Điện thoại, máy tính Trung Quốc từng khiến người Việt hoang mang

Kinh tếThứ Ba, 05/01/2016 03:41:00 +07:00

Ngoài vụ việc máy tính Lenovo cài sẵn ứng dụng Lenovo Service Engine (LSE) thu thập dữ liệu vừa bị phanh phui, thì trong thời gian qua, đã có hai vụ việc

 Ngoài vụ việc máy tính Lenovo cài sẵn ứng dụng Lenovo Service Engine (LSE) thu thập dữ liệu vừa bị phanh phui, thì trong thời gian qua, đã có hai vụ việc liên quan đến việc sử dụng điện thoại Trung Quốc bị đánh cắp dữ liệu, trừ tiền ngầm từng gây hoang mang cho người dùng Việt Nam.

Smartphone Xiaomi Redmi Note đánh cắp dữ liệu

Ngày 19/7/2014, trang Ocworkbench.com bất ngờ công bố thông tin từ nhóm nghiên cứu IMA Mobile (Hồng Kông) về việc phát hiện smartphone Redmi Note của hãng Xiaomi (Trung Quốc) cài sẵn ứng dụng ngầm, có khả năng tự sao lưu tin nhắn SMS, hình ảnh, nội dung đa phương tiện để gửi về máy chủ đặt tại Trung Quốc.

Dữ liệu chỉ được gửi đi khi máy kết nối Wi-Fi, còn ở chế độ 3G không thực hiện gửi.

Smartphone Xiaomi Redmi Note. 

Redmi Note bán tại Hồng Kông, Đài Loan đều cài sẵn ứng dụng này, được tích hợp vào firmware và người dùng sẽ không thể gỡ bỏ được.

Theo giới bảo mật, việc gửi tin nhắn, lịch sử cuộc gọi hay hình ảnh... là một điều rất nghiêm trọng và đây được xem là hành động đánh cắp thông tin của người dùng.

Ngay sau khi thông tin trên lan truyền trên mạng, không ít người tiêu dùng tại Việt Nam lo ngại do sản phẩm này cùng với hàng chục mẫu smartphone Xiaomi khác đã được bán khá nhiều trong nước, được đưa về qua con đường xách tay.

Tại thời điểm năm 2014, có rất nhiều cửa hàng bán lẻ trong nước bán Xiaomi Redmi Note với giá từ 4,7 – 4,9 triệu đồng. Máy trang bị màn hình lớn 5.5inch, vi xử lý 8 lõi MediaTek tốc độ 1.7GHz, RAM 2GB, bộ nhớ trong 8GB, camera chính 13MP và camera phụ 5MP, pin dung lượng 3.200 mAh.

Ngoài ra, đó là loạt mẫu máy khác như Xiaomi Redmi 1S có giá 3,2 triệu đồng, Xiaomi M2 giá 5 triệu đồng, Xiaomi M3 giá 8 triệu đồng.
Việc sử dụng điện thoại Trung Quốc gây ra sự bất an cho người dùng. 
"Nokia" 2700 C-2, ZES Z10 cài mã lệnh trừ tiền ngầm người dùng Việt

Tháng 10/2015 thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện Công ty TNHH Đầu tư Vinamob (do ông Lian Kwok Keong, quốc tịch Singapore làm Tổng Giám đốc) đã cấu kết với 3 doanh nghiệp trụ sở tại Trung Quốc cung cấp dịch vụ nội dung thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại xuất xứ Trung Quốc như “Nokia” 2700 C-2, ZES Z10.

Với thủ đoạn tinh vi, Vinamob và 3 công ty tại Trung Quốc là Global Wireless Consulting (GWC), Bei Jing Chang Yuan Hong Da Technology (HK Canal) và Phone Me Technology (Shiny Mobi) đã thiết lập hệ thống thiết bị máy chủ đặt tại Trung Quốc để kết nối với hệ thống thiết bị của Vinamob đặt tại Việt Nam phục vụ hoạt động phi pháp.
Điện thoại  "Nokia K60" có giá hơn  500.000 đồng tại Việt Nam. 
Các đối tượng đã cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin trên máy điện thoại sản xuất ở Trung Quốc và ẩn toàn bộ thông tin mà người dùng có thể nhận biết được (không lưu lại tin nhắn đi đến), máy điện thoại của người dùng sẽ tự động nhắn tin đến đầu số 8x61 mà chủ thuê bao không hề hay biết, qua đó hệ thống của các nhà mạng sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của người dùng.

Đến khi bị phát hiện, các đối tượng đã móc túi người dùng trót lọt hơn 2,6 tỷ đồng. Vinamob đã bị cơ quan chức năng xử phạt 50 triệu đồng, buộc hoàn trả lại số tiền đã thu của người dùng và đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 trong thời gian 2 tháng.

Hành vi cài đặt sẵn mã lệnh nhắn tin, tự động trừ tiền trong tài khoản người dùng của Vinamob và 3 doanh nghiệp Trung Quốc với thủ đoạn hết sức tinh vi đã tiếp tục gây ra sự nghi ngờ không tin tưởng vào dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông trong nước, đồng thời khiến người dùng lo ngại trong việc sử dụng điện thoại di động của Trung Quốc.


Nguồn: ICT News
Bình luận
vtcnews.vn