Học phí 70-88 triệu đồng/năm, học sinh nghèo từ bỏ ước mơ vào trường Y

Diễn đànThứ Năm, 04/06/2020 12:11:44 +07:00
(VTC News) -

Đại học Y Dược TP.HCM và khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM) đưa ra mức học phí cao nhất từ 70- 88 triệu đồng/năm học khiến nhiều học sinh từ bỏ nguyện vọng trường Y.

Theo đề án tuyển sinh của Đại học Y Dược TP.HCM, học phí năm 2020-2021 ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm.

Mức học phí này tăng 2-5 lần so với mức cũ. Dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%. Trong khi đó, mức học phí hiện tại của Đại học Y Dược TP.HCM chỉ là 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm.

Không chỉ Đại học Y Dược TP.HCM, khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm.

“Có lẽ chỉ con nhà giàu mới đủ tiền đi học ngành Y- Dược”, nữ sinh Nguyễn Thị Hoa (Quận 4, TP.HCM) thốt lên khi biết mức phí trên. Hoa nói nếu so sánh với thu nhập của gia đình, nhất là vùng nông thôn thì đây sẽ là gánh nặng.

Nam sinh Lê Công Chất (Tuy Hoà, Đồng Nai) ngậm ngùi: "Cả gia đình em 5 người đi làm, một tháng trung bình thu nhập trên dưới 30 triệu, em thật sự không dám ước mơ làm bác sĩ".

Năm nay, Công Chất dự định đăng ký vào khoa Y- Đại học Quốc gia TP.HCM, nhưng nam sinh này đành từ bỏ ước mơ nếu mức học phí cao như vậy. Công Chất sẽ đổi sang một ngành học khác phù hợp hơn với kinh tế của gia đình.

Học phí 70-88 triệu đồng/năm, học sinh nghèo từ bỏ ước mơ vào trường Y - 1

Một giờ học tập của sinh viên ngành Y- Dược (Ảnh minh họa: H.C)

Nhiều phụ huynh lo lắng, với mức học phí quá cao như vậy có khi họ bán cả nhà, vườn, ruộng mới đủ nuôi con lấy tấm bằng bác sĩ 6 năm. Chị Nguyễn Tố Chinh (Rạch Giá, Kiên Giang) chia sẻ, kể cả chấp nhận dồn hết vốn liếng cho con đi học ngành Y, nhưng khi ra trường lương tháng chỉ có 5- 7 triệu, biết tới bao giờ mới trả lại được hết nợ cho gia đình.

“Chưa kể mỗi năm học phí tăng thêm 7-8 triệu tiền học phí, con nhà nghèo lấy tiền đâu để học, bố mẹ còng lưng làm cũng không đủ chu cấp. Học phí là phải tính đến mặt bằng chung thu nhập của xã hội”, chị Chinh nói.

Anh Huỳnh Ngọc Hiếu (Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, con có học giỏi tới đâu cũng không cho nộp đơn vào trường Y. Bố mẹ lượng ba cọc, ba đồng, tiền đâu mà nuôi con ăn học gần chục triệu/tháng.

"Đâu phải nguyên tiền học là xong, nào là tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sách vở, tiền đi lại, tiền ngoại khoá… một năm cũng phải trên dưới 200 triệu đồng", phụ huynh nói.

Theo lộ trình phát triển, từ sau năm 2020, 100% các trường đại học đều hoạt động tự chủ. Đương nhiên khi các trường thực hiện cơ chế này thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt.

Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường buộc phải tăng học phí. Đại học Y-Dược TPHCM trong hoàn cảnh tương tự. Đại diện cho biết, từ tháng 1/2020, trường không nhận ngân sách Nhà nước nữa, để duy trì hoạt động đào tạo, trường bắt buộc phải tăng học phí.

“Khi trường tự chủ, được tăng học phí sẽ có những định hướng phát triển chất lượng hơn, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm để phục vụ đào tạo”, đại diện Đại học Y-Dược TP.HCM nói.

Để đảm bảo việc đào tạo có chất lượng, các trường nói buộc phải tăng học phí. Tuy nhiên, điều tất yếu này đang kéo theo nhiều nỗi lo của học sinh, phụ huynh. Tiêu chí chọn trường bây giờ không chỉ cần phù hợp với năng lực mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Ngoài Đại học Y Dược TP.HCM, khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM) tới đây các trường đại học trong khối ngành sức khoẻ trên cả nước sẽ bắt đầu chuyển đổi sang mô hình tự chủ đại học. Việc tăng học phí là không tránh khỏi nhưng câu hỏi đặt ra là chất lượng giảng dạy sẽ ra sao.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn