Điều khó tin ở xã vùng cao không điện

Kinh tếThứ Ba, 15/12/2015 09:50:00 +07:00

Có những điều khó tin diễn ra ở các xã nghèo khó biên giới Chơ Chun (huyện Nam Giang), Gari, Ch’ Ơm (huyện Tây Giang) thuộc tỉnh Quảng Nam.

Có những điều khó tin diễn ra ở các xã nghèo khó biên giới Chơ Chun (huyện Nam Giang), Gari, Ch’ Ơm (huyện Tây Giang) thuộc tỉnh Quảng Nam.

Ở huyện Nam Giang, không phải ai cũng biết xã Chơ Chun. Ông chủ một quán ăn lớn ở huyện đã sống ở đây mấy chục năm, nhưng chưa nghe cái tên này bao giờ.

Chơ Chun được gọi là xã “5 không”, thậm chí “10 không” vì thiếu gần như toàn bộ các công trình công cộng cơ bản: Không điện, không đường, không trường, không nước sạch, không trạm y tế... Ngay cả trụ sở chính quyền cũng chưa được xây dựng kiên cố, chỉ là một dãy nhà ghép ván cũ mốc tạm bợ, nền đất nhão nhoét khi trời mưa.
Chị Nguyễn Thị Nhịp gọi Facetime cho mẹ ở Lâm Đồng.  Ảnh: Vũ Minh Quân
Chị Nguyễn Thị Nhịp gọi Facetime cho mẹ ở Lâm Đồng. Ảnh: Vũ Minh Quân 

Ông Pơloong Ađốc-Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho biết, năm 2012, vì mưa lũ, Chơ Chun bị cô lập đến 3 tháng trời, người dân phải san sẻ từng nắm gạo để cứu nhau qua bữa.

Theo thống kê chính thức, xã có 145 hộ nghèo trên tổng số 192 hộ (tỷ lệ hơn 75%). Vì không có điện lưới nên trụ sở của xã được trang bị một máy phát điện chạy dầu công suất 3 ký (3 KVA). Máy chỉ hoạt động khi xã cần in ấn văn bản.


Ông Pơloong Ađốc cho biết, giờ chỉ cần bấm số là có thể thông báo cho huyện mọi tình hình của xã. Công văn cũng không nhất thiết phải in ra, chuyển bằng tay mà có thể gửi email.

Xã Gari, Ch’ Ơm (huyện Tây Giang) nằm chót vót trên độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển. Ở những nơi như vậy, việc trạm phát sóng di động của Viettel xuất hiện quả là điều kỳ diệu: xã Chơ Chun từ tháng 5/2015 và xã Gari, xã Ch’ Ơm vào năm 2013.

Khi chưa có sóng điện thoại của Viettel, tối nào, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Gari cũng xếp hàng để được gọi điện về nhà qua chiếc điện thoại vệ tinh duy nhất trong đồn. Thông tin gần như mù tịt. Còn bây giờ, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Gari hầu hết đều có smartphone nên những lúc không phải làm nhiệm vụ, họ có thể dùng 3G để đọc báo, lướt Facebook.

“Chúng tôi bây giờ cũng cập nhật thông tin chẳng kém dưới xuôi”, đại úy Đậu Phi Sơn, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Gari cho biết.


Ấn tượng nhất với chúng tôi là khi được chứng kiến chị Nguyễn Thị Nhịp - chủ một quán hàng tạp hóa nhỏ tại Gari gọi Facetime (cuộc gọi video dành cho điện thoại iPhone) cho mẹ đang sống ở Lâm Đồng. Nếu không chứng kiến, chắc ít người tin ở một nơi miền núi khó khăn như xã Gari lại có chuyện này.

“Sóng 3G làm cho cuộc sống của chúng em đỡ buồn tẻ. Trước đây, cứ mở mắt ra là thấy núi rừng. Bây giờ, có công nghệ thông tin mới giao lưu, kết bạn được. Ngoài nói chuyện với người thân, em chơi Facebook nên có bạn ở khắp nơi”, Nhịp khoe với tôi.  

Để có những trạm phát sóng án ngữ trên một đỉnh đồi cao chót vót vùng rừng núi tại Chơ Chun, Gari, Ch Ơm… là kết quả của một nỗ lực lớn của Chi nhánh Viettel tỉnh Quảng Nam. Để đưa vật liệu, thiết bị từ Chà Vàl vào, đơn vị thi công đã phải sử dụng nhiều phương thức, từ xe tải gầm cao, tới việc thuê người dân gùi từng gùi thiết bị, vật tư. Có lần, xe tải bị trượt khỏi đường, lao xuống vực, rất may không ai việc gì. Vì gian nan như thế nên chi phí xây trạm tại Chơ Chun đắt hơn gấp 3 lần bình thường.

Không chỉ thế, vì không có điện nên trạm phát sóng Chơ Chun phải dùng máy phát điện chạy dầu. Anh Nguyễn Công Hân, Giám đốc Viettel Quảng Nam cho biết, mỗi tháng, trạm phát sóng Chơ Chun ngốn 700 lít dầu và cộng các chi phí khác nữa lên tới gần 20 triệu đồng.

Thế mà tại Chơ Chun chỉ có khoảng 500 thuê bao điện thoại, với doanh thu trung bình từ một thuê bao (ARPU) khá thấp, chỉ khoảng 50.000 đồng. “Đối với những trạm viễn thông vùng biên như thế này, chúng tôi không đánh giá hiệu quả dưới góc độ lợi ích kinh tế. Chúng tôi lắp trạm để phục vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trợ giúp địa phương này sớm thoát nghèo, bớt gian khó hơn”, anh Nguyễn Công Hân chia sẻ.   


Nguồn: Thanh niên
Bình luận
vtcnews.vn