là chính thôi, còn nếu đang tự nhiên mà cháy bùng lên có thể là do khí metan. Tôi không tin chuyện người ta tự nhiên bốc cháy rồi biến mất không để lại dấu vết gì như thế.

Nhiều người đã bỏ bê công việc, đổ xô tới đây để xem “chuyện lạ” này. Theo ông, sự việc trên gây ảnh hưởng thế nào tới dư luận xã hội, đặc biệt là cuộc sống của người dân địa phương?

Đó là điều đáng trách nhất của người Việt Nam. Họ túm năm tụm bảy vào xem một vụ tai nạn tang thương hay một sự việc kì lạ như trên để thỏa sự hiếu kì.

Làm như vậy họ vừa mất công mất việc, đôi khi còn gây hại cho xã hội khi tung ra những tin đồn nhảm. Đứng ở góc độ khoa học, tôi thấy đó là hiện tượng tự nhiên và do hóa chất gây ra chứ không có gì lạ.

Có ý kiến cho rằng những kẻ loan tin đồn nhảm nhí về các hiện tượng như trên có tâm lý thần thánh hóa khi gặp cây lạ, con lạ. Ông có đồng tình với quan điểm này không?


Những chiếc chăn trên giường ông Thanh đã bị bốc cháy mà không hiểu nguyên nhân. Sau khi bốc cháy ông Thanh phải dọn ra để ngoài thềm nhà tránh chiếc chăn bị cháy bốc lên cháy nhà. 

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Những chuyện như thế này hoặc là do tự nhiên hoặc là do nhân tạo chứ không có gì kì bí, thần thánh cả. Đừng mê tín dị đoan!

Khi đi thực tế, các nhà khoa học thường chỉ được nghe người dân mô tả lại sự việc chứ không được tận mắt chứng kiến. Vậy làm thế nào giới chuyên môn có thể đưa ra kết luận chính xác?

Chúng tôi sẽ ngồi xem chuyện đó xảy ra như thế nào. Ngoài ra, chúng tôi còn có một số thiết bị đo đạc, thậm chí chúng tôi lấy mẫu đất, nước về nghiên cứu. Dù tốn thời gian chúng tôi vẫn phải làm việc đó vì đó là cách để trấn an người dân.

Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, dù kết quả như thế nào các nhà khoa học cũng phải thông báo cho người dân.

Nhìn lại, tại Việt Nam từng có nhiều vụ “tự cháy” gây hoang mang dư luận. Đến nay đã tìm được lời giải chưa thưa ông?

Lấy ví dụ vụ cô gái 11 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, cô bé đó đã tự đốt đồ rồi người ta loan tin xằng bậy. Không lâu sau đó, có người đã tìm thấy chiếc bật lửa cô bé đó sử dụng.

Hay ở Vũng Tàu có một cô gái tự nhiên tóc bốc cháy. Hóa ra là do cô ấy dùng loại dầu gội không đảm bảo chất lượng, hàng trôi nổi trên thị trường, khi gội không sạch, các hóa chất trong dầu gội tạo ra phản ứng hóa học khiến tóc của cô ấy bốc cháy.

Mọi trường hợp khác, chúng ta đều đã giải thích được và tôi cho rằng, vụ việc vừa qua ở Nghệ An không ngoại lệ. Hoặc có ai đó đã cố tình đốt, tạo hiện trường giả hoặc có một chất hóa học nào đó từ dưới đất bốc lên độ cao đó gây cháy.

Xin cảm ơn ông!

Công an vào cuộc

Theo Dân trí, sáng ngày 1/4, cơ quan Công an huyện Tân Kỳ cũng đã lấy các mẫu đồ vật bị cháy trong nhà ông Thanh để điều tra vụ việc.

Ông Thanh khẳng định: “Gia đình tôi lâu nay không có mâu thuẫn với ai nên không có chuyện kẻ xấu lẻn vào đốt các đồ vật để tung chuyện hoang đường”. Ông Thanh cho biết, mảnh đất gia đình ông ở hiện tại có từ năm 1980, lúc trước là một khu đất rừng hoang. Thi thoảng ông đào đất làm vườn cũng phát hiện một vài hũ sành từ thời xưa nhưng bên trong không có gì.

Trong khi đó, ông Tạ Quang Tính - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc - cho biết: “Sau khi xảy ra các vụ cháy đồ vật liên tiếp trong nhà của ông Thanh, chúng tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra và nắm tình hình sự việc.

Đây là lần đầu tiên ở địa phương xuất hiện hiện tượng kỳ lạ trên. Chúng tôi động viên gia đình tạm thời sơ tán và cắt cử lực lượng bảo vệ tránh các hiện tượng mê tín, dị đoan, đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương”.


VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Minh Quân
Ảnh: Theo Dantri

Bình luận
vtcnews.vn