Điểm yếu ‘chết người’ của giáo dục khiến 20 năm sau thanh niên Việt vẫn kém cỏi

Giáo dụcThứ Ba, 18/10/2016 07:59:00 +07:00

Nếu không thay đổi cách giáo dục trẻ em từ bây giờ, 20 năm nữa con cháu người Việt đi ra thế giới vẫn thua kém so với bạn bè các nước.

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn loay hoay thay đổi đề thi, sách giáo khoa, bộ môn thi nhưng vẫn không làm thay đổi những vấn đề lớn nhất của giáo dục hiện nay.

Muốn nhìn vào những bất cập của giáo dục, hãy nhìn vào sản phẩm của giáo dục Việt Nam hiện nay. Đó chính là những lớp thanh niên của Việt Nam.

hoc sinh thpt hong ha

 Học sinh trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) tham gia hội thảo học sinh Đông Nam Á về kỹ năng lãnh đạo tại Singapore

Đâu đó trong xã hội chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh người Việt Nam không biết xếp hàng khi mua đồ, không biết nhường đường khi vào thang máy , không biết giữ trật tự khi tham gia những phương tiện giao thông công cộng, thường xuyên vứt rác bừa bãi...

Chúng ta kém xa so với người Nhật, người châu Âu, người Mỹ về ý thức chung khi tham gia những hoạt động công cộng. Lý do tại sao vậy?

Nếu chúng ta không thay đổi cách giáo dục trẻ em từ bây giờ, thì  20 năm nữa con cháu chúng ta đi ra thế giới vẫn cảm thấy thua kém so với bạn bè các nước về ý thức, về văn hóa, vẫn không thể thấy tự hào về phong cách văn minh của người Việt.

Vậy quan trọng là chúng ta thay đổi cách giáo dục trẻ như thế nào? Thay vì quá coi trọng học sinh giỏi, giải Violympic, hay giải học sinh giỏi thành phố…

 Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần coi trọng đúng mức đến việc giáo dục cách cư xử có văn hóa từ trong nhà trường, tại gia đình và trong cộng đồng xã hội.

Thay vì quá bao bọc các con, phục vụ con từ A đến Z, các phụ huynh hãy để cho con tự làm mọi việc trong cuộc sống và thường xuyên luyện tập để có những kỹ năng sống cần thiết.

Trong công việc, chúng ta làm việc không hiệu quả bằng người Nhật, người Đức. Chúng ta bắt đầu có thể làm việc thật sự là ở tuổi 25, 27, trong khi ở các nước khác những người trẻ bắt đầu có thể làm việc hiệu quả ở tuổi 18, 20.

hoc sinh tieu hoc nguyen khuyen

 Ảnh học sinh trường tiểu học Nguyễn Khuyến (Hà Nội) giao lưu chủ đề “Thực hành với Robocon” với học sinh trường Assumption Pathway Singapore

Vì lý do gì học sinh của chúng ta suốt ngày vùi đầu vào học tập ở trường, học thêm, luyện thi, thậm chí thức đêm học tập mà vẫn lãng phí bao nhiêu năm tuổi trẻ như vậy trước khi bắt đầu thực sự tham gia vào thế giới việc làm?

Có lẽ bởi vì chúng ta đã học quá nhiều những kiến thức không thật sự cần thiết, không được dùng đến trong tương lai thay vì học những thứ thật sự thiết thực cho cuộc sống sau này.

Trong khi những hoạt động như hoạt động hướng nghiệp, tham quan thực tế các doanh nghiệp, nhà máy, các hoạt động giao lưu trao đổi giữa học sinh các trường để tăng cường kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, hòa nhập đang được các nền giáo dục nổi tiếng như ở Singapore, Nhật Bản, Đức rất coi trọng thì chúng ta dường như vẫn coi nhẹ vấn đề này.

Thay vào đó là lượng kiến thức ngày càng nặng hơn trong các sách giáo khoa, với lượng bài tập ngày càng nhiều, để cả phụ huynh và học sinh cùng chạy đua ráo riết trong cuộc chiến giành các giải thưởng, các suất vào các trường được gọi là trường điểm, trường chuyên.

Nhưng rốt cuộc  bỏ ra bao nhiêu công sức như vậy, học sinh của chúng ta sau này có làm việc hiệu quả bằng thanh niên các nước khác, có thành công bằng người Đức, Singapore?

Video: Nam sinh chui đầu vào áo nữ sinh tại trường khiến phụ huynh hốt hoảng

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần giảm bớt gánh nặng kiến thức trong các môn học ở trường, thay vào đó nên chú trọng hơn đến những hoạt động hướng nghiệp, những hoạt động giao lưu phát triển những kỹ năng quan trọng đối với thế hệ trẻ.

Nhưng trước hết muốn có sự thay đổi này thì  cần phải thay đổi từ quan niệm của toàn bộ phụ huynh học sinh trong xã hội. Khi những nhu cầu về giáo dục của phụ huynh thay đổi thì tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi tiếp theo trong trường học, chương trình, giáo trình học và toàn bộ các chủ trương của bộ giáo dục và đào tạo.

Một khi các phụ huynh và giáo viên vẫn không thay đổi quan niệm điều gì là cần và quan trọng trong giáo dục con em mình, thì dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có bao nhiêu chủ trương cải tiến cũng không thay đổi được gì.

Bởi vậy, trước hết muốn thay đổi nền giáo dục, chúng ta cần có lộ trình và cần thực hiện đồng bộ các cấp từ cấp Bộ, Sở, trường học.

Trong lộ trình đó, việc thay đổi nhận thức của đại đa số phụ huynh và giáo viên về giáo dục hiện đại mới là điều đầu tiên cần được thực hiện.

Trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay, ngày càng có nhiều phụ huynh và giáo viên có điều kiện tiếp cận với giáo dục thế giới hơn sẽ khiến cho giáo dục của nước ta dần dần thay đổi và phát triển đến gần với tiêu chuẩn của giáo dục thế giới.

* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả - một giáo viên lâu năm, một nhà quản lý giáo dục tại Hà Nội.

Phương Liên
Bình luận
vtcnews.vn