DN tiếp tục “chết” nếu không áp trần lãi suất cho vay

Kinh tếThứ Năm, 29/12/2011 01:25:00 +07:00

(VTC News) – Các doanh nghiệp không thể duy trì ổn định sản xuất với mức lãi suất cho vay quá cao của các ngân hàng hiện nay.

(VTC News) – Thừa nhận việc thả nổi trần lãi suất cho vay là 1 trong những điểm tối nhất của ngành ngân hàng năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định có thể áp trần lãi suất cho vay nếu thị trường vẫn còn biến động.

 

Khi lãi suất huy động vốn của hệ thống ngân hàng ổn định ở 12%/năm trong nhiều năm thì ngân hàng Tecombank huy động với lãi suất 17%/năm. Vì vậy lãi suất huy động của toàn bộ hệ thống ngân hàng lại phải tăng theo. Cũng từ đó lãi suất các ngân hàng bị loạn không kiểm soát được. Nhà nước đưa ra trần huy động 14%/năm nhưng các ngân hàng nhỏ phải huy động với  lãi suất cao hơn, thậm chí đến 19%/năm để có đủ vốn.

 

Doanh nghiệp sẽ tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp nếu có trần lãi suất cho vay (Ảnh internet chỉ có tính minh hoạ) 
Theo Chủ tịch HĐQT của NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà, một thực tế là trong khi nguồn vốn của các ngân hàng khó đến với sản xuất thì 1 số ngân hàng lớn đã chuyển tiền cho các ngân hàng nhỏ vay để đảm bảo thanh khoản với lãi suất “cắt cổ”, có thời điểm lên đến 48-50%.

 

Cũng trong năm qua, ngành ngân hàng lần đầu tiên xuất hiện một lực lượng “cò” lãi suất, “ăn tiền” 2 mang cả phía ngân hàng và khách hàng.

 

Trao đổi với PV VTC News, chủ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cho biết: Điều đáng nói ở đây là  Ngân hàng nhà nước không quy định trần lãi suất cho vay vì vậy các ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất rất cao nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh.

 

Với lãi suất đến 25%/năm, thậm chí có ngân hàng chào cho vay nhanh lên đến 40-45%/năm thì có vay được vốn doanh nghiệp cũng khó có thể kinh doanh có lãi đủ trả lãi cho ngân hàng.

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2011 cả nước đã có hơn 48.000 doanh nghiệp phá sản.

“Do vậy, cần phải khống chế trần lãi suất cho vay để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại được, còn lãi suất đầu vào có thể thả nổi. Mục tiêu cơ bản là để phát triển sản xuất và các ngân hàng sẽ cạnh tranh nhau bằng  hiệu quả giữa huy động và cho vay hợp lý với trần lãi suất cho vay được khống chế. Có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể vay được vốn và dám vay vốn để hoạt động”, chủ doanh nghiệp này cho hay.

 

Phát biểu tại hội nghị ngành, bản thân lãnh đạo ngân hàng TMCP Công thương, ông Phạm Huy Hùng cũng đề xuất trong trung hạn nên bỏ trần huy động để chuyển sang trần cho vay, như vậy không còn chuyện lách trần, chi cho khoản này, khoản kia gây nhiễu loạn hệ thống.

 

Nhìn nhận về vấn đề trần lãi suất, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho hay: Thời điểm hiện tại, việc để trần lãi suất không còn phù hợp.

 

Nếu tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động doanh nghiệp sẽ không thể có vốn để ổn định sản xuất.

 

“Muốn cứu doanh nghiệp thì không có cách gì khác ngoài việc cho họ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Nếu lãi suất cho vay cứ cao như hiện nay thì không thể bàn được thêm về việc phát triển doanh nghiệp. Việc cần làm ngay lúc này là thay vì khống chế trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước nên khống chế trần lãi suất cho vay để ổn định sản xuất cho doanh nghiệp”, TS Kiêm nói.

 

Như vậy, việc áp trần lãi vay nhiều khả năng sẽ sớm trở thành hiện thực khi không chỉ các ngân thương mại mà bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính tới.

 

Thừa nhận việc thả nổi trần lãi suất cho vay là 1 trong những điểm tối nhất của ngành ngân hàng năm 2011, vị tư lệnh ngành ngân hàng cũng đãđưa ra thông điệp rõ ràng trong báo cáo định hướng hoạt động 2012 rằng: Sẽ tính tới khả năng áp trần lãi suất cho vay nếu thị trường vẫn còn biến động.

 

Hiếu Anh

Bình luận
vtcnews.vn