Điểm tin quốc tế tuần qua: Mỗi ngày 1 sự kiện

Thế giớiThứ Hai, 22/08/2011 08:31:00 +07:00

(VTC News) - Tiếp tục là một tuần ồn ào với những diễn biến bất ngờ từ chiến trường, những cuộc khẩu chiến cũng như nhiều động thái mới của các chính trị gia.

(VTC News) - Tiếp tục là một tuần ồn ào với những diễn biến bất ngờ từ chiến trường, những cuộc khẩu chiến cũng như nhiều động thái mới của các chính trị gia từ Đông sang Tây.

1. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tới thăm Trung Quốc

Sự kiện đặc biệt thu hút báo giới và dư luận tuần qua là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Bắc Kinh trong chuỗi công du lần đầu 3 nước Trung Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản, như một phần nỗ lực của chính quyền Obama trong chiến lược đổi mới và tăng cường vai trò của Mỹ ở châu Á. Trong 5 ngày ở Trung Quốc, ông Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo nước này về tất cả các vấn đề nổi trội trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Hôm qua (21/8), phát biểu tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), Phó Tổng thống Mỹ khẳng định, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ không bao giờ bị vỡ nợ và Mỹ vẫn là điểm đầu tư tốt nhất, dù mức tín nhiệm đã bị đánh tụt từ AAA xuống AA+. Đây được coi là động thái nhằm xoa dịu mối lo ngại cho chủ nợ lớn nhất của Mỹ trước những vấn đề tài chính của Washington thời gian qua.

 

Ông Biden cũng kêu gọi sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh trong việc giải quyết "mối đe dọa" từ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên và Iran.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, trong chuyến thăm lần này, Trung Quốc và Mỹ đã ký nhiều thỏa thuận với tổng giá trị lên tới gần 1 tỷ USD.

Ông Biden dự kiến rời Thành Đô ngày 22/8 để tiếp tục thăm Mông Cổ và Nhật Bản.

Trước đó, theo tuần san Defense News của Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ tuần trước đã cử phái viên đến Đài Loan để đưa ra thông báo về quyết định từ chối đề nghị mua 66 chiến đấu cơ F-16C/D tối tân, ước tính trị giá khoảng 5.5 tỉ USD của chính quyền Mã Anh Cửu, thay vào đó là đề xuất giúp Đài Bắc nâng cấp các máy bay F-16 A/B hiện có. Nếu thông tin này được xác thực, đây có thể coi là một động thái của Washington nhằm xoa dịu Bắc Kinh, đồng thời thể hiện rõ cán cân lợi ích của Mỹ trong mối quan hệ tam giác Mỹ - Đài - Trung.

 

Ở những diễn biến bên lề, hôm 18/8, trận đấu giao hữu giữa một câu lạc bộ bóng rổ Trung Quốc và đội tới từ một trường đại học ở Mỹ đã trở thành cuộc ẩu đả lớn tại Bắc Kinh. Ông Biden không có mặt ở trận đấu giao hữu này, tuy nhiên, trước đó một ngày, ông đã cùng tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Trương Nghiệp Toại đến xem trận đấu giao hữu giữa Georgetown với một câu lạc bộ khác ở Trung Quốc.

Trong khi đó, chỉ trong mấy ngày qua, giới trẻ Trung Quốc đã hai lần "phát cuồng" vì chính khách Mỹ; đầu tiên là hình ảnh bình dị của tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke vai đeo ba lô, xếp hàng mua cà phê, tiếp đó là những bức ảnh Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến ăn mì ở một tiệm ăn nhỏ Bắc Kinh và thân thiện chụp ảnh với thực khách, nhân viên nhà hàng. Tiệm ăn trên đã "vớ bở" khi hàng ngàn người xếp hàng chỉ để nếm thử món mì mà Phó Tổng thống Mỹ đã ăn.

2. Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il bí mật sang Nga

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng như giới chức ngành đường sắt và an ninh Nga cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il sáng 20/8 đã đến Nga trên một đoàn tàu đặc biệt.

 

Theo tiết lộ của quan chức Nga, ngày 22/8, ông Kim Jong-il sẽ gặp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại thành phố Ulan-Ude nằm trên tuyến đường sắt xuyên Siberia, gần hồ Baikal. Nhật báo Izvestia của Nga cho biết, hai nhà lãnh đạo dự kiến tập trung thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, tờ Yonhap của Hàn Quốc lại dẫn một số nguồn tin cho rằng các vấn đề kinh tế mới là nội dung trao đổi chính của cuộc hội kiến.

Thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong-il có thể sẽ sớm đi thăm vùng Viễn Đông của Nga đã xuất hiện trong mấy tháng gần đây. Theo giới truyền thông Nga, Thủ tướng Vladimir Putin dự kiến thăm khu vực này vào tháng tới để dự lễ động thổ đặt đường ống dẫn khí đốt nối vùng Sakhalin với Valdivostok.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Kim Sung-hwan tại Mátxcơva hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng hé mở về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên được mời thăm Nga từ lâu, nhưng chương trình cần phải được thu xếp.

 

Lần thăm Nga gần đây nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il diễn ra hồi tháng 8/2002. Mới đây, hồi cuối tháng 5/2011, Chủ tịch Kim Jong-il cũng đã có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào để thảo luận xoay quanh việc nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa 2 nước.

3. Chiến sự Libya bất ngờ được đẩy đến cao trào

Sáng sớm 21/8, phiến quân tại Libya đã mở một cuộc tấn công dữ dội vào thủ đô Tripoli, giữa lúc có những tin đồn về việc nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã bỏ trốn.
Phiến quân cho hay, họ đã phối hợp với NATO và phiến quân đã nổi dậy ngay bên trong thủ đô mở cuộc tấn công Tripoli và nắm quyền kiểm soát một số cơ sở dân sự.

 

Sau khi bị quân chính phủ phản công dữ dội và đẩy lui, phe nổi dậy Libya lại cho biết, vào sáng sớm 22/8 theo giờ Tripoli, lực lượng của họ đã thâm nhập vào thủ đô Tripoli thông qua đường biển theo một chiến dịch bí mật được thực hiện bắt đầu từ phía tây của Misrata – thành phố lớn thứ 3 ở Libya. Nếu đây đúng là sự thực thì phiến quân đang vây chặt Tripoli và hồi kết cho cuộc chiến dai dẳng này sẽ đúng như dự đoán, hoặc ông Gaddafi sẽ bị bắn chết ngay tại trận hoặc sẽ có một chuyến bay chở nhà lãnh đạo lâu năm này đi tị nạn trước khi phiến quân ăn mừng chiến thắng tuyệt đối.

Tuy nhiên, trên kênh truyền hình nhà nước Libya, cậu con trai cả Saif al-Islam của Tổng thống Gaddafi hùng hồn tuyên bố: “Cuộc nổi dậy ở Libya sẽ không thành công. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy chúng tôi đầu hàng và giương lá cờ trắng. Đó là điều không thể. Đây là đất nước của chúng tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ rời khỏi đây”.

 

Nhà phân tích Phyllis Bennis thuộc Học viện Nghiên cứu chính sách tại Washington cho biết: "Còn quá sớm để nói cuộc chiến đã đến hồi kết. Chúng ta đã từng chứng kiến cuộc chiến này có những bước tiến triển đáng kể ở tất cả mọi mặt, nhưng rồi chẳng đi đến đâu cả.
Và tôi nghĩ, trong khi lực lượng phiến quân nổi dậy đạt được những thành tựu đáng kể trong vài ngày qua thì chính quyền của ông Gaddafi ở Tripoli rồi cũng sẽ đưa ra những đòn đáp trả có cường độ khác nhau trong thời gian tới; bởi có một điều dễ nhận thấy đó là tại Tripoli, chính quyền của ông rất được lòng dân chúng".

Ở một diễn biến khác liên quan tới một quốc gia láng giềng, Mỹ và nhiều nước châu Âu vừa đồng loạt yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức để kết thúc cuộc chiến đẫm máu tại đất nước này; đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Syria. Liên Hợp Quốc cũng cho biết, việc đàn áp đẫm máu dân thường có thể cấu thành tội ác chống lại loài người, yêu cầu Hội đồng Bảo an nên tham vấn vấn đề này với Tòa án Hình sự Quốc tế.

4. Trung Quốc lần đầu phóng vệ tinh thất bại trong vòng 15 năm qua

Vệ tinh ShiJian 11-04 được phóng bởi tên lửa Trường Chinh II-C từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Trung Quốc hôm 18/8 đã không thể đến được quỹ đạo do tên lửa gặp sự cố. Đây là lần đầu tiên Trường Chinh II-C thất bại sau 35 lần phóng thành công và là lần thứ hai Trung Quốc thất bại trong một cuộc phóng vệ tinh kể từ tháng 2/1996.

 

Cục hàng không vũ trụ (NASA) nhận định, Trung Quốc dường như quá vội vàng trong việc xây dựng giàn phóng vệ tinh vào quỹ đạo, đặc biệt là đối với tên lửa Trường Chinh-2. Thậm chí, tại diễn đàn của NASA, có người cho rằng, hệ thống phóng tên lửa của Trung Quốc sớm muộn cũng xảy ra sự cố.

Giới chuyên gia vũ trụ Trung Quốc lại cho rằng, nguyên nhân phóng thất bại vệ tinh lần này không phải do tên lửa. Một chuyên gia vũ trụ giấu tên nói với phóng viên báo Hoàn Cầu, tỷ lệ phóng thành công tên lửa của Trung Quốc cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, cho nên việc phóng thất bại lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nước này.

Trước đó, hôm 15/8, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa Trường Chinh-4B, lần đầu tiên đưa vệ tinh thăm dò môi trường Hải Dương-2 vào quỹ đạo.

5. Sóng gió quanh bản báo cáo thường niên của Mỹ về tình hình khủng bố

Hôm 20/8, Bộ Ngoại giao Cuba đã chính thức lên tiếng phản đối bản báo cáo thường niên của Mỹ về tình hình khủng bố thế giới được công bố hôm 18/8; đồng thời tố cáo Washington dung túng chủ nghĩa khủng bố.
Trong thông điệp của mình, Bộ Ngoại giao Cuba cực lực lên án việc Mỹ liệt Cuba vào danh sách các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cáo buộc, mục đích duy nhất của Mỹ khi liệt đảo quốc này vào "danh sách đen" là nhằm hạ thấp uy tín của Cuba và tiếp tục biện minh cho cuộc bao vây cấm vận "tàn bạo, phi nghĩa" chống Cuba suốt hơn nửa thế kỉ qua.

Song song với yêu cầu trừng trị những kẻ khủng bố thực sự vẫn đang nhởn nhơ trên đất Mỹ, phía Cuba yêu cầu chính quyền Mỹ ngay lập tức trả tự do cho 5 chiến sĩ chống khủng bố Cuba đang bị giam giữ tại Mỹ; cũng như chấm dứt chính sách thù địch và bao vây cấm vận chống Cuba.

 

Cùng ngày, một quốc gia Nam Mỹ khác là Venezuela cũng đưa ra thông cáo phản đối mạnh mẽ những cáo buộc nhằm vào nước này của Mỹ trong bản báo cáo, đồng thời nhấn mạnh, đây là bằng chứng mới về chính sách can thiệp thô bạo của Washington vào một quốc gia có chủ quyền.

Ngoài Cuba, có 3 quốc gia nữa chịu chung số phận nằm trong "danh sách đen" của Mỹ là Iran, Syria và Sudan. Trong khi đó, một quốc gia khác đối đầu thường xuyên với Mỹ và đồng minh là CHDCND Triều Tiên đã được đưa ra khỏi danh sách này từ 3 năm nay, đồng thời lần đầu tiên không hề được nhắc đến trong bản báo cáo.

6. Tranh cãi quanh nghi án Pakistan "bật đèn xanh" cho Trung Quốc đánh cắp công nghệ tàng hình Mỹ

Hôm 16/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin nước này trộm công nghệ trực thăng tàng hình Mỹ từ chiếc máy bay rơi tại Pakistan trong vụ tiêu diệt Bin Laden hồi tháng 5 vừa qua và khẳng định, thông tin trên "hoàn toàn không có cơ sở và quá sức hoang đường".

 

Trước đó, báo chí thế giới xôn xao với thông tin giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc câu kết với Pakistan đánh cắp công nghệ máy bay tàng hình từ chiếc trực thăng bị rơi trong vụ tiêu diệt Bin Laden hôm 2/5 vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ chưa có bằng chứng chính xác khẳng định vấn đề này. Phía Pakistan cũng đã đối chất với Mỹ và phủ nhận việc họ cho phép nước khác thăm dò công nghệ chế tạo máy bay tàng hình của Mỹ - điều được coi là góp phần gây căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Pakistan - Mỹ sau vụ tiêu diệt Bin Laden hồi tháng 5.
Theo New York Times, Pakistan có quan hệ chặt chẽ về quân sự với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngoài các ý kiến cắt giảm viện trợ quân sự cho Pakistan trong Quốc hội Mỹ, vẫn có những quan chức Mỹ muốn làm giảm căng thẳng; bởi lúc này đây, đối với Mỹ, việc phá vỡ liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân như Pakistan là vô cùng nguy hiểm.

 

Trong một "nghi án" đạo mẫu máy bay tàng hình khác, các chuyên gia cho hay, J20 - máy bay thế hệ thứ 5 của Trung Quốc có chuyến bay đầu tiên vào tháng 1 vừa qua trong chuyến thăm của Thư ký Bộ quốc phòng Mỹ, có thể có nguồn gốc từ chiếc máy bay phản lực tàng hình chưa từng được đưa vào sản xuất Mikoyan 1.44 của Nga.

Các nhà phân tích nhận định, sự giúp đỡ của Nga đối với Trung Quốc trong việc chuyển giao công nghệ máy bay tàng hình có thể sẽ giúp Moscow kiểm soát được khả năng quốc phòng ngày càng mạnh của các cường quốc láng giềng ở phương Đông.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ là nước duy nhất có chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 đã được đưa vào sử dụng.

7. Bắc Triều Tiên đe dọa chiến tranh để phản ứng cuộc tập trận Mỹ - Hàn

Bắc Triều Tiên đã đưa ra lời cảnh báo đầy đe dọa về việc sẽ xảy ra chiến tranh sau khi Mỹ và Hàn Quốc mở một đợt tập trận quân sự chung bắt đầu vào sáng 16/8 với quy mô lớn, được Bình Nhưỡng xem như một hành động khiêu chiến.

 

Trong khi hai nước đồng minh Mỹ - Hàn mô tả cuộc tập trận chung kéo dài trong vòng 10 ngày với tên gọi Ulchi Freedom Guardian (Người bảo vệ tự do Ulchi) của họ chỉ mang tính chất phòng thủ và diễn ra thường niên thì Bắc Triều Tiên lại cho rằng đây là một sự chuẩn bị cho cuộc xâm lược đất nước này và họ cũng đã mở các cuộc tập trận riêng tại quốc gia mình.

Tất cả các đơn vị lớn của Bộ Chỉ huy Quân sự chung giữa Mỹ - Hàn (CFC) đều tham gia vào sự kiện này. Theo dự tính, trong đó bao gồm khoảng hơn 530.000 binh sĩ, 3.000 nhân viên quân sự tới từ Mỹ và các căn cứ khác quanh khu vực Thái Bình Dương.

Bắc Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang muốn gây một điểm nóng chiến tranh mới tại đây sau thất bại trong các cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan và Iraq với hi vọng tự giải thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng tội tệ của Mỹ.

Bình luận
vtcnews.vn