Đô đốc Mỹ cảnh báo nguy cơ từ những yêu sách của Trung Quốc tại Bắc Cực

Thời sự quốc tếThứ Hai, 29/06/2020 11:41:24 +07:00
(VTC News) -

Chỉ huy Hải quân Mỹ cho rằng, Mỹ và đồng minh NATO cần duy trì quan hệ chặt chẽ để bảo vệ lợi ích của họ ở Bắc Cực khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới.

Trong hội thảo trực tuyến do cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại London, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức hôm thứ Năm (25/6), Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu-châu Phi cho biết Trung Quốc đang tăng cường tìm cách khai thác Bắc Cực.

Chỉ huy Hải quân Mỹ cũng cho rằng các hoạt động của họ tại khu vực, cũng như ở Châu Phi và Châu Âu, đặt ra mối lo ngại về an ninh cho Mỹ và các thành viên khác của NATO.

"Trung Quốc thậm chí còn tự coi mình là quốc gia gần Bắc Cực", ông Foggo nói. "Họ đang nhắm đến cơ hội đầu tư, từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đến tiềm năng giao thông hàng hải thương mại trong tương lai của Con đường tơ lụa".

Đô đốc Mỹ cảnh báo nguy cơ từ những yêu sách của Trung Quốc tại Bắc Cực - 1

(Ảnh minh họa: AP)

Chỉ huy Hải quân Mỹ đề cập đến tham vọng của Bắc Kinh trong việc mở rộng sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bắc Cực, bằng cách phát triển các tuyến đường vận chuyển đang mở ra do sự nóng lên toàn cầu.

Bắc Kinh cho biết lợi ích của họ ở Bắc Cực chủ yếu sẽ liên quan đến thương mại và bảo vệ môi trường, nhưng Foggo nói khu vực này có thể trở thành tâm điểm của những yêu sách không có thật của Bắc Kinh. "Trung Quốc có tiền lệ riêng đưa ra yêu sách không có thật đối với các tuyến đường thủy quốc tế ở Biển Đông, nên có thể họ cũng sẽ tìm cách bẻ cong các quy tắc về phía có lợi cho họ ở Bắc Cực".

Foggo cũng nhấn mạnh công nghệ viễn thông 5G và sự kiểm soát cơ sở hạ tầng cảng biển từ Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại cho châu Âu.

"NATO không thể bỏ qua các hoạt động của Trung Quốc tại Châu Âu nữa", ông này nói.

Trung Quốc đã bắt tay vào một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD theo chương trình vành đai và con đường để liên kết các nền kinh tế vào một mạng lưới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Sáng kiến này liên quan đến hơn 125 quốc gia nhưng đã gây nhiều tranh cãi, bao gồm việc lo ngại về các bẫy nợ.

Foggo cho rằng việc Trung Quốc đầu tư ngày càng tăng tại Châu Phi và châu Âu có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính quyền địa phương và làm tổn hại lợi ích của Hải quân Mỹ trên khắp thế giới.

"Loại ảnh hưởng này là một mối lo ngại về an ninh, trong đó bao gồm hạn chế quyền tiếp cận vào các cảng biển và sân bay chính, truy cập thông tin nhạy cảm về quân sự và chính phủ thông qua công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước và do nhà nước (Trung Quốc) kiểm soát", ông này nói.

Ngoài ra, chỉ huy Hải quân Mỹ cho rằng, Trung Quốc "mua các hãng tin tức và các công ty giải trí để đẩy mạnh tuyên truyền và xóa bỏ mọi chỉ trích chống lại chính phủ của họ". Ông cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nhà ngoại giao "chiến lang" đã hạn chế thông tin về và virus corona và quyên góp thiết bị và nhân sự như một cách để chứng minh mình là một nhà lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, ông Foggo cũng nói rằng "luôn có chỗ cho đối thoại". Ông là người đứng đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán với quân đội Trung Quốc về quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán ngoài dự kiến trên biển.

Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, cho rằng những bình luận của Foggo thể hiện một phần nỗ lực của Washington để cùng với NATO chống lại Trung Quốc. Ông cho rằng nguy cơ xung đột giữa Bắc Kinh và NATO ở Bắc Cực là rất thấp vì Trung Quốc không có lợi ích cốt lõi trong khu vực.

"Theo luật quốc tế, Trung Quốc chỉ là một quốc gia quan sát đối với Bắc Cực, có nghĩa là họ chỉ có thể hợp tác với một trong 8 quốc gia Bắc Cực, ví dụ như Nga, trong việc phát triển tuyến đường thương mại hoặc năng lượng", ông Zhongping nói.

Phương Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn