Điều chưa biết về những người chết vì thủy điện Sơn La

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 13/05/2013 07:13:00 +07:00

(VTC News) - Không nỡ để người thân nhìn thấy hình hài Bình, anh em địa chất đã chôn anh ngay bờ sông.

(VTC News) - Không nỡ để người thân nhìn thấy hình hài Bình, anh em địa chất đã chôn anh ngay bờ sông.

Kỳ cuối: Những người bị bỏ quên

Từ thủy điện Sơn La, ngược dòng sông Đà, rẽ vào các nhánh sông nhỏ đổ ra Đà giang, có vô số thủy điện lớn nhỏ. Ngược dòng Nậm Mu gặp thủy điện Huội Quảng, rồi thủy điện Bản Chát. Thủy điện Nậm Nhùn (còn gọi là thủy điện Lai Châu) nơi thượng nguồn sông Đà có công suất bằng một nửa thủy điện Sơn La.

Những kỹ sư địa chất đã phải lăn lộn hàng chục năm trong rừng, mới tìm được những địa điểm phù hợp xây dựng thủy điện.

Vượt dãy núi Pi Toong sừng sững, rồi đi bằng xe máy, cuốc bộ, tôi mới đến được thác Nà Cương. Từ đây tiếp tục đi thuyền ngược sông Nậm Mu.

thủy điện sơn la
Thủy điện Sơn La 
Những con đường người lính địa chất đi qua thực sự nguy hiểm, phải lần mò, bám vào vách đá, dây rừng để đi. Chỉ sểnh chân là rơi xuống vực thẳm, hoặc mất hút dưới lòng sông cuộn đỏ.

Đã có một số dân cư, kể cả lính địa chất sông Đà sẩy chân, bỏ mạng ở cái vực thẳm này. Nơi đây, những dãy núi đá xám ngắt chìm trong mây mù, nơi cư ngụ của người Mông, người Thái đen và người La Ha. Đất canh tác không có nên đến mùa giáp hạt ngô sắn cũng không có mà ăn.

Thủy điện Huội Quảng xây dựng, những con đường kỳ công xuyên núi đã được mở, bà con được tái định cư ra những nơi có đất đai sản xuất, được cấp vốn làm ăn, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Đứng trên dãy núi Hua Trai lừng lững kéo dài từ Trạm Tấu về, phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng, thấy gương mặt dòng Nậm Mu xếp chồng lên nhau như những nếp nhăn dài. Nó dềnh lên trong mắt sự hoang vu, mông muội trong cái ánh sáng lấp lánh của những câu chuyện cổ xưa.

Doi cát nhô ra, buổi chiều tím lại. Các cô gái Thái ra sông tắm khỏa trần với làn da lên màu men sứ nguyên sơ đến lạ lùng.
thủy điện sơn la
Sông Nậm Mu 
Dòng Nậm Mu đẹp lắm, nhưng thác thì dữ dội, chẳng năm nào không nuốt mất vài mạng sống của ông lái đò, của những trẻ nhỏ, kể cả những người lính địa chất đã quá dạn dày với núi sông, rừng thẳm.

Tôi cùng mấy kỹ sư địa chất trượt từ sườn Hua Trai xuống bản Nà Lếch, nằm ngay bên con sông Nậm Mu, nơi có người kỹ sư địa chất nằm lại. Phải bám dây rừng, vằm những ngón tay bầm dập vào mép đá suốt 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ngoài kia, những bãi cát lấp lánh, bên chân núi, bãi cỏ gianh rậm rì. Những dấu chân người in trên cát cũ kỹ.

Vạch bãi cỏ gianh, một nấm đất buồn thảm, với những cọng hương lạnh lẽo. Đó là ngôi mộ của kỹ sư Phạm Văn Bình, mất năm 2004. Anh Bình quê ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh), sinh năm 1978, ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn quá trẻ.
thủy điện sơn la
Cưới vợ được mấy ngày, Bình đã phải xa vợ, ngược sông Đà. Anh đã ra đi mãi mãi, để lại người vợ trẻ và chưa có được mụn con... 
Kỹ sư Huỳnh Phong bảo, cuộc đời của người lính địa chất là vô số những trận sốt rét rừng, là những bữa cơm ngô, sắn vàng mắt. Bình là thế hệ kỹ sư trẻ, là mũi nhọn xung kích của ngành địa chất nước nhà…

Họ nhớ lại những đêm anh em, thầy trò trong căn lều giữa mùa đông sương muối nơi rừng thẳm, phải chia nhau từng chén nước, hút chung điếu thuốc, chung mối dăn dở của tình yêu, chung cái sự nhớ nhung miền xuôi đến nao lòng.

Phạm Văn Bình là một kỹ sư khoan năng động, xốc vác, có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng đi hết cánh rừng này, dòng sông khác theo lớp kỹ sư già để học tập, nâng cao tri thức, cũng là để chia sẻ cái nhọc nhằn mà lớp cha chú đã trải qua.

Đó là buổi chiều tháng 5-2004, khi mọi người dọn cơm trong căn lều dã chiến, thì không thấy Bình đâu. Lúc anh em nghỉ ngơi thì Bình nằng nặc đòi sang bên kia sông kiểm tra lại mũi khoan. Với người lính địa chất, những mũi khoan cực kỳ quan trọng.

Sớm mai, Bình sẽ nghỉ phép vài ngày, về Hà Đông thăm người vợ mới cưới, nên anh muốn mọi việc đã làm được suôn sẻ.
thủy điện sơn la
Dòng sông Đà dềnh lên trong mắt sự hoang vu 
Chờ mãi không thấy Bình đâu, anh em ăn trước. Đang ăn, một cô bé người Thái cuống quýt vào lều bảo: “Chú Bình bị lũ cuốn rồi”.

Anh em náo loạn chạy ra bờ sông. Chẳng thấy Bình đâu. Chỉ thấy dòng sông cuộn đỏ. Cơn mưa bất chợt phía thượng nguồn, trong chớp mắt dòng sông đã trở thành tử thần hung dữ.

Cô bé người Thái kể rằng, Bình bám dây cáp bơi qua sông (anh em địa chất căng cáp qua sông rồi bám vào cáp bơi qua, bơi lại). Khi bơi ra giữa dòng, thì lũ ập về. Những súc gỗ lao vun vút. Sức thanh niên cũng không trụ nổi dòng nước hung hữ như quái vật.

Đêm đó, anh em đội mưa chạy dọc sông Nậm Mu, ra tận sông Đà, nhưng cũng không tìm thấy Bình. Đồng bào Thái căng lưới, móc lưỡi dày đặc dòng Nậm Mu, nhưng xác Bình vẫn mất hút.
thủy điện sơn la
Để tìm ra nơi xây đập, đã có nhiều lính địa chất bỏ mạng 
Phải đến một tuần sau, một ngư dân mới với được xác người kỹ sư trẻ này. Nhìn xác anh, không ai cầm nổi nước mắt. Loài cá lăng, chiên, to như quả bom, lừ đừ dưới nước, nặng 50-60kg đã ăn mất nhiều bộ phận. Anh em chỉ còn nhận ra Bình qua tấm áo.

Không nỡ để người thân nhìn thấy hình hài Bình, anh em địa chất đã chôn anh ngay bờ sông. Vài ly rượu tiễn Bình về chín suối. 26 tuổi đầu, vừa cưới vợ được mấy ngày, chưa có mụn con, Bình đã bỏ mạng vì rừng xanh núi thẳm.

Lần qua mấy con ngõ nhỏ, tôi tìm đến nhà kỹ sư địa chất Trần Việt Tiến. Năm tháng lãng mạn và khốc liệt của đời địa chất nơi rừng thiêng nước độc vẫn còn in đậm trên gương mặt và mái tóc muối tiêu.

Trong câu chuyện xưa, thi thoảng ông lấy khăn lau những giọt nước mắt lăn dài. Ông là người chứng kiến cái chết bi tráng của đồng nghiệp năm xưa khi khảo sát xây dựng thủy điện Sơn La.
thủy điện sơn la
Bến Mường Chiên (Quỳnh Nhai) giờ đã chìm dưới dòng nước bạc 
Ấy là vào mùa hè năm 1988. Cơn bão số 5, mưa như trút nước nơi thượng nguồn, khiến dòng sông Đà mang gương mặt thẫm đen. Nó thực sự biến thành Ma-cà-rồng trong con mắt lính địa chất.

Khi đó, đoàn địa chất đang khảo sát ở bản Bậu, thuộc xã Tạ Bú, để tìm chỗ xây thủy điện Sơn La. Anh em buộc phải rút về, chờ lũ xuống mới tiếp tục công việc.

Đoàn lính địa chất có 9 người, gồm anh Tiến, anh Tuấn, chị Hoa, anh Ninh, anh Hoa, anh Chánh, anh Tưởng, anh Tỵ, anh Dương cùng lên chiếc thuyền của người Thái xuôi về bản Tà Lềnh. Từ đây, sẽ có xuồng chở về Hòa Bình.

Nhưng đoạn sông qua Tà Lềnh bỗng nổi sóng. Con thuyền bị dòng xoáy hút mất tăm. Anh em bảo nhau bình tĩnh, rời thuyền, bơi tránh dòng xoáy.
thủy điện sơn la
Ông Trần Văn Tiến nhớ lại những đồng nghiệp đã bỏ mạng vì sông Đà 
Anh em địa chất đều bơi giỏi, nên rất bình tĩnh. Anh Ninh và chị Hoa cùng bám vào chiếc hộp máy bằng xốp. Tuy nhiên, miếng xốp quá bé, chỉ đủ cho một người.

Anh Ninh đã nhường miếng xốp cho chị Hoa, rồi tự mình bơi vào bờ. Chị Hoa cứ bám vào miếng xốp, mặc kệ dòng nước đưa đẩy, chờ người ra vớt.

Lúc mọi người bơi vào bờ, kiểm lại, không thấy anh Ninh và anh Hoa đâu. Thác Tà Lềnh nổi tiếng là “miệng quỷ”, từng “nuốt” không biết bao nhiêu mạng người. Phải một tuần sau, mọi người mới tìm thấy xác anh Hoa nổi dập dềnh ở Vụng Ma, còn xác anh Ninh trôi về tận bến phà Vạn Yên, cách Tà Lềnh tới 100km.

Người ta đưa xác hai anh lên thuyền, chở về nghĩa trang Chăm Mát (thị xã Hòa Bình) an táng. Nghĩa trang này là nơi chôn cất rất nhiều lính địa chất sông Đà và những người hi sinh vì thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La.

Ngày khởi công thủy điện Sơn La, rồi ngày khánh thành thủy điện, thực sự là ngày hội, ngày vui. Nhưng đó cũng là ngày những kỹ sư địa chất âm thầm đi tìm chỗ đắp đập ngăn sông mới.

Chẳng mấy ai biết rằng, họ chính là những người đầu tiên đặt mũi khoan xuống lòng sông. Họ là những người bị bỏ quên sau núi non và mây mù.

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn