Điện thoại 'nồi đồng cối đá' dần trở lại, đe dọa vị thế smartphone

Kinh tếThứ Sáu, 10/02/2017 14:54:00 +07:00

Smartphone đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một thế lực cũ: Điện thoại cơ bản, hay thường được nói vui là điện thoại "nồi đồng cối đá".

Tuần trước, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết Apple sẽ chính thức khởi động một dây chuyền lắp ráp iPhone vào cuối tháng tư tại Bangalore, Ấn Độ.

Động thái này của Táo khuyết được cho là nhắm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng tại Ấn Độ, trong bối cảnh doanh số tại các thị trường khác đang chững lại, theo BloomBerg View.

Tuy nhiên, đừng vội nghĩ rằng iPhone có thể nhanh chóng thâu tóm Ấn Độ hay bất cứ thị trường mới nổi nào khác. Nguyên nhân nằm ở chỗ, smartphone đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một thế lực cũ: Điện thoại cơ bản, hay thường được nói vui là điện thoại "nồi đồng cối đá".

Một thế hệ điện thoại đơn giản với màn hình nhỏ, thường chỉ được dùng để gọi điện và nhắn tin, bỗng nhiên trở thành mối đe dọa với Apple và nhiều nhà sản xuất khác.

Dien thoai 'dap da' dan tro lai, de doa vi the smartphone hinh anh 1

Doanh số điện thoại cơ bản ngày càng tăng khiến các hãng smartphone như Apple cũng phải kiêng dè. Ảnh: Daily Mail. 

Dù bị lãng quên từ lâu, điện thoại cơ bản đang trở lại một cách rất ấn tượng. Sau nhiều năm suy giảm gần như liên tục, doanh số điện thoại cơ bản đạt tăng trưởng hai quý liên tục trên toàn cầu. Mẫu di động này có mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng tại các thị trường đang phát triển: Ở châu Phi, doanh số điện thoại cơ bản tăng 32% trong quý thứ hai năm 2016, trong khi doanh số smartphone giảm 5,2%. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai vì nhiều lí do.

Giá rẻ

Vào cuối năm 2016, trung bình người dùng phải chi 256 USD để mua một chiếc smartphone trong khi chỉ cần bỏ ra 19,3 USD để mua điện thoại cơ bản. Ở các thị trường mới nổi, nơi thu nhập thường dưới mức 10.000 USD/năm, người dùng thường không có nhiều lựa chọn.

Ngay cả khi có 256 USD, người dùng tại đây thường chọn các mặt hàng đã qua sử dụng chứ không mua một chiếc smartphone mới. Tại Ghana, người dân thường chi 256 USD để mua một chiếc máy tính Pentium III đã qua sử dụng, một đầu màn hình phẳng, chảo vệ tinh và hộp giải mã để xem trộm các kênh truyền hình vệ tinh.

Thời lượng pin

Tại các thị trường đang phát triển, nơi điện vẫn thường hay bị cắt, các smartphone phải sạc hàng ngày không thể cạnh tranh lại với điện thoại cơ bản chỉ cần một lần sạc là có thể sử dụng cả tuần.

Dien thoai 'dap da' dan tro lai, de doa vi the smartphone hinh anh 2

Thời lượng pin cao là yếu tố hàng đầu khiến điện thoại cơ bản được lựa chọn tại thị trường mới nổi. Ảnh: Alibaba. 

Ở Tây Phi, hiếm gặp chủ sở hữu smartphone nào không mang theo thêm một chiếc điện thoại cơ bản để gọi hoặc nhắn tin khi smartphone hết pin. Ngoài ra, một điều quan trọng không kém là hầu hết khách hàng tại thị trường đang phát triển dùng thuê bao trả trước cho điện thoại và dữ liệu, vì thế việc dùng smartphone sẽ tốn kém hơn so với dùng điện thoại cơ bản.

Điện thoại cơ bản dần được cải tiến

Các nhà sản xuất điện thoại cơ bản cũng ngày càng bổ sung thêm nhiều phần cứng và các dịch vụ rất sáng tạo. Hãng iTel của Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống chuyển giọng nói thành văn bản (speech-to-text) cho điện thoại cơ bản, nhằm thu hút hàng trăm triệu người dùng di động không biết chữ hoặc người khiếm thị có thu nhập thấp.

Công ty Zync tại Ấn Độ ra mắt sáu mẫu điện thoại cơ bản mới với nhiều khe SIM, giúp người dùng tận dụng ưu thế tính cước giá rẻ dành cho cuộc gọi nội mạng, hoặc sử dụng các số riêng cho gia đình và công việc. Thậm chí, nhà mạng Reliance Jio Infocom còn sắp trình làng mẫu điện thoại cơ bản có khả năng gọi điện miễn phí qua mạng LTE, giá ít hơn 20 USD.

Thanh toán qua tin nhắn

Điều đặc biệt phải kể đến đó là khả năng cho phép người dùng chuyển tiền qua tin nhắn SMS. Sau khi đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng, người dùng có thể sử dụng tin nhắn SMS để thanh toán hóa đơn hoặc chuyển tiền cho bạn bè.

Đối với khoảng 2 tỷ người trên thế giới chưa có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, đây là cách có thể thay đổi cuộc sống của họ. Dịch vụ chuyển tiền qua tin nhắn M-Pesa tại Kenya hiện có 19 triệu người dùng, số tiền giao dịch hàng ngày thông qua nó lên tới 140 triệu USD. Tại Ấn Độ, chính phủ đang cố gắng theo dõi các dịch vụ tương tự nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tiền tệ đang diễn ra.

Dien thoai 'dap da' dan tro lai, de doa vi the smartphone hinh anh 3

Sự phát triển của các hệ thống thanh toán di động giờ đây cho phép điện thoại cơ bản cũng có khả năng chuyển tiền. Ảnh: Capitec. 

Điều này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của các hãng sản xuất smartphone. Một số nhà phân tích tại Ấn Độ cho rằng doanh số smartphone mới và nhu cầu nâng cấp smartphone của khách hàng trong năm nay sẽ giảm mạnh.

Các thương hiệu điện thoại cơ bản hàng đầu cũng ra mắt smartphone giá rẻ của riêng mình với hy vọng giành thêm thị phần, đồng thời thu hút khách hàng nâng cấp thiết bị khi nhận diện thương hiệu quen thuộc.

Vì thế, bước tiến tiếp theo trong ngành công nghiệp di động rất có thể sẽ không được quyết định bởi các nhà thiết kế tại Silicon Valley hay Seoul, mà phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng tại các thị trường mới nổi. Thậm chí, điện thoại cơ bản nhiều khả năng sẽ trở thành tương lai của thị trường di động.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn