Đố bạn biết vỏ thuốc làm bằng gì?

Sức khỏeChủ Nhật, 18/12/2016 21:02:00 +07:00

Chúng ta thường thấy và sử dụng viên thuốc uống được bao bọc bởi một lớp mềm dai ở ngoài, gọi là vỏ nang, nhưng ít ai biết rằng vỏ thuốc làm bằng gì?

Vỏ nang (capsule) là một dạng bao bì nhỏ, thường được làm từ chất gelatin – một loại protein được tách từ collagen của da, xương của động vật hoặc gelatin từ thực vật, loại chất này sẽ hòa tan trong dạ dày. Trước kia, thuốc có vỏ nang này thường được gọi là "viên con nhộng".

Theo đó, da heo, bò, collagen được thủy phân hóa một phần để biến thành gelatin. Như vậy, để bào chế thuốc là viên nang phải có vỏ nang được chế tạo từ nguyên liệu là gelatin.

co-nen-boc-vo-thuoc-nhong

Viên nang là dạng thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Viên nang là loại thuốc dùng nhiều nhất hiện nay nên việc kiểm nghiệm các tiêu chuẩn dược dụng của các thành phần, trong đó có gelatin hết sức ngặt nghèo, nhằm tránh nguy hại cho người dùng thuốc.

Quy trình sản xuất galentin rất phức tạp, nhà sản xuất cho lột da những con heo, bò. Sau đó, tấm da được luộc trong nước sôi để tạo ra gelatin, loại chất phụ gia không mùi. Còn các bộ phận khác như gân, dây chằng và xương của loại động vật này cũng được tận dụng để chiết xuất ra loại chất này phục vụ cho việc sản xuất vỏ nang thuốc.

Tuy nhiên, khi đã ra thành phẩm chất galentin để sản xuất vỏ nang thuốc kia đã có tính dược dụng, không gây nguy hiểm hay kinh hãi cho người dùng thuốc.

Theo các bác sĩ, mục đích của việc cho thuốc vào trong các nang là nhằm bảo vệ các thành phần trong công thức thuốc không bị hỏng khi tiếp xúc với các yếu tố của môi trường xung quanh như khí oxy, độ ẩm, ánh sáng, vi khuẩn, nấm mốc.

Mặt khác, vỏ nang thuốc còn để che giấu mùi vị khó chịu của thuốc. Và quan trọng nhất là bảo vệ niêm mạc dạ dày trong một số loại hoạt chất của thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày cũng như giúp thuốc tan tại ruột để tránh acid của dịch vị phá hủy thuốc, thường được áp dụng đối với một số kháng sinh.

Ở một số nước trên thế giới, vỏ nang thuốc trước hết phải được xác định có nguồn gốc từ da heo hay da bò, bởi có người không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ heo.

Vỏ nang làm từ gelatin từ heo không được chấp nhận dùng làm thuốc tại các nước Hồi giáo (họ chỉ sử dụng vỏ nang làm từ da bò, đã xảy ra trường hợp một công ty dược phẩm lớn khốn đốn xin lỗi vì nhầm lẫn xin phép thuốc lưu hành tại Indonesia có vỏ nang làm từ da heo!).

Đối với nhiều nước tiên tiến, gelatin từ da bò dùng làm thuốc phải được chứng thực là được sản xuất từ bò không mắc bệnh bò điên. Các tiêu chuẩn của gelatin dùng làm thuốc được quy định trong các dược điển và phải được tuân thủ chặt chẽ.

Bên cạnh các tiêu chuẩn lý hóa (như gelatin dược dụng có một chỉ tiêu về độ hóa đông, tức đun nóng gelatin hòa tan trong nước khi để nguội sẽ đông cứng lại - như món ăn thịt đông ở miền Bắc nước ta đông cứng là nhờ gelatin), còn có các tiêu chuẩn xác định không chứa vi khuẩn, không chứa các độc chất trên mức giới hạn cho phép (như không chứa kim loại nặng, điển hình là chì).

Tiến Phòng
Bình luận
vtcnews.vn