Điều chưa biết về phương pháp đặc biệt giải cứu 12 nạn nhân khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng

Thời sựChủ Nhật, 21/12/2014 02:49:00 +07:00

Sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng, nhờ phương pháp ‘hầm trong cát’ truyền thống, lực lượng công binh đã giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện.

(VTC News) – Nhờ phương pháp ‘hầm trong cát’ truyền thống, lực lượng công binh đã giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng.

Chiến công kỳ diệu

Đến chiều 20/12, những người lính công binh thuộc Lữ đoàn 293 và tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh đã rời khỏi vùng núi Lạc Dương (Lâm Đồng) về đơn vị. Trong thời tiết se lạnh ở TP. Đà Lạt, gương mặt các chiến sỹ công binh phấn khởi hẳn lên vì chiến công kỳ diệu đã làm được tại hầm thủy điện Đạ Dâng.
Điều chưa biết về phương pháp đặc biệt giải cứu 12 nạn nhân khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Những công nhân mắc kẹt được lực lượng công binh đưa ra khỏi hầm 
Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Đại đội phó công binh – người đầu tiên chui vào cứu công nhân mắc kẹt cười tươi nói: “Đến giờ tôi vẫn còn cảm giác sung sướng, đúng là một điều kỳ diệu!”.

Chàng lính trẻ kể, sau khi đơn vị nhận quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải triển khai đào hầm ngách bên trái (dự kiến sâu 30m) để thông hầm 12 công nhân. Suốt 24h lực lượng công binh thay phiên nhau đào hầm, bằng mọi cách phải sớm giải cứu được tất cả người mắc kẹt ra ngoài.

Video: Những hình ảnh xúc động vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng

Chiều 19/12, khi hầm đào được khoảng 14m thì nhóm công binh phát hiện một tia điện sáng từ bóng đèn rọi vào tường. Một nhát cuốc đào mạnh khiến mảnh tường khổng lồ đổ ập xuống, Trung úy Tiền là người đầu tiên xông vào trong hầm nhưng không thấy 12 công nhân ở đâu.

Vào hầm, Trung úy Tiền gọi lớn: “Có ai không?” nhưng không nghe tiếng trả lời. Trong hầm lúc này lờ mờ tối, trung úy Tiền nhìn chỉ thấy chiếc xe máy xúc của công trình đang bị mảng đất đè lên ở nơi xa. 

Một công binh được lệnh ra ngoài báo tin cho chỉ huy, việc thông hầm được giữ bí mật để đảm bảo an toàn cho 12 công nhân đang bị mắc kẹt. 
Điều chưa biết về phương pháp đặc biệt giải cứu 12 nạn nhân khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Dù đào hầm đã kiệt sức nhưng các chiến sĩ công bình vẫn gắng gượng cõng 12 công nhân mắc kẹt ra bên ngoài an toàn 
Sau phút hội ý, Trung úy Tiền đi vào bên trong, tiếng nạn nhân tiếp tục vang lên: “Có ai ở đó không?”. Vẫn không nghe tiếng trả lời, anh Tiền bơi qua dòng nước lạnh đến thấu xương, đến chiếc máy xúc thì đụng vào người anh Nguyễn Viết Nam (SN 1973, quê Nghệ An) đang ở gần đó. 

Trung úy Tiền giật bắn người rồi nhảy cẫng lên sung sướng vì đã tìm thấy 12 công nhân đang ngồi co ro cạnh chiếc máy xúc. “Chúng tôi được cứu rồi”, nhóm công nhân hét toáng lên như thế, dù thời điểm đó sức lực của họ đã cạn kiệt.

Video: 12 công nhân vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng sắp được xuất viện


Binh nhất Hoàng Văn Thao, người vung những nhát cuốc cuối cùng làm sập mảnh tường nói trong cảm xúc dâng trào: “Thời điểm đào hầm cứ lo sập nhưng mệnh lệnh từ trái tim và sinh mạng của 12 con người càng thôi thúc chúng tôi thực hiện”.

Anh Thao nhớ lại, khi mảng tường sập anh và Trung úy Tiền cùng một số anh em được lệnh vào bên trong đưa những công nhân mắc kẹt ra ngoài. 

Nghe các công nhân kể những ngày đen tối trong hầm Đạ Dâng. Nguồn: Tuổi trẻ

Audio: Công nhân Nguyễn Tiến Đoàn kể lại câu chuyện những ngày bị mắc kẹt 

Audio: Công nhân Nguyễn Anh Tuấn nói về những ngày ở trong hầm sập

Lúc này, tất cả 12 công nhân đều nhường nhau, không ai chịu ra trước. Trong lúc căng thẳng, Trung úy Tiền đã nổi cáu rồi quyết định, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, quê Nghệ An) – người yếu nhất được ưu tiên đưa ra khỏi hầm. 11 công nhân nam sau đó cũng được giải cứu ra ngoài an toàn.

Thành công nhờ phương pháp ‘hầm trong cát’

Đại tá Phan Văn Tỵ - Phó Cục trưởng cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ quốc phòng, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, chiều 18/12, khi họp bàn tại hiện trường Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thông qua phương pháp ‘hầm trong cát’ truyền thống và giao quyền chỉ huy cho lực lượng công binh của quân đội thực hiện. 
Điều chưa biết về phương pháp đặc biệt giải cứu 12 nạn nhân khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó tổng tham mưu binh chủng, công binh, Bộ quốc phòng chia sẻ, thành công trong việc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt là nhờ phương pháp 'hầm trong cát'
 

Phương pháp ‘hầm trong cát’ chỉ có ở quân đội nhân dân Việt Nam, trên thế giới chưa từng xuất hiện. Đó là phương pháp áp dụng để thi công trong điều kiện diện tích đất ngập, yếu, vừa đào vừa chèn rất chắc chắn nhưng vẫn giữ nguyên được hiện trạng của đất.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng
 
Người chỉ huy cao nhất là Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó Tổng tham mưu binh chủng, công binh, Bộ quốc phòng trực tiếp chỉ đạo công binh đào hầm. Nhận được mệnh lệnh, đại tá Hùng ra vào hầm liên tục để đôn đốc và động viên tinh thần các chiến sĩ công binh. 

Đại tá Hùng hồ hởi nói rằng, việc giải thoát 12 công nhân ra khỏi hầm là nhờ áp dụng phương pháp “hầm trong cát” –  cách đào truyền thống của lực lượng quân đội. 

Phương pháp đào hầm truyền thống của chiến sỹ công binh chỉ dùng dụng cụ thô sở như cuốc, xẻng… và chỉ có ý chí được rèn luyện trong quân đội mới thực hiện được.

Theo Đại tá Hùng, hầm được đào chỉ cao ngang hông, các chiến sỹ phải cúi gập người, đào được đoạn nào thì gia công bằng gỗ và thép đoạn đó. Mặc dù rất khó khăn khi đào hầm dưới lớp đất đá mới bị sập nhưng các chiến sỹ luôn ý thức rằng không để phạm một sai lầm nào. 

Đại úy Lê Văn Quỳnh - Đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 93 chia sẻ, 16h10 chiều 18/12, lực lượng công binh bổ nhát cuốc đầu tiên, bắt đầu đào hầm thoát hiểm ngách bên trái.

Video: Công nhân sợ hãi kể lại giây phút sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng


Đến 15h55 chiều 19/12, các chiến sỹ công binh đã thông được hầm nhưng vì an nguy của 12 công nhân đang bị mắc kẹt bên trong nên các anh phải giữ bí mật đến phút cuối cùng. 

Chính Đại úy Quỳnh là người chạy như tên bắn đến lán trại của chỉ huy báo tin về các chiến sỹ đã tiếp cận được công nhân bị mắc kẹt. Theo vị Đại úy, lúc đó có hàng trăm người ngoài hiện trường, nếu thông tin bị lộ sẽ gây cản trở và ảnh hưởng đến công tác giải cứu nạn nhân. 

Hiện trường lúc đó mọi người vẫn hồi hộp chờ đợi, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực làm việc, những mũi khoan vẫn khoan trên đỉnh hầm thủy điện Đạ Dâng.
Điều chưa biết về phương pháp đặc biệt giải cứu 12 nạn nhân khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Các chiến sĩ công binh cuối cùng trực tiếp đào hầm trong thời điểm giải cứu người mắc kẹt 
Hàng chục công binh nhận được mệnh lệnh xếp thành hai hàng ở vách hầm bên trái để chuẩn bị ứng cứu, hỗ trợ đưa 12 công nhân ra khỏi hầm. Chỉ đến khi nghe tiếng phát lệnh và các chiến sỹ công binh cõng, cáng tất cả những người mắc kẹt ra bên ngoài thì tất đông đảo người có mặt tại hiện trường mới ngỡ ngàng.

Chỉ trong vòng từ 5-12 phút, tất cả 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện được đưa ra ngoài an toàn trước những tràng vỗ tay thán phục của hàng trăm người chứng kiến. Còn người thân nạn nhân thì vỡ òa khi biết tin người thân của họ đã được cứu sống. 

Không kìm được xúc động, Đại tá Phan Văn Tỵ chia sẻ: “Đây là chiến công của toàn thể lực lượng tham gia cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Nhưng với công binh đó là món quà dành tặng cho nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam”.

Video: Toàn cảnh chiến dịch giải cứu 12 công nhân kẹt trong hầm thuỷ điện Đạ Dâng


Ngày 21/12, trả lời PV VTC News, Bác sỹ Nguyễn Đức Thuận – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, hiện sức khỏe của 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng đã ổn định. Dự kiến ngày mai (22/12) tất cả các bệnh nhân sẽ được làm thủ tục xuất viện.

Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn