Điều chỉnh tỷ giá: Hàng ngoại 'nhảy nhót', hàng nội neo giá

Kinh tếThứ Hai, 07/09/2015 07:03:00 +07:00

Điều chỉnh tỷ giá làm cho thị trường hàng hóa trong nước xáo trộn, hàng nhập khẩu đua nhau tăng giá trong khi hàng nội địa neo giá do việc điều chỉnh tỷ giá

(VTC News) - Động thái điều chỉnh tỷ giá tiền đồng thời gian qua đã khiến cho giá cả thị trường hàng hóa bị xáo trộn, trong đó hàng ngoại nhập đua nhau "nhảy nhót", còn hàng nội địa thì vẫn "bất động".

Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tăng 1%, một số loại sữa nước, sữa bột được nhập khẩu từ Mỹ được bán trên thị trường đã bắt đầu được tăng giá.

Theo ghi nhận của PV VTC News, hiện tại mức tăng của các mặt hàng sữa ngoại đã lên tới 40.000 - 70.000 đồng/hộp, tùy từng loại sữa và tùy từng nước sản xuất.

Một chủ cửa hàng sữa đầu mối trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện tại toàn bộ các lô sữa nhập mới đã được tính theo tỷ giá hiện hành nên dẫn tới sự chênh lệch tương đối lớn về giá nhập mới so với giá nhập cách đây 1 tháng.
Giá cả thị trường hàng ngoại nhập, đặc biệt là sữa đang có xu hướng tăng mạnh vì tỷ giá
Giá cả thị trường hàng ngoại nhập, đặc biệt là sữa đang có xu hướng tăng mạnh sau những điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước
Theo chủ cửa hàng này thì mỗi lô sữa nhập đầu tháng 9 đã đội thêm giá khoảng 3 - 5% so với giá của mỗi lô nhập đầu tháng 8, với lý do là từ giá mua, giá vận chuyển cho tới các loại phí và phụ phí khác tính theo USD trên đầu mỗi hộp sữa nhập về đều tăng lên.

Giá cả thị trường sữa nhập từ khu vực châu Âu như Đức, Pháp cũng đã tăng từ 6 - 8%, bởi từ sau biến động Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, đồng euro (EUR) đã liên tục tăng giá và đến ngày 25/8 thì đạt đỉnh hơn 26.000 đồng đổi được 1 euro.

Do đó mà một loạt các cửa hàng đầu mối sữa đã phải điều chỉnh giá niêm yết, kéo theo giá bán lẻ sữa tại khắp các đại lý, cửa hàng cũng phải điều chỉnh theo.

Thậm chí, còn có hiện tượng những cửa hàng dù vẫn đang bán lượng sữa nhập về từ khoảng từ 3 tháng trước nhưng lại "tát nước theo mưa" để được đà tăng giá.

Theo chị Hiền, một khách hàng tại một đại lý sữa trên đường Bạch Mai, Hà Nội cho biết, dù dòng sữa nhập đang có chiều hướng tăng giá mạnh nhưng chị cũng vẫn "cắn răng" mua vì muốn đảm bảo sữa tốt cho con và cũng vì con chị chỉ uống một loại sữa của Mỹ mà chị hay mua từ trước đến nay.

Còn theo một khách hàng khác, chị quyết định chuyển dần sang dùng loại sữa bột nội địa bởi hiện tại sữa do Việt Nam sản xuất trong nước chưa có biến động nhiều về giá.

Chị này cho biết: "Nếu có điều kiện dùng sữa ngoại vẫn sẽ tốt hơn nhưng mà vì đang có xu hướng tăng giá nên mình chọn dùng tạm sữa trong nước vậy. Tính ra mình sẽ tiết kiệm được khá nhiều, khoảng 30% so với trước".

Hiện tại, một số loại sữa nội được cho là có nguyên liệu và công nghệ từ nước ngoài cũng có tăng nhẹ, nhưng chỉ nhúc nhích tăng trong khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng.

Không chỉ riêng sữa mà giá cả thị trường của các loại mặt hàng tiêu dùng khác nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu hay Nhật, Hàn cũng đều rục rịch tăng, tăng mạnh nhất là các mặt hàng nhập về từ Mỹ, Úc, Nhật.

Các cửa hàng bán các loại mặt hàng ngoại nhập này đều khẳng định các lô hàng về cuối tháng 8 đều có giá mới tăng thêm 5 - 7% tùy từng loại, từ mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện, túi xách cho tới các loại bánh kẹo, thực phẩm.

Với những đầu mối nhập hàng ngoại hay những công ty, cá nhân chuyên bán và order (đặt hàng) hàng xách tay từ các thị trường như châu Âu va Nhật đều đang "đau đầu" về tỷ giá.

Theo một chủ shop order hàng của Nhật, do từ cuối tháng 8 thì tỷ giá tăng mạnh quá nên shop đành phải điều chỉnh giá mới với mức chênh lệch cao hơn 2% so với giá cũ.

"Nhiều khách hàng hiểu lầm tưởng shop tự ý tăng giá mà hủy đơn đặt hàng, nhưng đây là tăng theo việc điều chỉnh tỷ giá và biến động thị trường và mức độ cạnh tranh giữa các shop nằm ở việc tính theo tỷ giá order tự niêm yết của mỗi shop mà thôi", chủ shop này cho biết.

Còn tại một hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội, đại diện cho biết các mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá đang chiếm khoảng 10% của hệ thống, chủ yếu là các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu, sữa với chiều hướng tăng nhẹ khoảng 2% và có thể tăng ở mức cao hơn trong thời gian khoảng 3 tháng tới.

Các mặt hàng thuộc cùng loại trong cùng hệ thống nhưng được sản xuất trong nước thì hầu như không có biến động gì về giá, vị đại diện này cho biết.
Giá cả thị trường hàng nội địa, đặc biệt là thực phẩm, vẫn "án binh bát động"
Theo ghi nhận của PV VTC News tại các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố, giá các loại hàng hóa gần như không thay đổi, đặc biệt là giá thực phẩm. Giá cước vận tải, cước taxi cũng đang bị nhiều người phản đối gay gắt khi không chịu giảm giá dù giá xăng dầu trong nước đang giảm mạnh.

Theo đó, đến thời điểm hiên tại, giá xăng dầu đã trải qua 5 lần giảm liên tiếp, nay chỉ còn 17.330 đồng/lít và giá gas cũng đã giảm xuống chỉ còn 265.000 đồng/bình 12kg.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn