Đỗ Bảo và hoài niệm 'Những mùa đông yêu dấu'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 04/12/2012 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Gặp Đỗ Bảo để nghe anh trải lòng về những kỷ niệm quá khứ trong nét vẽ của 'Những mùa đông yêu dấu' khiến người ta nôn nao khi giai điệu cất lên.

(VTC News) - Một chiều đầu đông lạnh Hà Nội, tôi gặp Đỗ Bảo để nghe anh trải lòng về những kỷ niệm quá khứ trong nét vẽ của 'Những mùa đông yêu dấu' khiến người ta nôn nao khi giai điệu cất lên.

Những mùa đông yêu dấu, một sáng tác của Đỗ Bảo, dịu dàng, đầy kỷ niệm, gắn bó với bất kỳ ai đã từng sống, từng đi qua thành phố nghìn tuổi, chứng kiến những ngày lạnh bàng bạc, se sắt của Hà Nội.

Nghe "Những mùa đông yêu dấu" và xem những hình ảnh lãng mạn ngày đông Hà Nội:



Ca khúc này, bên cạnh các nhạc phẩm đầy tình yêu, màu sắc của Đỗ Bảo có một sức sống kỳ lạ, len lỏi trong đời sống của cả những người có nhiều trải nghiệm cuộc đời và cả những bạn bè, ưa sự mạnh mẽ, sôi động, cuồng nhiệt.


"Trên mái ngói cũ, chênh vênh, xô lệch, mỏng manh, trâm trầm, chứa đựng nhiều cảm xúc, thời gian, sự chông chênh mà vẫn che chắn cho con người. Ở nơi như thế, có những ăng ten vô tuyến hoen rỉ, không ai để ý, bắt sóng vô tuyến. Đó là một trong những hình ảnh ám ảnh tôi" - Đỗ Bảo nói về một hình ảnh của Hà Nội mùa đông, những năm tháng cũ.

Gặp Đỗ Bảo trong những ngày chớm đông Hà Nội bên tách cà phê nóng ở một quán cà phê nhỏ, quen thuộc trên phố cổ để nghe anh trải lòng về những kỷ niệm, quá khứ trong nét vẽ của ca khúc Những mùa đông yêu dấu khiến người ta nôn nao khi nghe giai điệu ấy cất lên.

Và cũng để nghe câu chuyện của ngày hôm nay, sự hòa nhập với đời sống đương đại vội vã nhưng vẫn tìm cho mình những hứng thú riêng, một cõi thảnh thơi, trầm tư mà Đỗ Bảo cho rằng, đời sống ấy vừa vặn với mình. Anh đến với cuộc sống là để vui và làm nó đẹp hơn.

- Hà Nội đang vào đông, người ta nói, một trong những đặc sản của thành phố này là mùa đông. Với anh, những ngày tháng lạnh, mờ sương này ý nghĩa như thế nào?

Ấn tượng về mùa đông Hà Nội với tôi rất mạnh, mùa đông của năm tháng cũ, khổ thì nhớ lâu thôi. Tôi đã nói nhiều về mùa đông Hà Nội. Tựu chung, mùa đông làm cho con người đến gần nhau hơn, muốn sưởi ấm cho nhau. Điều này rất nhân văn. Thời tiết và không gian khiến người muốn gần gũi, che chở cho nhau theo tôi là lý tưởng, tuyệt vời.

- Giống như anh viết, mùa đông khiến người ta hoài niệm, nghĩ về những năm tháng cũ. Vậy thì chuyện xưa cũ gợi nhớ anh viết ca khúc Những mùa đông yêu dấu là thế nào?

Với tôi, kỷ niệm là một cái kho, không biết lấy cái gì ra làm đại diện điển hình. Có quá nhiều kỷ niệm mình đều thương, đều yêu như nhau. Thủa bé, mình đi học, những tình bạn từ thủa nhỏ, những đường phố in dấu năm tháng mình lớn lên. Mùa đông, có những lúc tôi ngóng chờ mẹ về trong buổi chiều, thời ấy, người ta chỉ đi xe đạp, thấy những chiếc tàu điện đi qua, những lúc đi xách nước, có bộ quần áo mới…

Những kỷ niệm ấy có giá trị tương đương, đáng quý và đều là vàng trong cuộc đời tôi. Nhưng có lẽ, hình ảnh bất chợt nảy ra trong đầu tôi là những ăng ten, mái ngói. Hà Nội của những năm tháng ngày xưa tôi sống, khi chiều chiều đứng trên ban công nhìn ra đâu đó, ở phía nhà bạn bè.

Trên mái ngói cũ, chênh vênh, xô lệch, mỏng manh, trâm trầm, chứa đựng nhiều cảm xúc, thời gian, sự chông chênh mà vẫn che chắn cho con người. Ở nơi như thế, có những ăng ten vô tuyến hoen rỉ, không ai để ý, bắt sóng vô tuyến. Đó là một trong những hình ảnh ám ảnh tôi.


Nghe những ca khúc hay của nhạc sĩ Đỗ Bảo:

Bức thư tình đầu tiên 
 Bức thư tình thứ hai

 Bức thư tình thứ ba

- Anh có phải là người sống hoài niệm?

Nói cho đúng thì không. Bây giờ, tôi vẫn hòa nhập cuộc sống mới, vui vẻ. Nhưng có những thứ là giá trị trong bộ nhớ, là kỷ niệm thì mình cất giữ thận trọng vì nó chính là thứ nuôi dưỡng tâm hồn mình, cơ thể mình, đi cùng tôi trong nhiều năm tháng.

Ngày hôm nay, tâm thế của tôi vẫn trân trọng quá khứ, nhưng không hoài niệm, sống trong quá khứ mà vẫn hòa nhập với cuộc sống hiện đại.


- Những người thuộc thế hệ của anh, trải qua giai đoạn sau chiến tranh và mở cửa hội nhập bị ám ảnh mạnh về năm tháng tuổi thơ, của tem phiếu. Còn anh?

Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi giai đoạn sống đó. Thời kỳ ấy, còn nhỏ, định hình tính cách và nhân cách tôi. Sự ám ảnh, đôi khi trong vài trường hợp nào đó, nhưng tôi nghĩ có những lúc nó là tốt, có lúc là không tốt.

Tốt vì nó mang lại cho mình sự trân trọng những gì mình có được ngày hôm nay, biết nó quý giá ở đâu. Nhưng nó không tốt khi nó làm cho mình hoang mang, lo sợ, nhìn cuộc sống ngày hôm nay bằng con mắt e ngại, thận trọng, rằng những khó khăn ấy đã chấm dứt hay còn diễn ra trong cuộc sống này.

Cũng may là đó là cách để mình giải thích được những suy tư trong bản thân mà không cần quá nhiều sự chia sẻ. Đó là nét tính cách đang tồn tại trong tôi, ngay trong thời điểm này.

- Trải qua hai giai đoạn sống như vậy, anh có thấy mình có những khúc gãy về mặt tâm lý khi có sự thay đổi lớn về môi trường xã hội?


Tôi nghĩ, ai cũng có khúc gãy, những bước ngoặt, những hố sâu ngăn cách hai hay nhiều đoạn đời nào đó, chỉ khác là mức độ mỗi người không giống nhau thôi.

Cuộc sống, được trải qua những khúc gãy ấy thực sự có giá trị. Nó giúp mình trưởng thành hơn, trải nghiệm hơn thân phận làm con người.

Nếu thả xuống cuộc đời là một vườn hoa, chỗ nào cũng êm ái cả, không vấp váp thì không phải là đời người. Có lẽ, như thế cuộc sống sẽ không thú vị. Tôi là nghệ sỹ nên thích sự thay đổi, đổi mới.


 

Trên mái ngói cũ, chênh vênh, xô lệch, mỏng manh, trâm trầm, chứa đựng nhiều cảm xúc, thời gian, sự chông chênh mà vẫn che chắn cho con người. Ở nơi như thế, có những ăng ten vô tuyến hoen rỉ, không ai để ý, bắt sóng vô tuyến. Đó là một trong những hình ảnh ám ảnh tôi.

 
- Anh nói, đời sống ngày hôm nay khiến anh phải thận trọng, e ngại. Có phải, những năm tháng khó khăn của ngày xưa, người ta sống khác bây giờ nhiều, không cạnh tranh, không đạp lên mọi thứ để có những giá trị cho mình?


Không hẳn là như vậy. Có lẽ, nói một cách khách quan thì thời kỳ nào, năm tháng nào cũng có những khó khăn của nó. Và tất nhiên có những cái phải thận trọng của riêng nó.

Chỉ có thể, lúc ấy, tôi đang lớn, cảm nhận nó như vậy. Chẳng bao giờ mình chạm được tới chân lý. Đời sống con người hình như không có điều ấy, lúc nào cũng sai cả.

Với sự không tuyệt đối ấy, dù đời sống khó khăn, những giá trị sống đến và ở lại với người ta nhiều hơn. Ví dụ với tình bạn, người ta có nhiều thời gian để đầu tư cho nó hơn.

Có thể đi gặp bạn, người ta phải đi bộ qua nhiều phố mới tới nơi. Khó khăn đấy nhưng mang về cho người ta giá trị sống và vụ đắp cho cốt cách con người nhiều hơn. Và ít những điều khiến người ta phải thận trọng. Đó là tôi nói một cách tương đối.

Với tuổi trẻ của mình, tôi không phải thận trọng nhiều lắm. Cuộc sống bây giờ phải thận trọng nhiều hơn từ cái ăn vào bụng, nước uống, mua bán phải mặc cả, đồ giả cũng nhiều hơn.

- Bản thân anh đã bao giờ phải sống gấp?

Có lẽ là hiếm có hoặc chưa bởi vì trong quá trình nhận thức, giống như mình đi xe ngoài đường, phóng nhanh sẽ gặp nguy hiểm, đi chậm lại thì sẽ vững tâm hơn. Đó chỉ là cách lựa chọn của mỗi người, không có cái nào là hay nhất.

Tôi lựa chọn cách sống cho riêng mình vì từ nhỏ đã như vậy, bố mẹ, ông bà cũng sống như vậy. Nó ảnh hưởng đến mình. Bản thân sự trải nghiệm cũng cho tôi thấy, nó hợp, tốt, vừa vặn, mà đã vừa vặn thì chẳng cần phải cố gắng thêm gì nữa.

 
- Sự vừa vặn ấy khiến anh thận trọng trong các sản phẩm âm nhạc?

Tôi thận trọng để làm những việc táo bạo. Ở tuổi 24, 25, tôi ra album riêng, đó là việc táo bạo, hiếm có. Bây giờ, với khối lượng tác phẩm và những việc đã làm, tôi thấy mình đã vượt lên, đạt được những điều mà ngày xưa người ta thấy khó.

Ở tuổi 35, tôi được làm chung với những nhạc sỹ lớn tuổi hơn mình, trầm tĩnh để nhìn nhận cuộc sống. Dù có người không ghi nhận nhưng sự thật bên trong con người rất quan trọng. Ta có thấy ta ổn không, có thấy hạnh phúc không, đạt được những điều mong ước chưa? Cách ta đạt được những điều mong muốn có ổn không…

Những điều ấy, đều có câu trả lời thật nhất, rành rọt nhất từ bên trong con người mình. Còn nói ra bên ngoài, thế nào cũng không thay đổi được.

Tôi biết, trong cuộc sống mới, người này nghĩ thế này, người kia như thế kia, dư luận nói đều là cái bên ngoài. Tôi kiến tạo cho mình cuộc sống không bị lệ thuộc vào bên ngoài.

Tôi đóng vai người của công chúng kém, rụt rè, không vui tính lắm nhưng bên trong tôi nói, như vậy là vừa vặn, là tốt rồi. Một nghệ sỹ may mắn là viết được những bài hát hay, để nó sống với thời gian.

Cánh buồm đỏ thắm 

Điều ngọt ngào nhất 
Anh đã khác xưa 

- Những mùa đông yêu dấu viết bằng hoài niệm, và có nỗi buồn nào đó chạy ngang qua tác phẩm?

T
ôi có những nỗi buồn. Tôi thấy, cách nghĩ của mình không giống số đông, sự lựa chọn của mình cũng không phải là sự lựa chọn của số đông. Nỗi buồn ấy thường trực trong tôi, chẳng sao cả, chẳng lẽ tôi sống khác đi khi mình thấy điều ấy hợp với mình.

- Hà Nội mùa đông lặng lẽ, phố cổ lặng lẽ, anh có khi nào tìm kiếm những hình ảnh ấy trong tháng ngày vội vã?

Hình ảnh đi vào trong sáng tác của mình, bao giờ cũng thân thuộc, gợi lại nhìn ngắm bất chợt thấy nó bao giờ cũng vui.

Khi gặp lại, lúc nào cũng có sự quyến luyến. Có khi đi trên đường, tôi dừng lại chỉ để nhìn ngắm những hàng cây, vì tôi thấy thích, thấy nó đẹp và tôi phải đứng lại chụp ảnh.

Có góc nào đó gợi cho tôi những suy nghĩ, một góc suy nghĩ đang dang dở đâu đấy, tôi bỏ tất cả lại để suy nghĩ về nó.

Cuộc sống ấy, trải nghiệm ấy, với tôi là một thú vui. Ngày tết, tôi thấy cảnh gia đình tụ họp ăn uống, mừng tuổi, mặc đẹp đi chụp hình, tôi thấy nó rất tình cảm. Tôi thích nhìn những điều ấy và coi đó là một thú chơi.


 

Tôi thấy, cách nghĩ của mình không giống số đông, sự lựa chọn của mình cũng không phải là sự lựa chọn của số đông. Nỗi buồn ấy thường trực trong tôi, chẳng sao cả, chẳng lẽ tôi sống khác đi khi mình thấy điều ấy hợp với mình.

 
- Cảnh tượng của những mùa đông yêu dấu ngày xưa, giờ đã thay đổi quá nhiều?


Thật ra, bài hát Những mùa đông yêu dấu có bắt nguồn từ người đã trải nghiệm những năm tháng ấy nhưng không phải chỉ vì hoài niệm mà hát lên.

Có rất nhiều sự hiện đại, mới mẻ bây giờ, là mỗi mùa đông khác, những ô cửa kính, bình yên trong mưa thấy chuyến xe càng thêm ấm áp, là hình ảnh một người đi xe trên đường hay những chuyến xe buýt đi ngang qua.

Tất cả cho người ta gợi nhớ, soi gương vào những hình ảnh cũ để nhìn cuộc sống ngày hôm nay. Chỉ hoài niệm thôi, đối với tôi, không hay lắm.

- Với tác phẩm của anh, gợi nhiều hình ảnh. Mùa đông Hà Nội, trong nét vẽ của anh sẽ có những gì?

Tất cả những hình ảnh trong tác phẩm là những hình ảnh tiêu biểu đọng lại trong tôi, cả những bài hát vui và những bài hát buồn. Những hàng cây nối nhau, những gương mặt phố, những chuyến xe. Tất cả đều có linh hồn của nó. Đặc biệt là tình yêu, một giá trị vô cùng đẹp đẽ. Ai từng yêu sẽ thấy nó tuyệt vời như thế nào.

- Ngày hôm nay, với mùa đông của Đỗ Bảo thêm cả những quán cà phê nhỏ, sự gần gũi với đời sống?

Tôi nghĩ càng đơn giản, càng gần gũi với đời sống của cộng đồng xung quanh mình thì mình dễ có những rung động bình dị, bất biến. Tôi hâm mộ những rung động như vậy, còn những rung động theo mốt, trào lưu thì sẽ nhanh trôi qua đi.
Đỗ Bảo cùng vợ và con gái yêu 
- Anh thấy mình nợ cuộc sống điều gì không?

Tôi không nghĩ mình đang nợ cuộc sống gì đâu. Tôi đến với cuộc sống để vui và làm đẹp cho nó.

- Tôi vẫn nhớ, anh từng nói sẽ sáng tác về mẹ và sẽ sáng tác thật hay. Lúc nãy, anh nói về hình ảnh của mẹ trong những ngày đông. Vậy bài hát mà anh muốn viết, giờ ra sao?

Chắc chắn đó là điều ai cũng muốn làm. Nhạc sĩ cũng là người bình thường. Tình yêu với bố mẹ là thiêng liêng, nói bằng lời không đủ, nói bằng nhạc không đủ. Sáng tác ca khúc chỉ là thứ thêm vào.
Bạn bè tôi, nhiều khi hỏi tôi, muốn tôi viết tặng ca khúc, tôi nói, bài hát thì nhỏ quá, tặng thì tặng cái gì lớn hơn nữa cơ.

Đôi lúc thấy chưa đủ để nói về nó thì không nói thì không nói, phải chờ đợi thôi. Lúc nào mình thấy nó hài hòa, bộc lộ được ra một phần nào đấy. Với mùa đông Hà Nội, chỉ một ca khúc, làm sao tôi có thể nói hết điều mình cần nói.

- Tức là vẫn cần thời gian để trải nghiệm thêm?

Đối với tôi, ngôn ngữ của âm nhạc hay văn chương vẫn có giới hạn. Nó là ngôn ngữ mà cuộc sống, của những rung động trong không gian, chẳng qua, nó làm công đoạn chuyển đổi từ cảm xúc thành lời. Có những thứ tinh tế, nhỏ quá, không thể nói hết được.

-Xin cảm ơn anh!

Đào Gia Long(Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn