Đổ dốc xuống cầu ở Sài Gòn gặp ngay...'thần chết'

Thời sựThứ Ba, 24/06/2014 07:25:00 +07:00

(VTC News) – Người dân gần cây cầu nói rằng, tai nạn hàng ngày ở đây nhiều không nhớ nổi, năm nào cũng có vài người chết.

(VTC News) – Khi đổ dốc cầu Chánh Hưng, người dân sẽ gặp ngay giao lộ Phạm Hùng – Hưng Phú với mật độ giao thông dày đặc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

"Thần chết" ngay cây cầu nằm sát ngã tư

Tại TP.HCM có nhiều cây cầu nằm ngay sát ngã tư (cầu Phú Xuân 2 – Nhà Bè, cầu Thị Nghè 2 – quận Bình Thạnh, cầu Bùi Hữu Nghĩa – quận Bình Thạnh…), nhưng cầu Chánh Hưng nằm trên đường Phạm Hùng (Q.8) luôn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương và nhiều người dân qua đây.

Một đầu tiếp giáp với đường Hưng Phú (Q.8), đầu cầu còn lại tiếp giáp với đường số 12, cả hai phía cầu đều tạo thành hai ngã tư với lưu lượng xe cộ qua lại rất đông đúc.

Đặc biệt, giao lộ Hưng Phú – Phạm Hùng luôn là nỗi ám ảnh đối với người đi đường. Dốc cầu Chánh Hưng bị đường Hưng Phú cắt ngang, nên khi gặp phải đèn đỏ ngay giao lộ, dòng xe đang di chuyển phải ngừng lại khi đang đổ xuống dốc cầu.

Cầu Chánh Hưng nằm ngay sát giao lộ Phạm Hùng - Hưng Phú (ảnh: N.D) 

Được hỏi về những vụ tai nạn giao thông trong thời gian gần đây, chị Minh Tuyết (đường Hưng Phú, phường 10 – Q.8) than phiền: “Tai nạn rất nhiều vụ mà tôi không thể nào nhớ hết nổi. Cứ vài ngày lại xảy ra một vụ va quẹt. Từ ngày xây xong cây cầu này tới nay, năm nào cũng có vài người chết vì xe tải đâm vào xe máy do bị mất thắng khi xuống dốc cầu.”.

Nhiều người dân địa phương cho biết, khi cầu Hưng Phú đi vào hoạt động, tưởng rằng ùn tắc giao thông sẽ được giảm, nhưng không ngờ chính nó lại gây ra quá nhiều vụ tai nạn giao thông.

Xe tải lưu thông dày đặc luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi xe đổ dốc cầu Chánh Hưng (Ảnh: N.D) 

“Mỗi khi gặp đèn đỏ, xe tải đang đà đổ dốc cầu tốc độ cao phải hãm phanh lại. Nếu bất ngờ bị mất phanh thì đó là mối nguy hiểm chết người” – ông Nguyễn Xuân Minh, một người dân ở phường 10, Q.8 cho biết.

Mới đây nhất, chiếc xe buýt (tuyến bến xe Q.8 – Ngã tư Ga) chở hàng chục khách đang chạy trên cầu Chánh Hưng (hướng về cầu Nguyễn Tri Phương), khi đổ dốc, do mất lái đã lao thẳng vào hàng chục chiếc xe máy đang dừng tại ngã tư Phạm Hùng – Hưng Phú.

Sau đó, chiếc xe buýt này còn lao tự do vào phần đường còn lại, va tiếp vào một ô tô du lịch 16 chỗ ngồi.

Vụ tai nạn ở cầu Chánh Hưng do xe buýt gây ra khiến người dân một phen hú vía (Ảnh: internet) 

May mắn vụ tai nạn này đã không làm ai thiệt mạng, có 2 người bị trọng thương, nhưng tất cả những người chứng kiến hôm ấy đều được một phen thất kinh khi đi qua dốc cầu tử thần này.

Cây cầu sai thiết kế?

Theo tìm hiểu của PV VTC News, cầu Chánh Hưng dài chỉ gần 400m, rộng 13m và chỉ cách nó chưa đến 200m là cầu Nguyễn Tri Phương (dài 299m, rộng 13,5m). Cả hai cây cầu này đều được hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 9/2003, đều có thiết kế với độ dốc khá cao.

Trong khi ở các đầu cầu, khi vừa đổ dốc xong đều có các giao lộ cắt ngang (Hưng Phú – Phạm Hùng và Trần Hưng Đạo – Nguyễn Tri Phương) tạo thành mối nguy hiểm cho người dân khi vừa đổ dốc cầu.

Theo các chuyên gia về giao thông ở TP.HCM, việc thiết kế dốc cầu cắt ngang giao lộ là sai nguyên tắc cơ bản, vì như thế sẽ gây ra nhiều nguy hiểm khi đổ dốc cầu, nhất là đối xe tải và xe buýt.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, cách đây 14 năm, khi làm hai cầu Nguyễn Tri Phương, Chánh Hưng, TP.HCM dự tính sẽ kết nối cả hai cây cầu này làm một, nhằm tránh nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đường.

Giao thông tại cầu Chánh Hưng lộn xộn, luôn là nỗi khiếp sợ của người dân khi qua đây (Ảnh: N.D) 

Thế nhưng, do thiếu vốn nên ý định này đã không thể thực hiện. Khi ấy, TP.HCM định thực hiện giai đoạn 2 công trình xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương là sẽ lên phương án mở rộng, kết nối với cầu Chánh Hưng, song thực tế lại cũng không thể thực hiện được.

Nguyên nhân do địa phương buông lỏng quản lý để nhà cửa xây dựng khang trang, hiện đại, mà muốn thực hiện được thì kinh phí đền bù, giải tỏa đội lên rất cao.

Thêm nữa, theo điểm C, khoản 2, điều 18 của Luật giao thông đường bộ: “Cấm dừng, đỗ xe trên cầu, gầm cầu…”, mà ngay giao lộ ở mỗi dốc cầu nói trên lại có đèn tín hiệu giao thông, nên vô tình đã buộc tất cả các phương tiện phải vi phạm Luật giao thông.

Dù kể từ khi đưa vào sử dụng tới nay, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM liên tục tổ chức phân luồng giao thông, lắp đặt thêm các biển báo, dải phân cách, cũng như các biển báo, tuy nhiên cầu Chánh Hưng và giao lộ Hưng Phú – Phạm Hùng luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn