Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn tạo vỏ bọc ở Mỹ thế nào?

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 26/09/2013 12:05:00 +07:00

(VTC News) - Phạm Xuân Ẩn được cử sang Mỹ và tạo vỏ bọc hoàn hảo của một điệp viên như thế nào?

(VTC News) - Phạm Xuân Ẩn được cử sang Mỹ và tạo vỏ bọc hoàn hảo của một điệp viên như thế nào?

Tại ngã rẽ đầu tiên của cuộc đời Ẩn, nhiệm vụ công tác được đặt lên trên hết. Mai Chí Thọ, em trai của ông Lê Đức Thọ, đã tham gia vào việc hoạch định nhiệm vụ của Ẩn.

‘Thời đó chúng tôi vẫn còn hoạt động bí mật’, ông Thọ giải thích với tôi. ‘Tôi phải bí mật gây quỹ cho hoạt động bằng cách sử dụng một phần ngân sách tình báo và phần còn lại thì đi vay’.


Tôi hỏi ông Thọ vì sao Ẩn được chọn cho nhiệm vụ quan trọng này, ông đáp: ‘Ông ấy nói tiếng Anh giỏi hơn tất cả những người khác và được trời ban cho những phẩm chất nghề nghiệp.

Một trong những điểm mạnh nhất của điệp viên là luôn bình tĩnh và có nhiều bạn bè; phải luôn duy trì quan hệ với mọi người để tránh gây chú ý.

Ẩn có thể làm điều đó với mọi người, và đó là lý do tôi coi ông ấy là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước’.

 
Cấp trên trực tiếp của Ẩn, ông Mười Hương, là người chịu trách nhiệm về việc liệu có thể hoãn nhiệm vụ của ông Ẩn hay không.

Nhận thấy không còn ai khác cho sứ mệnh đặc biệt này, Mười Hương trấn an Ẩn rằng Đảng sẽ chăm lo cho gia đình ông. ‘Tôi biết rằng mình sẽ phải đi Mỹ, nhưng tôi cũng xin phép được giải thích lý do cho má tôi bởi lúc ấy vẫn còn trong thời gian chịu tang’, Ẩn nói.

‘Má anh ủng hộ con hết mình, bà không can dự vào công việc của anh’
, bà Thu Nhàn, vợ của Ẩn, kể với tôi. ‘Bà chỉ cần biết anh làm việc cho cách mạng là đủ’. 

Với sự chấp thuận của mẹ, Ẩn bước lên chiếc máy bay bốn động cơ cánh quạt của hãng Pan Am để đi Mỹ vào tối 10 tháng 10 năm 1957, vài tuần sau khi năm học mới ở Trường Orange Coast bắt đầu.
Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn và vợ, bà Hoàng Thu Nhàn trong ngày cưới - ảnh tư liệu cá nhân Phạm Xuân Ẩn
Trường Orange Coast được thành lập năm 1948 tại một căn cứ quân sự bỏ không từ thời Thế chiến II ở thành phố Costa Mesa. Trong khóa học đầu tiên vào tháng 9 năm 1948, tổng số học sinh là năm trăm người.

Khi Ẩn tới vào chín năm sau, nó vẫn là một trường bán trú bé nhỏ. Ban quản lý trường cho rằng Ẩn không nhập học vào mùa thu nên đã chuyển phòng ký túc xá của ông cho một sinh viên khác.

Người quản lý ký túc xá, ông Henry Ledger, lúc bấy giờ tình cờ đi ra ngoài nên đã gặp và đón Ẩn. ‘Chúng tôi đợi cậu cả tháng trời rồi – cậu đã ở nơi quái quỷ nào vậy?’, người đàn ông lực lưỡng Ledger cằn nhằn.

Khu ký túc xá là một dãy nhà quân đội từ thời nơi đây còn là Căn cứ Không quân Santa Ana được sửa sang lại. Bởi không còn phòng trống nào, Ledger đã dọn kho chứa chăn nệm cũ để Ẩn ở, dù thế nhưng đối với Ẩn vậy là quá xa xỉ rồi. Ẩn nhanh chóng lôi năm bộ áo quần cùng đồ dùng cá nhân từ chiếc va li mà Mills Brandes đã mua tặng.

‘Cậu đói chưa?’ Ledger hỏi. Rồi không chờ trả lời, ông khui một hộp thịt bò hầm – đấy là lần đầu tiên Ẩn ăn thịt hộp. Ông thấy món này rất ngán nhưng để phục vụ cho hoạt động của mình, đây cũng là một kiểu học tại chỗ để hiểu văn hóa Mỹ.

Là một cựu chiến binh Thế chiến II và cùng tuổi với cha của Ẩn, Ledger ngay lập tức trở thành người chăm lo cho sinh viên mới. Ledger thích chơi ghi ta và ăn mặc giống như một gã cao bồi.

Thứ tư hằng tuần, ông và Ẩn xem đấm bốc trên truyền hình còn tối chủ nhật thì xem đánh bowling. Ledger có một chiếc xe bán tải cũ và một nhà thùng di động; về sau ông đã dạy cho Ẩn lái xe.

‘Tôi yêu ông như cha vậy’, Ẩn kể. ‘Ông đã giúp tôi vượt qua thời gian đau khổ sau khi cha tôi mất. Ông là người luôn mong muốn tôi thích thú nơi ở mới, hòa nhập vào gia đình mới ở đây. Lúc mới đến tôi rất đơn độc, và ông đã giúp tôi cảm thấy mình được chào đón tại vùng đất mới’.
 
Kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên của Ẩn ở Trường Orange Coast diễn ra sự kiện khiêu vũ mùa thu. Ledger đã khích lệ Ẩn tham dự để có thể gặp người này người kia.

Khi Ẩn bước vào phòng nhảy, mọi cặp mắt đều dồn đến sinh viên Việt Nam đầu tiên học tại Trường Orange Coast và cũng là người Việt duy nhất tại Quận Cam vào thời điểm đó.

Mấy người bạn học lập tức trêu ông bằng cách gán cho biệt danh ‘Khổng Tử’, và Ẩn cũng đứng ngoài gần suốt buổi tối hôm ấy bởi ông là dân châu Á và một phần do bộ vét và cà vạt ông vận không phù hợp với buổi khiêu vũ có chủ đề Viễn Tây hôm đó.

Giữa lúc đang đinh ninh rằng mình sẽ chỉ ngồi dựa tường suốt cuộc vui, Ẩn cảm thấy rất bối rối khi một nữ sinh đột nhiên mời ông nhảy.

Ông gần như đứng chôn chân tại chỗ, bởi vì ông chưa từng khiêu vũ hay cầm tay một phụ nữ lạ khi còn ở Việt Nam. Cô bạn học khích lệ, bảo cầm tay phụ nữ lúc nhảy không vấn đề gì. Cuối buổi hôm đó, cô gợi ý Ẩn tham gia lớp khiêu vũ thay cho tín chỉ thể dục bắt buộc.

Tám tháng sau, Ẩn đã trở thành một người khiêu vũ điệu nghệ, khi tổng kết năm học thứ nhất tại Orange Coast, trong một bài báo cho tờ báo của trường, tờ Barnacle, Ẩn viết rằng lớp học khiêu vũ xã giao ‘đã giúp tôi thoát khỏi sự bẽn lẽn do khác biệt văn hóa'.

Trong cuốn lưu bút thời học Trường Orange Coast, mang tên Nhật ký Roberta Seibel viết, ‘Bạn là một người khiêu vũ tuyệt vời. Cứ mãi dễ thương như thế nhé’.

Khi tôi hỏi chuyện Judy Coleman, người bạn nhảy của Ẩn trong buổi vũ hội chào đón cựu sinh viên về thăm trường vào năm sau đó, bà cho biết, ‘Cậu ấy là một người nhảy cừ khôi và chúng tôi đã nhảy suốt đêm. Cậu ấy rất quyến rũ’.
Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn (khoanh tròn)bận trang phục truyền thống Việt Nam dự Đại hội Giáo viên - Sinh viên tại Asilomar 
‘Tôi đến từ Việt Nam’, Ẩn thường nói với những người mới quen. Vài sinh viên nhớ lại mới vài tháng trước,  Ngô Đình Diệm đã thăm Mỹ.

Nhưng ít người biết về xứ sở xa xôi này, đặc biệt là khi mà các bản đồ cũ của nước Pháp được sử dụng tại trường học đều ghi đất nước của Ẩn là một phần Đông Dương thuộc Pháp.

Vấn đề càng trở nên rắc rối khi trong ngày học đầu tiên của lớp báo chí, ông Maurice Gerard, người bảo trợ của Ẩn, giới thiệu Ẩn với những phóng viên đầy nhiệt huyết của lớp.

Pete Conaty, người về sau phục vụ tại Việt Nam trong vai trò là một sỹ quan tình báo kỹ thuật/chiến lược đóng tại Huế và trở thành bạn thân của Ẩn tại Orange Coast, ngẫu hứng bình luận:

‘Ồ, vậy là cậu đến từ nơi xảy ra trận đánh Điện Biên Phủ kinh hoàng'.
Ẩn đáp ngay: 'Điện Biên Phủ là một phần của Việt Nam. Bản đồ nước Pháp trên tường này đã lỗi thời rồi. Chúng ta cần thay cái mới’...

Hơn bốn thập kỷ sau, Ẩn nhắc lại vụ này trong một thư điện tử gửi tới Lee Meyer, một cô bạn thân cùng lớp năm xưa, 'Bây giờ tôi đoán bạn đã nhận ra cảm giác của tôi như thế nào khi tên đất nước tôi không có trên bản đồ đó, nó chỉ là một thuộc địa của Pháp’. Người bạn tên Ross Johnson nhớ lại Ẩn ‘thể hiện mình là một người chống chủ nghĩa thực dân quyết liệt’.

Một trong những mặt đáng kinh ngạc trong thời gian Ẩn ở California là mức độ mà ông lĩnh hội được tất cả mọi mặt của cuộc sống học đường, nói một cách văn vẻ là ông đã thẩm thấu vào nền văn hóa Mỹ.

Trong khi rất nhiều điệp viên không muốn mình nổi bật, Ẩn đã chọn cách thâm nhập vào cuộc sống để củng cố vỏ bọc. Ông thường xuyên đi xem bóng đá và dự các bữa tiệc trên bãi biển, cũng như được biết đến như là một người hay đùa.
Pham Xuan An
Phạm Xuân Ẩn (bìa trái) dự một buổi chiêu đãi dành cho sinh viên quốc tế trường Orange Coast.  
Ông thường nằm dài đợi cho anh bạn cùng phòng Ross Johnson tắm xong để đến lượt mình. Trong các tòa nhà ọp ẹp đó, bơm nước luôn trục trặc, mỗi khi Ẩn xả nước bồn cầu thường phá lên cười bởi lúc ấy chắc hẳn Johnson đang hứng một luồng nước lạnh như băng trong phòng tắm.

‘Cậu ta nghĩ vậy là vui’
, Johnson nói. ‘Tôi thích cậu ấy. Không ai nghi ngờ rằng cậu ta có một cuộc sống bí mật. Tôi từng cho rằng mình biết cậu ta rất rõ’.

Ngay trước lễ Tạ ơn năm 1957, tờ Barnacle đăng một bài viết về sự kiện Ẩn gia nhập trường kèm một tấm hình Ẩn ngồi với cuốn từ điển tiếng Anh và dòng chú thích: ‘Bạn nói điều đó như thế nào trong tiếng Anh?’.

Bài báo này đã tạo ra nền tảng cho vỏ bọc của Ẩn: ‘Một tân sinh viên ngoại quốc vừa đến Trường Orange Coast vào ngày 12 tháng 10 và hiện sống trong khu ký túc xá. Phạm Xuân Ẩn, tên anh, là một người Việt Nam, một người châu Á đến từ Viễn Đông.

Anh muốn hoàn tất khóa học trong hai năm tại Orange Coast và trở lại Sài Gòn, thành phố quê hương của anh, để làm việc cho đất nước mình trong vai trò một nhà báo…

Ẩn giờ đây đang tiếp tục tiếp thu những điều mới mẻ về cuộc sống trong ký túc xá và trên đất nước này. Bằng cách ấy, anh có thể tìm ra những gì mà anh muốn mang về xứ sở của mình’.


Ẩn nhanh chóng ổn định chuyện học hành và cuộc sống sinh viên của mình tại Orange Coast. Trong vở kịch Ba Tư do sinh viên dàn dựng mang tên Qúy bà và Omar Khayyam, Ẩn đóng vai một vũ công Xiêm La, nhảy điệu ‘rồng phòng thủ’, mà tờ Barnacle miêu tả là ‘pha nhu đạo tự phạt’.

Ông đặc biệt thích tham dự các bữa tiệc ngoài trời của sinh viên ngay trong khuôn viên trường với món heo quay tại chỗ, nhảy điệu hula, màn múa kiếm do anh bạn người Samoa, Tualua Tofili, biểu diễn.

Những dòng lưu bút do Paula Jacoby đề tặng cho thấy Phạm Xuân Ẩn là một người chu đáo: ‘Rất vui khi được biết bạn. Mong năm tới bạn tiếp tục ở lại đây chứ không hồi hương.

Cảm ơn khi đã lấy áo len choàng cho tôi đỡ lạnh trong ngày hội trường. Mong gặp lại vào năm tới. (Bảo trọng.) Thân mến, Paula Jacoby’.

(còn nữa)

Kỳ 3: Tình yêu và những bài báo đầu tay của Phạm Xuân Ẩn

Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6
Bình luận
vtcnews.vn