Điều gì xảy ra khi DN Trung Quốc thâu tóm hàng loạt công ty lớn, mua lại Lazada?

Kinh tếThứ Sáu, 15/04/2016 07:55:00 +07:00

Nhiều đơn vị thương mại điện tử chuyên nhập hàng Trung Quốc rồi bán tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và có thể đóng cửa hàng loạt

(VTC News) - Nhiều đơn vị thương mại điện tử chuyên nhập hàng Trung Quốc rồi bán tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và có thể đóng cửa hàng loạt sau khi Alibaba thâu tóm Lazada.

"Thôn tính" - Bước đi khôn ngoan của DN Trung Quốc 

Mới đây, thương hiệu Lazada đã hoàn tất thương vụ “bán mình” cho một đơn vị khác trong ngành thương mại điện tử - Tập đoàn Alibaba, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử B2B hàng đầu thế giới. “Đế chế” thương mại điện tử Trung Quốc này sẽ trả 500 triệu USD để mua cổ phần mới từ Lazada, đồng thời mua 500 triệu USD cổ phần từ các nhà đầu tư hiện tại của công ty này.

Ông Michael Evans, chủ tịch Alibaba từng khẳng định: “Toàn cầu hóa là một chiến lược quan trọng của tập đoàn Alibaba ở thời điểm hiện tại và trong tương lai”. 

Trang thương mại điện tử Lazada hiện vận hành tại Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Vụ thâu tóm này cho thấy “dã tâm bá chủ” và sự “khôn ngoan” của doanh nghiệp Trung Quốc khi họ không mất thời gian để tìm hiểu thị trường Đông Nam Á, bởi trước đó, Rocket Internet đã xây dựng Lazada định hình chính xác nhu cầu, thị hiếu của khách hàng khu vực này.

Nhận xét về bước đi đầy toan tính trên, ông Phạm Hùng Thắng - Chuyên gia truyền thông & marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy, sáng lập công ty Vitot Seafood cho rằng: Trung Quốc là một quốc gia vô cùng đoàn kết hầu hết trong mọi thời đại. Không chỉ đoàn kết, quốc gia đông dân này còn có một tư duy dường như đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Trung Quốc đó là: "Thôn tính". 

 
Các tiểu thương nhập qua đường tiểu ngạch sẽ có nguy cơ phá sản, thêm vào đó, các nguồn thu cho các đơn vị buôn bán trung gian (ở giữa) sẽ giảm đi và bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Trần Anh Tú
 
Trong việc thôn tính nền kinh tế thế giới, không phủ nhận rằng họ giỏi trong việc khiến cho cả thế giới phải phụ thuộc vào mình, điển hình như việc tạo ra những làn sóng ảnh hưởng về tiền tệ. 

Và không dừng lại ở đó, họ còn muốn thâu tóm nhiều hơn nữa để có thể tạo ra sức ảnh hưởng trong từng quốc gia, từng châu lục. 

Vì vậy, “việc thâu tóm Thương mại điện tử (TMĐT) hay các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới cũng chỉ là một nước cờ mà kiểu gì người Trung Quốc cũng hướng tới. Chỉ là lớn hay nhỏ, nhanh hay chậm và trước hay sau mà thôi. Trung Quốc hay đúng hơn là các thương hiệu lớn đại diện cho cả một nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn và tiếp tục bành trướng hơn nữa. Không chỉ là thôn tính mà còn là tạo ảnh hưởng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng chỉ là một phần ảnh hưởng trong tư duy "thôn tính" của Trung Quốc mà thôi!” – ông Thắng nói.

Việc Lazada “bán mình” cho một nhà đầu tư thương mại điện tử khác đã được tiên đoán từ trước. (Ảnh: Internet).
Với động thái mua lại Lazada, việc thâu tóm Thương mại điện tử hay các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới cũng chỉ là một nước cờ mà kiểu gì người Trung Quốc cũng hướng tới. (Ảnh: Internet). 

Trả lời phóng viên VTC News, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam (VMCC) chia sẻ: Việc các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm hàng loạt các công ty lớn trên thế giới (như Sharp, IBM,… và mới đây là Lazada), đó là xu hướng chung, là chiến lược của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Việc Alibaba nói riêng hay các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, theo ông Tú, chỉ rút ngắn con đường thương mại thôi, chứ không ảnh hưởng tới tổng quan chung về mặt tiêu thụ hay thị trường. 

