Điều gì xảy ra nếu tất cả tẩy chay Ngoại hạng Anh?

Thể thaoThứ Sáu, 19/10/2012 08:46:00 +07:00

Phải khẳng định rằng nhu cầu xem giải bóng đá Ngoại hạng Anh với người hâm mộ Việt Nam là có, thậm chí rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể thiếu.

Phải khẳng định rằng nhu cầu xem giải bóng đá Ngoại hạng Anh với người hâm mộ Việt Nam là có, thậm chí rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể thiếu.

Chính Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền VN Vũ Văn Hiến cũng khẳng định rằng, giải Ngoại hạng Anh chưa thể là món ăn tinh thần quan trọng như World Cup hay EURO nên cũng cần đặt ra khả năng là tất cả các đài cùng tẩy chay không mua giải đấu này.

Ý kiến trên của ông Vũ Văn Hiến ngay lập tức được đại diện nhiều đài chia sẻ. PGĐ Đài truyền hình kỹ thuật số VTC Vũ Quang Huy cho rằng, nếu không có giải Ngoại hạng Anh thì cũng chẳng phải là vấn đề quá lớn, bởi vẫn còn nhiều sự kiện, giải đấu khác để người hâm mộ quan tâm.

Còn GĐ kênh thể thao AVG Nguyễn Thế Phương thì cho rằng, nếu các đài cùng tẩy chay cũng mang điều tích cực là bản quyền trong 3 năm tiếp theo sẽ cực rẻ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu người hâm mộ Việt Nam ty chay Ngoại hạng Anh?

Việc BTC giải Ngoại hạng Anh xếp Việt Nam là 1 trong 16 khu vực đấu thầu cho thấy họ đã đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường này. Sở dĩ có điều này là do sự phát triển phi mã trong của thị trường bản quyền truyền hình Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Nếu như 10 năm trước, giá bản quyền cho 3 mùa bóng từ 2002 đến 2004 chỉ là 0,9 triệu USD thì giá trong 3 mùa sắp tới được dự đoán ở mức 30 triệu USD, tức là tăng đến 33 lần. Không thị trường nào có sự phát triển nóng như thị trường Việt Nam và nếu chỉ đánh giá trên phương diện số học thì thị trường Việt Nam có lẽ thuộc loại tiềm năng nhất nhì thế giới. Phải chăng đó là lý do mà VN đã đứng trên rất nhiều thị trường giàu có khác để có 1 gói thầu riêng?

Điều này cũng chẳng lấy gì làm tự hào, bởi trong khi bao nhiêu quốc gia khác giàu có hơn vẫn chỉ phải chi ra số tiền khá ít mà người hâm mộ vẫn có thể được thưởng thức giải đấu này thì ở Việt Nam, sự cạnh tranh khốc liệt đã đẩy giá bản quyền lên quá cao.

Nếu mức bản quyền mà 1 đơn vị nào đó phải trả trong 3 mùa tới lên mức 30 triệu USD thì chắc chắn họ sẽ phải có biện pháp để lấy lại số tiền đã bỏ ra và như thế có nghĩa là người hâm mộ sẽ tiếp tục phải móc thêm hầu bao để thỏa mãn đam mê. Trong bối cảnh nền kinh tế VN hiện nay thì việc làm này là không có lợi cho tất cả người hâm mộ và chắc chắn người hâm mộ cũng sẽ không ủng hộ đơn vị nào đặt quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của đất nước.

Thế nên, rất cần đến 1 giải pháp chung giữa các nhà đài để hạn chế số tiền phải trả ở mức thấp nhất. Trong trường hợp không mua được bản quyền với giá như chúng ta mong muốn thì việc tất cả đồng loạt tẩy chay cũng là giải pháp cần tính đến để ổn định lại thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam và tránh để nước ngoài trục lợi.

Sẽ chẳng có ngày tận thế nào nếu Việt Nam không có bản quyền giải Ngoại hạng Anh. Thậm chí, cái được của việc này có khi còn lớn hơn rất nhiều so với cái mất, chẳng hạn biết đâu nhờ đó mà người hâm mộ và các doanh nghiệp lại quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nội để BĐVN dần khởi sắc hơn?


Hồng Vân (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn