'Đô thị nén' – giải pháp hữu hiệu của các đô thị hiện đại

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 28/06/2018 09:56:00 +07:00

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hoá nhanh cộng với tình hình gia tăng dân số cơ học trong bối cảnh quỹ đất eo hẹp làm cho vấn đề nhà ở đô thị ngày càng trở nên bức xúc.

Để đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời tiết kiệm đất đai, hướng tới sự phát triển bền vững, theo nhiều chuyên gia, không còn cách nào khác là gia tăng phát triển đô thị theo chiều cao. Đây cũng là xu hướng tất yếu trên thế giới.

Áp lực từ nhu cầu nhà ở đô thị

Dự kiến đến 2025, dân số đô thị Việt Nam sẽ vào khoảng 52 triệu người. Trong 2 năm tới, tại các đô thị lớn cần 36.336.000 m2 nhà ở công nhân; 34.189.000 m2 nhà ở sinh viên; 1.175.000 căn nhà ở cho người thu nhập thấp...

Đó là chưa tính đến nhu cầu nâng cấp chỗ ở của người dân bởi tỷ lệ căn hộ quá chật hẹp (dưới 15 m2) khu vực đô thị hiện là 4% và nhiều gia đình đang phải ở những ngôi nhà tạm bợ. Mặt khác, việc triển khai các dự án hạ tầng đô thị cũng cần có quỹ nhà ở dành cho công tác di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Xu hướng những người trẻ tách ra ở riêng cũng ngày càng phổ biến. Đồng thời, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của các hộ gia đình ngày một tăng lên, làm tăng nhu cầu nâng cao chất lượng tiện nghi và tăng diện tích sử dụng nhà ở. Bên cạnh đó, một phần không nhỏ sức cầu nhà ở còn tới từ người nước ngoài... đặt ra yêu cầu: Thị trường BĐS phải tạo dựng được những sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng, đẹp về thiết kế mà còn đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ...

Theo mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong thời gian tới, trung bình mỗi năm cần xây dựng ít nhất 100 triệu m2 nhà ở; tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng phù hợp với điều kiện của từng đô thị để tiết kiệm quỹ đất, tạo diện mạo và cuộc sống đô thị văn minh, hiện đại.

Liên quan đến mục tiêu trên, bà Trần Thanh Ý, Phòng Nghiên cứu tiêu chuẩn hóa xây dựng, Bộ Xây dựng phân tích: Nhà cao tầng là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết chỗ ở cho nhiều người dân, đồng thời sử dụng đất có hiệu quả nhất, đặc biệt trong điều kiện đất đô thị đang ngày càng khan hiếm, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội , TP. HCM. Đây còn là giải pháp tốt nhất giúp cho công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị không chỉ về mặt không gian kiến trúc mà còn về phương diện quản lý hành chính, xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng nhìn nhận, nhà cao tầng khi được xây dựng theo quy hoạch với sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường đã tạo ra diện mạo mới cho đô thị văn minh. Các chung cư cao tầng có cảnh quan đẹp, được thiết kế hợp lý, tích hợp nhiều tiện ích như: trung tâm mua sắm, bể bơi, rạp chiếu phim, phòng gym..., góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển khu vực lân cận.

Anh 1

“Đô thị nén” là mô hình được phát huy hiệu quả tại các đô thị lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới 

“Đô thị nén” là giải pháp hữu hiệu

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại sự xuất hiện của các nhà cao tầng sẽ làm gia tăng dân số, chất tải lên hệ thống hạ tầng, gây ách tắc giao thông... Lý giải về điều này, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright nhận định: Nhìn một cách thông thường, sẽ có cảm giác là nhà cao tầng làm tăng nhu cầu giao thông. Song thực tế, nhà ống dày đặc mới chính là một trong những nguyên nhân chính của trục trặc ở các đô thị lớn tại Việt Nam, trong khi những toà nhà chung cư theo hướng nén kết hợp với giao thông công cộng mới là giải pháp.

Đồng ý kiến, ông Phạm Hùng Cường, ĐH Xây dựng cho biết: Bản thân kiến trúc cao tầng không tạo ra nhược điểm cho đô thị. Công nghệ ngày càng hiện đại, nhà cao tầng càng phát huy vai trò của nó, an toàn hơn, tiện nghi hơn tiết kiệm đất, hiệu quả sử dụng đất cao hơn, ấn tượng kiến trúc có thể làm đẹp hơn, thân thiện và sinh thái hơn...

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, nhà cao tầng không có lỗi, nhà cao tầng không theo quy hoạch, không đồng bộ với hạ tầng, xây dựng sát chỉ giới đường đỏ, không tạo được cảnh quan kiến trúc đô thị… mới có lỗi. Trên thực tế, đây là vấn đề của quy hoạch và quản lý quy hoạch. Ngoài ra, một số văn bản pháp luật còn chậm đổi mới, trong đó có khung pháp lý về sử dụng đất xây dựng đô thị cũng tạo nên những bất cập trong phát triển nhà cao tầng (có dự án phải chờ quy hoạch, có dự án lại đi trước quy hoạch...)

“Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển kiến trúc nhà cao tầng có khả năng khớp nối cao, thống nhất với các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và có tầm nhìn chiến lược đến tương lai” - ông Lê Quân, Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội kiến nghị.

Về ý kiến trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Viện Nghiên cứu quy hoạch và Thiết kế đô thị nông thôn bổ sung: Chiến lược phát triển nhà cao tầng cần đi liền với các cơ chế ưu đãi phù hợp nhằm hạn chế sự phát triển của thị trường nhà thấp tầng, nhà liền thổ...  tập trung được nguồn lực của xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn