Đò dây giỡn mặt 'hà bá' trên sông Ngàn Sâu

Thời sựThứ Sáu, 28/03/2014 11:19:00 +07:00

(VTC News) - Thay cho mái chèo là sợi dây thừng kéo ngang sông, khi có khách người lái đò nắm chắc sợi dây rồi dùng sức kéo đưa đò qua sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh).

(VTC News) - Thay cho mái chèo là sợi dây thừng kéo ngang sông, mỗi khi có khách người lái đò nắm chắc sợi dây rồi dùng sức kéo, đưa đò qua sông Ngàn Sâu (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Chỉ cách trung tâm huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chừng 8 km, thế nhưng mấy chục năm nay, hơn 800 nhân khẩu của 2 thôn Trung Lưu, Phố Tây (xã Sơn Tây, Hương Sơn) đã quá quen thuộc với cách đi đò dây vượt sông Ngàn Sâu để ra ngoài buôn bán, làm ăn, đi học…

Chiếc đò được làm rất thô sơ, mặt đò làm bằng những mảnh gỗ nhỏ ghép lại, hầu hết đều không có lan can. Giá trị mỗi con đò khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Con đò này được mệnh danh là “đò ba không”: không một thiết bị cứu hộ, không giấy phép hoạt động, không đăng kiểm nhưng hàng ngày vẫn phải “oằn mình” chở khách.
Sợi dây thừng buộc vào 5 cọc gỗ chôn ở hai bờ sông là cách mà người lái đò thay cho mái chèo, máy nổ
Sợi dây thừng buộc vào 5 cọc gỗ chôn ở hai bờ sông là cách mà người lái đò thay cho mái chèo, máy nổ

Đò không dùng máy nổ hay tay chèo, thay vào đó là sợi dây thừng buộc vào 5 cọc gỗ chôn ở hai bờ sông. Mỗi khi có khách, lái đò chỉ cần bám vào sợi dây rồi dùng sức lực của cánh tay kéo, đưa đò sang bờ bên kia.

Vẫn biết là rất nguy hiểm nhưng nếu như không qua sông bằng chiếc đò này thì người dân cũng không còn cách nào khác. Đây là con đường độc đạo dẫn vào thôn và ra “thế giới bên ngoài”.

Mức phí mà mỗi hộ dân đóng để đi đò là khoảng 300 ngàn đồng/năm. Còn những người lạ qua sông thì mỗi lượt đi khoảng 2.000 đồng.

Anh Trần Văn Có (SN 1979), người kéo đò dây trên sông Ngàn Sâu mấy năm nay chia sẻ, hàng ngày chiếc đò chở khoảng 200 lượt khách, cứ khi nào khách yêu cầu là đi, dù có 1 người. Thời gian hoạt động của đò là từ 4h30 tới 20h. Mỗi tháng thu nhập của anh chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Chính con đò này tiếp bước cho hơn 100 học sinh theo đuổi con chữ
Chính con đò này tiếp bước cho hơn 100 học sinh theo đuổi con chữ
“Từ trước tới giờ chưa từng xảy ra tai nạn chết người, tuy nhiên những chuyến đò chở khách qua sông  chòng chành rất nguy hiểm” - Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Trung Lưu) cho hay.

Cũng chính con đò chông chênh này ngày ngày vẫn tiếp bước cho hơn 100 học sinh đến trường theo đuổi con chữ.

Được biết, vào tháng 8, tháng 9 mùa mưa bão, nước lũ dâng cao, UBND xã Sơn Tây phải tạm ngưng những chuyến đò dây để đảm bảo an toàn cho người dân. Cũng chính vì vậy, vào thời gian này, hơn 800 nhân khẩu của 2 thôn bị cách biệt với thế giới bên ngoài.
Vết chai sạn trên tay người lái đò khi cố cầm dây lái đò
Vết chai sạn trên tay người lái đò khi cố cầm dây lái đò

Ông Lê Đình Vỹ, Chủ tịch xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, thời gian qua đã có nhiều đoàn về tiến hành đo đạc khảo sát thực địa để xây dựng cầu. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa thấy gì.

"Mong mỏi của bà con nhân dân nơi đây là có một chiếc cầu đi lại thuận tiện nhưng điều đó còn quá xa xôi", ông Vỹ chia sẻ.

» Thót tim cảnh đánh đu sinh mạng trên 'cầu tử thần'
» Đu dây tử thần, cô gái trẻ chết thảm

Quỳnh Như

Bình luận
vtcnews.vn