Điên cuồng dẫn link báo tiếng Mường gán vào chữ PGS Bùi Hiền: Phó TBT báo Hòa Bình thông tin chính thức

Giáo dụcThứ Sáu, 07/09/2018 07:28:00 +07:00

Phó tổng biên tập báo Hòa Bình cho biết, phiên bản tiếng Mường của báo được thể hiện bằng chữ viết tiếng Mường do các nhà nghiên cứu ngôn ngữ sáng tạo riêng cho người Mường, không liên quan đến cải tiến ngôn ngữ của PGS Bùi Hiền hay phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

Liên quan đến bộ chữ tiếng Mường trên phiên bản điện tử của báo Hòa Bình đang gây xôn xao dư luân, chiều 6/9, trả lời PV VTC News, ông Đỗ Ngọc Vinh – Phó tổng biên tập báo Hòa Bình cho biết, việc triển khai tiếng Mường trên báo được thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Vinh, Báo Hòa Bình triển khai phiên bản điện tử tiếng Mường từ tháng 6/2017, hiện nay phiên bản tiếng Mường vẫn đang trong trạng thái vừa hoạt động vừa xây dựng.

“Khoảng 90% tin bài trên phiên bản điện tử của báo Hòa Bình đều là từ báo giấy. Còn các tin bài trên bản tiếng Mường đều được chuyển từ phiên bản chính bằng tiếng Việt sang. Hiện nay phóng viên của báo chưa sản xuất tin bài trực tiếp bằng tiếng Mường”, ông Vinh cho hay.

Cũng theo ông Vinh, sau khi sản xuất tin bài trên phiên bản điện tử bằng tiếng Việt, báo chọn lọc những tin bài liên quan đến người Mường và chuyển những tin bài đó sang đội ngũ chuyên trách và nhờ chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Bùi Hy Vọng chuyển sang tiếng Mường.

tieng Muong

Giao diện trên phiên bản tiếng Mường điện tử của báo Hòa Bình. 

Báo Hòa Bình cũng đang cho triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị cũng như bộ gõ tiếng Mường và cho phóng viên tiếp cận với chữ tiếng Mường để có thể sản xuất trực tiếp.

Phó tổng biên tập báo Hòa Bình cho biết thêm, cùng với phiên bản tiếng Mường, báo còn có phiên bản tiếng Anh. Kể từ khi 2 phiên bản tiếng Mường và tiếng Anh ra mắt, lượng độc giả truy cập đã tăng lên gấp đôi so với trước đây.

Ông Vinh cho rằng, sự ra đời của bộ chữ riêng dành cho người Mường là thành quả của sự nghiên cứu, sáng tạo của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ với sự phối hợp của UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan.

“Báo Hòa Bình dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn đưa tiếng Mường lên phiên bản điện tử của báo. Việc này là một trong những biện pháp tốt để phổ biến tiếng Mường rộng rãi đến người dân”, ông Vinh cho biết.

XEM THÊM TOÀN BỘ BÀI LIÊN QUAN TẠI ĐÂY:

Ông Vinh cho rằng, do tìm hiểu không kỹ càng nên mới xảy ra sự nhầm lẫn tiếng Mường với các bộ ngôn ngữ khác. Trên giao diện điện tử của báo Hòa Bình đã ghi rất rõ, các phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Mường và truyền hình internet.

Bản tiếng Mường trên báo Hòa Bình là hoàn toàn khác và không liên quan gì đến cải tiến ngôn ngữ của PGS Bùi Hiền hay phương pháp thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại.

Phó tổng biên tập báo Hòa Bình cũng cho biết thêm, bộ chữ tiếng Mường sẽ được đưa vào giảng dạy ở một số trường có nhiều học sinh người Mường của tỉnh Hòa Bình.

IMAG3019

Trụ sở báo Hòa Bình.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Hy Vọng cho biết: "UBND tỉnh Hòa Bình kết hợp với Viện Ngôn ngữ học để làm bộ tiếng Mường trên cơ bộ chữ quốc ngữ. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi có các nghiên cứu, điều tra khoa học và thăm dò ý kiến của người dân. Gần 90% người Mường đều mong muốn có bộ chữ riêng".

"Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có quy định, các dân tộc có quyền bảo lưu ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Dân tộc nào chưa có chữ viết và muốn xây dựng chữ viết của riêng mình thì phải sử dụng ngôn ngữ quốc gia làm chuẩn, làm mốc để xây dựng bộ chữ cho riêng mình. Những người tham gia vào quá trình sáng tạo ngôn ngữ Mường đã tuân thủ quy định này" - ông Vọng nói.

Ông Vọng tiết lộ, rất nhiều nhà khoa học uy tín tham gia vào việc tạo nên bộ tiếng Mường. Trong đó có TS Nguyễn Văn Khang, thạc sĩ Phạm Văn Nam, những nhà khoa học trẻ của Viện ngôn ngữ học đã có những nghiên cứu rất nổi tiếng về ngôn ngữ. Không những thế, GS, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp cũng tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu bộ chữ này.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá, việc sáng tạo ra chữ viết cho người Mường có ý nghĩa rất quan trọng.

"Nếu không có bộ chữ này thì tương lai, ngôn ngữ và nền văn hóa Mường có nguy cơ biến mất", ông Vọng nói.

Ông Bùi Hy Vọng khẳng định, những link bài báo tiếng Mường trên báo Hòa Bình mà cộng động mạng chia sẻ gần đây không liên quan gì tới cải tiến ngôn ngữ cảu PGS Bùi Hiền hay phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

Ông Vọng cũng chia sẻ sự thất vọng trước phản ứng của công chúng trước những bài báo sử dụng ngôn ngữ Mường.

"Nhiều người chưa tìm hiểu kỹ vàng đã vội vàng ném đá, quy chụp. Trong bất cứ xã hội nào, việc phản biện có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi đưa ra ý kiến nào đó, chúng ta phải tìm hiểu kỹ vấn đề, đừng vội đánh giá, chê bai, chỉ trích. Chúng ta khuyến khích công chúng bày tỏ ý kiến nhưng hãy thể hiện nó một cách văn minh" - ông Bùi Hy Vọng nói.

Xuân Trường - Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn