Điểm mặt các ‘ông lớn’ lãi nghìn tỷ trong quý 3

Kinh tếThứ Ba, 23/10/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều "ông lớn" đạt được khoản lợi nhuận khủng lên tới nghìn tỷ đồng chỉ trong quý 3 năm nay

(VTC News) - Mặc dù nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều ông lớn như VNM, DPM, CTG đều đạt được khoản lợi nhuận khủng lên tới nghìn tỷ đồng chỉ trong quý 3 năm nay.

Ngành thiết yếu lãi khủng

Sau 5 năm khủng hoảng, bất động sản và vận tải biển là hai trong số các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên nhà đầu tư không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp ngành này điêu đứng với các khoản nợ và lỗ cao ngất.

Bên cạnh đó, vẫn còn có những điểm sáng, trong đó đáng kể nhất là ngành hàng thiết yếu. Trong ngành tiêu dùng, không thể không nhắc tới gương mặt dẫn đầu Vinamilk.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán VNM) luôn là một trong các tên được nhắc tới đầu tiên trong danh sách “lợi nhuận khủng”. Trong quý 3/2012, công ty mẹ VNM lãi  hơn 1.390 tỷ đồng tăng 34%, luỹ kế 9 tháng đạt 4.145,88 tỷ đồng, tăng 32,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh cả ngành sữa Vinamilk đạt 6.689 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16,21% so với cùng kỳ.  Tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý 3 còn 541 tỷ đồng, giảm mạnh so với 3.101 tỷ đồng số dư đầu năm.

GAS cũng là ngành không gặp quá nhiều khó khăn như bất động sản hay vận tải biển nên nhà đầu tư cũng không ngạc nhiên khi Tổng Công ty Khí Việt Nam- Công ty cổ phần (Mã chứng khoán GAS) công bố khoản lợi nhuận sau thuế quý 3/2012 đạt 2.762,57 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 7.316 tỷ đồng.

GAS là doanh nghiệp có số dư tiền nhiều doanh nghiệp mơ ước. Tính tại thời điểm kết thúc quý 3, GAS có dư tiền và tương đương tiền 10.462 tỷ đồng, tăng 2.150 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Vinamilk, một trong những cái tên trong danh sách lãi khủng 
Ngân hàng cũng hái ra tiền

Mặc dù lợi nhuận ngành ngân hàng không được các chuyên gia đánh giá cao như các năm trước đây nhưng hai “ông lớn” của ngành này là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Mã chứng khoán CTG) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Mã chứng khoán VCB) đều công bố khoản lợi nhuận “khủng”.

Chỉ tính riêng quý 3/2012, CTG lãi hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 73%, lũy kế 9 tháng đầu năm, CTG lãi 4.566 tỷ đồng, tăng 10,61% so với 9 tháng năm 2011.

Riêng quý 3, mảng thu nhập lãi thuần giảm 13,45% còn 4.566 tỷ đồng. Mảng hoạt động dịch vụ mang lại 264,13 tỷ đồng lãi thuần, tăng mạnh so với cùng kỳ. CTG lỗ thuần 6,54 tỷ đồng từ hoạt động mua, bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ lỗ thuần 76 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến lãi quý 3 tăng trưởng tới 73% so với cùng kỳ, đạt 2.414 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của VCB chậm hơn một chút. Trong quý 3/2012, lợi nhuận trước thuế của VCB vẫn tăng 6% so với quý 3/2011, đạt 1.436 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lãi hơn 4.200 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý chính là trong khi CTG lỗ ở khoản mua bán chứng khoán thì VCB lại đạt lợi nhuận 100 tỷ đồng từ khoản này.

“Ông lớn” FPT, PVD, DPM lãi nghìn tỷ trong 9 tháng

Dù lợi nhuận quý 3 của Công ty cổ phần phân bón và hóa chất dầu khí (Mã chứng khoán DPM), Tập đoàn FPT (Mã chứng khoán FPT) và Công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí (Mã chứng khoán PVD) chưa ấn tượng như VNM, VCB hay CTG nhưng 3 “ông lớn” này cũng kịp ghi tên vào danh sách các doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, FPT mới công bố kết thúc 9 tháng năm 2012, lợi nhuận trước thuế Tập đoàn đạt 1.755 tỷ đồng đạt 69% kế hoạch cả năm doanh thu đạt 17.616 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 1.091 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 4.023 đồng.

Theo FPT, trong bối cảnh thị trường khó khăn, để có kết quả kinh doanh trên là nhờ vào việc công ty đã tập trung đẩy mạnh các mảng dịch vụ vũng như mở rộng hoạt động xuất khẩu phần mềm ra thị trường quốc tế. Trong 9 tháng, doanh thu từ các mảng dịch vụ viễn thông, dịch vụ online, dịch vụ tin học… có mức tăng trưởng trên 26%, trong đó doanh thu từ hoạt động xuất khẩu phần mềm tăng trưởng trên 31%.

Trong khi đó, DPM cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng ước đạt 2.610 tỷ đồng. Trong 9 tháng công ty đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

PVD cũng công bố doanh thu hợp nhất 9 tháng của công ty ước đạt 8.000 tỷ đồng, lãi ròng gần 1.100 tỷ đồng, tức xấp xỉ 97% kế hoạch cả năm. Với kết quả trên, PVD dự kiến sẽ hoàn thành 1.150 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận cả năm ngay trong tháng 10.

Hiện tại, nhà đầu tư kỳ vọng các “ông lớn” khác trên sàn chứng khoán sẽ sớm công bố kết quả kinh doanh khả quan. Đó là những cái tên quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng Á Châu (ACB), Tập đoàn Vincom, Tập đoàn Masan,…

Hạ Lan

Bình luận
vtcnews.vn