“Ví dụ như nước nào chưa có hàng hóa Trung Quốc mới đáng lo còn Việt Nam thì đã tràn ngập hàng hóa Trung Quốc rồi, tỷ lệ khoảng 80 – 90%. Cho nên, khi Alibaba đầu tư trực tiếp vào Lazada như thế sẽ thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt đang nhập và bán hàng Trung Quốc tại Việt Nam, bởi giờ hàng hóa sẽ chảy theo con đường chính ngạch và chảy một cách chính thống qua Trung Quốc, các dòng tiền cũng chảy trực tiếp về Trung Quốc. 

Do đó, các tiểu thương nhập qua đường tiểu ngạch sẽ có nguy cơ phá sản, thêm vào đó, các nguồn thu cho các đơn vị buôn bán trung gian (ở giữa) sẽ giảm đi và bị ảnh hưởng nhiều” – ông Tú phân tích.

 
Trong cuộc chiến này, có thể nói, các đơn vị thương mại điện tử chuyên nhập hàng Trung Quốc rồi bán tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và có thể đóng cửa hàng loạt.
Ông Vũ Tuấn Anh
 
Đứng ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhận định: Việc mua bán – sáp nhập là việc bình thường trong thời buổi toàn cầu hóa. Với những công ty có liên quan tới an ninh quốc gia, Chính phủ các nước có quyền can thiệp nhưng đây chỉ là một sàn thương mại điện tử mua bán online nên có thể trực tiếp thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

“Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, nộp thuế đầy đủ, hoạt động theo đúng luật của Việt Nam thì cũng không vấn đề gì…Thậm chí, nếu họ kinh doanh tốt, thuận lợi, người Việt Nam cũng có thêm một kênh mua sắm tiện lợi hơn” – ông Bình nói.

Tuy nhiên, thông qua thương vụ Alibaba mua lại Lazada, ông Bình cũng lưu ý: “Luật pháp Việt Nam phải làm sao để hàng hóa Việt xen được vào các kênh bán hàng đó, để không bị phân biệt”.

Ngoài ra, việc Alibaba sẵn sàng bỏ 1 tỷ USD để “ném tiền” vào Lazada cũng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng – thị trường đầy tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân, sức mua lớn. 

“Nhìn lại câu chuyện này, cũng thấy rằng: Năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Trong khi đó, trên thương trường, quy luật chung là mạnh được, yếu thua” - ông Bình thẳng thắn.

Alibaba mua lại Lazada: Cục diện TMĐT ở Việt Nam sẽ ra sao?

Bình luận về động thái Alibaba mua lại Lazada đang được giới truyền thông quan tâm, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, Founder www.hitrip.vn cho biết: Alibaba đã kiểm soát thị trường B2B, các nhà sản xuất và khách hàng trên thế giới đặt hàng từ Alibaba.

Việc mua Lazada giúp cho Ailbaba tích hợp về phía trước - hướng về khách hàng sử dụng thị trường tiêu dùng bằng việc sử dụng các lợi thế của thị trường sản xuất và bây giờ là thị trường tiêu dùng. Alibalba sẽ làm được câu chuyện mua tận gốc và bán tận ngọn.

“Dự kiến Ailbaba sẽ có một đại siêu thị online về các sản phẩm cạnh tranh với Amazon.

Trong cuộc chiến này, có thể nói, các đơn vị thương mại điện tử chuyên nhập hàng Trung Quốc rồi bán tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và có thể đóng cửa hàng loạt. 

Bởi 3 lý do: Thứ nhất, Lazada mua tận gốc bán tận ngọn, thứ 2, database (cơ sở dữ liệu nền) Lazada là khủng khiếp, tiết kiệm được chi phí marketing, thứ 3, dịch vụ tốt triển khai trên toàn quốc” – ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, về lâu dài, điều này tốt cho thị trường Việt Nam. Bởi chúng ta không thể cạnh tranh với đại siêu thị Alibalba sản xuất tận gốc và bán tận ngọn được, do đó, đã tới lúc các doanh nghiệp Việt sẽ buộc phải nghĩ tới việc bán các sản phẩm thuần Việt và gia tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi cung ứng hàng Việt Nam của chúng ta.

 

Chuyên gia truyền thông & marketing Phạm Hùng Thắng đặt dấu chấm hỏi: Liệu các hệ thống TMDT của Việt Nam có thể "sống" nổi sau thương vụ mua bán này không? 

“Câu trả lời là chính tôi cũng không thể biết được, nhất là người Trung Quốc khá hiểu người Việt Nam mình. Thậm chí họ còn "ghê" hơn chúng ta ở một góc độ khác. Chỉ có một điều là từ khi Adayroi ra đời thì tôi thường xuyên mua được hàng trên đó trong khi tôi từng mua được một mặt hàng trên Lazada và thấy rằng không được như kỳ vọng cho lắm về chất lượng và một vài yếu tố khác trong giao nhận hàng.


Vì thế, chúng ta phải chờ hồi sau khi mà Lazada đã thuộc về Alibaba và họ bắt đầu bắt tay vào tạo ra thay đổi dù nhỏ, hay dù lớn thì mới có thể rõ ràng hơn được” – ông Thắng nói.

“Tôi vẫn mong một ngày tươi sáng của Adayroi và vẫn muốn xem Alibaba - Lazada chiến thắng toàn diện trên thị trường Việt Nam như thế nào. Adayroi là một thương hiệu quốc gia, họ được sinh ra bởi những người Việt Nam và gần đây tôi thấy họ thường xuyên đánh vào rất đúng tâm lý của người Việt. Họ rất hiểu người Việt cần gì. Nếu Lazada cũng có đủ những điều đó kèm theo tiềm lực tài chính lẫn nhân lực thì điều gì sẽ xảy ra?” – ông Thắng bày tỏ.

Đầu tư TMĐT ở Việt Nam: Alibaba xác định 5 – 10 năm mới đạt hiệu quả

Ở Việt Nam, Thương mại điện tử được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm từ 2016 đến 2020, theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM). 

Trao đổi với PV bên lề hội thảo về giải pháp xuất khẩu trực tuyến tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia Việt Nam Tập đoàn Alibaba đánh giá: “Sau thời gian làm việc tại Việt Nam, chúng tôi thấy VN là thị trường rất tiềm năng, người VN cũng rất nhanh nhạy. 

Tuy vậy, cái khó để TMĐT phát triển ở nước ta đó là khả năng, năng lực chi trả của người VN còn hạn chế, vì thu nhập đầu người của VN còn tương đối thấp. 

“Alibaba là trang quốc tế lớn nhưng khi sang VN, cũng xác định: Đây là lĩnh vực hoạt động dài hạn và chúng tôi phải hoạt động 5 – 10 năm mới đạt hiệu quả, chứ không phải năm nay hay năm sau được!” – ông Thủy nói.

Ông Trần Xuân Thủy (Tập đoàn Alibaba): Đầu tư TMĐT ở Việt Nam, Alibaba xác định 5 – 10 năm mới đạt hiệu quả. (Ảnh: Ngọc Hân).
Ông Trần Xuân Thủy (Tập đoàn Alibaba): Đầu tư TMĐT ở Việt Nam, Alibaba xác định 5 – 10 năm mới đạt hiệu quả. (Ảnh: Ngọc Hân). 
Trong thương vụ mua lại Lazada, Alibaba đã tiến hành thỏa thuận với một số cổ đông nhất định của Lazada, cho phép Alibaba quyền được mua, và các cổ đông quyền được bán cổ phần còn lại của họ ở Lazada với mức giá thị trường trong 12 đến 18 tháng sau khi giao dịch hoàn thành.
 
Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết: Lazada Việt Nam rất lạc quan về viễn cảnh thị trường và đang tập trung củng cố hệ sinh thái thương mại điện tử của mình bao gồm các nhà bán hàng và thương hiệu để mang đến sự lưạ chọn phong phú và trải nghiệm mua sắm tuyệt vời nhất cho người tiêu dùng.

CEO của Lazada - Maximilian Bittner cũng cho biết thêm: “Việt Nam là thị trường tiêu dùng hấp dẫn, dẫn dắt bởi xu hướng sử dụng di động, rất phân tán và đa đạng với những rảo cản lớn để thâm nhập, cùng với ngành bán lẻ hiện đại còn non trẻ và giàu tiềm năng phát triển”.

Vị đại diện của Lazada cũng nhận định: Thương vụ hợp tác với Alibaba giúp Lazada đẩy nhanh mục tiêu mang lại cho 560 triệu khách hàng tại khu vực cơ hội tiếp cận danh mục sản phẩm đa dạng và độc đáo nhất. Thêm vào đó, tận dụng thế mạnh của Alibaba về kinh nghiệm và công nghệ sẽ giúp Lazada nhanh chóng hoàn thiện dịch vụ và mang đến trải nghiệm mua sắm và bán hàng thuận tiện hơn.

Được thành lập năm 2012, Lazada là cổng thương mại điện tử dành cho các nhà phân phối, thương hiệu nội địa và quốc tế tại sáu thị trường khác nhau tại Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Phillipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

“Chúng tôi còn rất nhiều việc cần phải làm và rất hào hứng khi có cơ hội học hỏi thêm từ công ty dẫn đầu về thương mại điện tử toàn cầu để phục vụ người tiêu dùng và các đối tác tại Việt Nam tốt hơn” - Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam chia sẻ.
Ngọc Hân

Bình luận
vtcnews.vn