Học sinh vùng cao vừa chăn trâu, vừa dò sóng điện thoại học trực tuyến

Diễn đànThứ Ba, 14/04/2020 07:51:00 +07:00
(VTC News) -

Không đầu hàng trước khó khăn, nhiều học sinh ở vùng cao ngày ngày lên núi chăn trâu và tranh thủ "hứng" sóng 3G học online.

Để phòng chống dịch COVID-19, cũng như học sinh trên cả nước, gần 3 tháng nay học sinh trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương không thể đến học nội trú và thay thế bằng phương pháp học trực tuyến.

Đây được cho là giải pháp tốt nhất hiện nay giúp các em không quên kiến thức, nhưng với học sinh vùng cao việc này không dễ dàng, bởi điều kiện cơ sở vật chất, đường truyền internet còn hạn chế.

Thắp đèn dầu học bài

Do không có điện nên Giàng A Anh, học sinh trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương, người dân tộc H’Mông (ở bản Háng Tày, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) hàng ngày dùng đèn dầu thắp sáng để học bài.

Học sinh vùng cao vừa chăn trâu, vừa dò sóng điện thoại học trực tuyến - 1

Không có điện, Giàng A Anh thắp đèn học vào buổi tối.

Cậu học trò Giàng A Anh cho biết, em nghĩ ra việc tái chế lại vỏ lon nước ngọt, đổ dầu hoả vào bên trong, dùng một đầu dây vải quấn thành cái bấc như đèn dầu dưới miền xuôi; cho nó thấm dầu và châm lửa chiếu sáng. Đó là ánh sáng hiếm hoi ở bản mỗi khi trời tối buông xuống.

Thường thì ban ngày Giàng A Anh sẽ tranh thủ làm nhanh các công việc nhà phụ giúp bố mẹ. Quanh khu vực nhà của A Anh không có sóng điện thoại nên nên hầu như ngày nào cậu học trò đều phải leo lên đồi hoặc tranh thủ dắt đàn trâu đi xa nhà, lên những khoảng đất cao để bắt sóng điện thoại 3G ngồi học bài.

Có khi ngồi phải bên sườn đồi, có khi leo lên chòi gác, có khi lại leo lên cả cây cao, mỗi ngày đều dò được sóng điện thoại rất vất vả.

May mắn A Anh được các cô giáo tạo điều kiện và theo sát mỗi ngày. Vào 8 giờ sáng, A Anh sẽ "hứng" sóng điện thoại để liên lạc với cô giáo của mình trao đổi bài với nhau. Cứ thế, cậu học trò ấy đã quen với khó khăn và chỉ coi đó như thử thách, được học bài là Giàng A Anh thấy vui vẻ và không có điều gì có thể khiến cậu chùn bước.

Vừa chăn trâu, vừa "hứng" sóng 3G

Những ngày này, học sinh Hoàng Minh Đức, lớp C4K45 trường Dự bị đại học dân tộc trung ương, dân tộc Thái, sống ở Bản Là 1- xã Mường Kim- huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu vừa tranh thủ lúc chăn trâu, em đem sách ra học.

Do sóng điện thoại ở nhà quá yếu, khó để bắt được Internet nên em thường đi bộ ra đường lớn hoặc lên đồi cao để hứng sóng 4G mỗi khi có tiết giảng trực tuyến buổi sáng và đầu giờ chiều.

“Quỹ thời gian của em không có nhiều, ngày ngày em phải làm việc nhà, cho lợn ăn, đi chăn trâu, làm nương cùng bố mẹ. Tận dụng những lúc như vậy em mang sách vở theo, đến đoạn nào có sóng điện thoại em tranh thủ ngồi nghỉ để học và làm bài tập”, Đức nói.

Bên cạnh việc học trực tuyến, Đức cũng được nhà trường gửi bài tập qua đường bưu điện thường xuyên để không bị gián đoạn các kiến thức môn học.

Học sinh vùng cao vừa chăn trâu, vừa dò sóng điện thoại học trực tuyến - 2

Em Hoàng Minh Đức vừa học bài, vừa chăn trâu giúp gia đình.

Ở một bản khác thuộc huyện Tuần Giáo (Điện Biên), bản Bản Nát- Quài Cang, nữ sinh Lường Thị Thắm (dân tộc Thái) hằng ngày vừa chăn bò, cắt cỏ, vừa tranh thủ học tập.

Những ngày có tiết học trực tuyến tương tác với giáo viên, Thắm cố ý đuổi đàn bò lên núi xa hoặc leo đồi vài km đến mỏm đá cao bắt sóng 3G cho ổn định.

Có hôm vừa cắt cỏ cho bò, vừa nghe thầy cô giảng, Thắm bị lưỡi liềm cứa nhẹ vào tay. “Đau mà vẫn vui vì em vẫn được học với thầy cô, để thực hiện tiếp ước mơ vào đại học”, nữ sinh lớp trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương nói.

Không có điện, tranh thủ học ban ngày 

Không có mạng internet, không điện thoại thông minh, thậm chí ở bản Huổi Moi, Nà Hỳ huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nơi học sinh Sùng Seo Hòa (dân tộc H’Mông đang sinh sống), điện lưới quốc gia còn không có. Đang mùa khô, suối nước cạn, việc nạp điện thoại và đèn pin cũng trở thành điều khó khăn.

Để hỗ trợ học trò, các giáo viên trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương gửi tài liệu hướng dẫn tự học qua qua bưu điện cho Seo Hoà rồi gọi điện thoại giảng bài trực tiếp. Cũng theo cách đó, khi làm bài tập, bài kiểm tra xong Hoà gửi bưu điện xuống cho cô thầy.

Có lúc vì công việc và hoàn cảnh gia đình, em muốn nghỉ học. Những lúc ấy, thầy cô giáo lại gọi điện động viên, hướng dẫn giảng giải cụ thể cho em.

Chính những tâm huyết và nỗ lực của thầy cô đã truyền cho em thêm nghị lực, quyết tâm theo đuổi con chữ vì tương lai tương sáng. Em mong dịch bệnh qua mau để em được xuống trường đi học. Em rất nhớ thầy cô và các bạn”, học sinh dân tộc H’Mông nói.

Học sinh vùng cao vừa chăn trâu, vừa dò sóng điện thoại học trực tuyến - 3

Học sinh vùng cao không có điện lưới, không có sóng điện thoại nên thường tranh thủ học bài ban ngày khi trời sáng.

Hỗ trợ từng học sinh

TS Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu phó trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương cho biết, trường hiện có gần 900 học sinh đến từ 18 tỉnh miền núi phía Bắc. Tất cả các em đều là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo thống kê, trường có khoảng 2-3% học sinh không có điện thoại thông minh, sống ở vùng không có internet và điện lưới quốc gia nên rất khó khăn trong việc học tập trực tuyến.

Từ tháng 2/2020, trường xây dựng các phương án dạy học từ xa, đảm bảo chất lượng và phù hợp với đặc thù học sinh và điều kiện học tập ở nơi các em sinh sống.

Nhà trường đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn tự học theo các modul và video hỗ trợ. Tài liệu này tinh giản nội dung chương trình, chỉ giữ những kiến thức cơ bản, cốt lõi, nhằm tạo thuận lợi cho các em trong quá trình tự học tập, tự nghiên cứu.

Với những học sinh ở vùng không có điện lưới, internet, tài liệu được gửi đến bằng đường bưu điện. Các giáo viên sẽ chủ động liên lạc với học trò để chắc chắn các em nhận được tài liệu và nhắc nhở tự học, tự nghiên cứu trước khi tham gia lớp học trực tuyến.

Hàng tuần các em sẽ gửi trả bài qua bưu điện, từ đó giáo viên sẽ nắm bắt được phần nào còn thiếu sót, để có sự hỗ trợ hợp lý cho từng học sinh này. Đồng thời, sau các buổi học giáo viên sẽ chủ động liên lạc để hỗ trợ thêm qua điện thoại cho các em.

Cứ 2 ngày một lần, nhà trường sẽ xét công nhận kết quả học tập cho học sinh theo từng modul, để nắm bắt khó khăn của các em, nếu thấy cần thiết sẽ chuyển hình thức hỗ trợ hoặc kết hợp nhiều hình thức hỗ trợ, để đảm bảo học sinh được học tập tốt nhất trong điều kiện không thể đến trường.

Trước đó, từ tháng 2 và tháng 3, toàn bộ giáo viên nhà trường được tập huấn về phương pháp, kỹ thuật dạy học từ xa, hướng dẫn về công nghệ thông tin ứng dụng phù hợp với đối tượng học sinh miền núi. Các học sinh cũng có 1 tuần được thầy cô hướng dẫn sử dụng các ứng dụng học tập tương tác trực tuyến trên không gian mạng và phương pháp học từ xa khác.

Qua 2 tuần triển khai dạy học từ xa, giáo viên, học sinh nhà trường đã tổ chức thành công 594 tiết dạy, 297 video hỗ trợ học sinh học được ghi lại, 100% học sinh trả bài đầy đủ và được công nhận kết quả học tập.

Hiện trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ 300.000 đồng cho mỗi học sinh có hoàn cảnh khó khăn để nạp thẻ điện thoại kết nối mạng 3G, 4G. Những em không có điện thoại kết nối mạng được hỗ trợ điện thoại để có thiết bị học tập từ xa.

Video: Học sinh học online mùa dịch thế nào?

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn