Điều gì đang chi phối biển Hoa Đông?

Thế giớiThứ Bảy, 18/08/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Trung – Nhật – Hàn, mỗi bên một lý riêng vẫn khăng khăng bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình đối với những quần đảo tranh chấp.

(VTC News) – Từng được xem là những “điểm hút” kinh tế ở Châu Á – Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang vướng vào những tranh chấp chủ quyền căng thẳng khiến hình ảnh 3 nước trong khu vực Đông Bắc Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo tờ Korea Herald hôm 16/8.

Trong khi đó, một số nhà phân tích lạc quan lại cho rằng quan hệ các nước Trung - Nhật - Hàn sẽ sớm được cải thiện sau đợt chuyển giao quyền lực chính trị ở cả 3 nước diễn ra vào cuối năm nay. 
Theo đó, các nhà lãnh đạo mới, các nhà làm luật của từng quốc gia sẽ chú trọng hơn tới chính sách hòa bình, liên kết song phương cũng như đa phương để phù hợp xu thế chung của thời đại.
 Hình ảnh tàu tuần duyên Nhật Bản vây bắt tàu Trung Quốc chở các nhà hoạt động nước này tới quần đảo tranh chấp Senkaku hôm 15/8
“Thế hệ lãnh đạo cũ của 3 nước tỏ ra bị chi phối nhiều từ phía dư luận và thái độ của công chúng trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia khiến cách xử trí trở nên cảm tính và khó kiểm soát.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo mới được kỳ vọng có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, giải quyết các tranh chấp một cách khéo léo hơn vì mục đích cuối cùng là lợi ích dân tộc chính đáng và lâu bền”, giáo sư ngành khoa học chính trị Nam Chang-hee thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc) nói.
Gần đây, căng thẳng giữa Nhật – Hàn xoay quanh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Takeshima/Dokdo và mâu thuẫn Nhật – Trung về quần đảo Senkaku/Điều Ngư đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong từng nước, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt sau 2 sự kiện liên tiếp: Tổng thống Hàn Quốc đến thăm đảo Dokdo hôm 10/8 và việc tuần duyên Nhật bắt giữ 14 nhà hoạt động người Trung Quốc trên đảo Senkaku hôm 15/8, mâu thuẫn các bên ngày càng gay gắt.
Đại sứ Nhật – Trung – Hàn đã lần lượt bị các nước có liên quan triệu tập để trình kháng nghị, phản đối hoạt động của từng bên có tranh chấp.
Bắc Kinh và Seoul cũng đang gặp vấn đề trong quan hệ song phương về việc người hồi hương Triều Tiên cũng như việc một nhà hoạt động nhân quyền Hàn Quốc tố quan chức Trung Quốc bắt giam và đối xử thậm tệ vì nghi ngờ "đe dọa an ninh quốc gia".
 Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak tới thăm quần đảo Dokdo hôm 10/8 khiến chính quyền Tokyo tỏ ra rất bất bình
Những mâu thuẫn về mặt địa chính trị đã kéo theo một số hậu quả kinh tế, ảnh hưởng xấu tới nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại giữa 3 bên đã được thông qua nhằm xây dựng khối thịnh vượng chung, các nhà quan sát nhận định.
Xét về mặt tương quan, tổng số dân của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản gộp lại khoảng 1.5 tỉ người – chưa bằng 1/5 dân số toàn cầu; trong khi tổng GDP của 3 nước đạt tới 12.000 tỉ USD – chiếm hơn 20% tổng GDP thế giới.
Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda còn nhất trí mở rộng chương trình trao đổi tiền tệ giữa 2 nước từ 13 tỉ lên 70 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo ông Kim Tae-hyun, giáo sư ngành chính trị quốc tế thuộc Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc): “Những tranh chấp trên biển cùng thái độ quá khích của dư luận trong từng nước đang khiến các quốc gia này đánh mất sức hút với vai trò thành viên Châu Á – một trung tâm kinh tế phát triển năng động và thịnh vượng nhất thế giới.
Chung quy lại thì kinh tế chịu ảnh hưởng sâu sắc và do chính trị quyết định chứ bản thân nó không thể tự tồn tại một cách biệt lập”, ông Kim nói.
 Cảnh sát tỉnh Okinawa bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc sau khi những người này "xâm phạm trái phép lãnh hải Nhật Bản"
Ở góc độ khác, giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia Seoul cho rằng: “Đối với các chính trị gia, khi lá phiếu bầu trở thành yếu tố quyết định số phận của từng người, sẽ rất khó để họ nhượng bộ hay thỏa hiệp với đối thủ của mình.
Thế nhưng điều này là cần thiết để không đẩy tình hình ra xa ngoài tầm kiểm soát. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nói “chúng ta cần nhau và có giá trị sử dụng lẫn nhau”.
Là đồng minh thân thiết của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, “Mỹ không ngừng kêu gọi Nhật - Hàn thắt chặt quan hệ hợp tác để cùng Washington hiện thực hóa các mục tiêu ở Châu Á – Thái Bình Dương”, theo giáo sư Nam thuộc Đại học Inha.
Tuy nhiên, các nước Trung – Nhật – Hàn, mỗi bên một lý riêng vẫn khăng khăng bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình đối với những quần đảo tranh chấp khiến các nước láng giềng và thế giới đang lo ngại nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực.

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn