Điểm danh sinh viên qua dấu vân tay

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 28/11/2010 11:58:00 +07:00

Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) vừa đầu tư trên 300 triệu đồng cho thiết bị quản lý qua dấu vân tay.

Để quản lý giờ giấc làm việc của cán bộ cũng như sự có mặt của sinh viên trên giảng đường, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) vừa đầu tư trên 300 triệu đồng cho thiết bị quản lý qua dấu vân tay.

Theo đó, ĐH Võ Trường Toản bố trí tổng cộng 15 máy thực hiện việc quản lý cán bộ và SV qua dấu vân tay.  

Trong đó, 14 máy được bố trí tại các góc cầu thang lên tầng học và một số phòng học để quản lý hơn 3.000 SV. Các sinh viên (SV) khi bước vào phòng học đều đến trước các máy vi tính này để đăng ký “sự có mặt” trong lớp.

Khi SV quét dấu vân tay, máy sẽ hiện lên một số thông tin cá nhân của SV và lưu giữ ngày giờ SV đến lớp. Trong trường hợp, buổi đó, SV không có giờ học nhưng nếu SV “cố ý” quét thì máy cũng sẽ báo là SV đó không có giờ học.

Máy quét dấu vân tay được đặt nhiều nơi trước các phòng học của sinh viên.
 
Các sinh viên đến lớp đều phải quét dấu vân tay để ghi danh.

Cô Hồ Nhật Mai Trâm - trưởng phòng Đào tạo, ĐH Võ Trường Toản cho biết, trường đào tạo SV theo niên chế. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hình thức đào tạo này quy định SV không được vắng quá 20% số tiết của một môn học, nếu vắng quá quy định sẽ cấm thi. Trước đây, việc điểm danh SV chỉ do lớp trưởng mỗi lớp điểm danh bằng danh sách; việc này mất thời gian, công sức của SV.

Chính vì thế, nhà trường đưa hệ thống quản lý qua dấu vân tay vào một phần làm “nhẹ” đi công việc điểm danh; mặt khác nhà trường muốn thực hiện dần công nghệ thông tin hóa quản lý chung của trường.

Trong khi đó, 1 máy được đặt tại Phòng Tổ chức - Hành chính để quản lý 100 cán bộ, giảng viên của trường. Cô Mai Trâm cho biết, tất cả cán bộ, giảng viên khi đến và về đều phải quét dấu vân tay qua máy để chấm công. Sau mỗi tháng, Phòng Tổ chức- Hành chính sẽ tổng hợp trên máy để tính ngày công quy ra lương.

Theo cô Mai Trâm, thời gian đầu SV còn bỡ ngỡ và chưa biết cách sử dụng đặt dấu vân tay cho hợp lý nên nhà trường cũng đã cho thực nghiệm 1 tháng. Qua thực nghiệm, nhà trường nhận thấy việc thực hiện của SV rất tốt và hệ thống cũng hoạt động rất suôn sẻ.

SV Thái Chí Nguyện, lớp cao đẳng Tài chính ngân hàng khóa 3, nói: “Em thấy hệ thống này rất tiện lợi cho việc điểm danh. Nhiều bạn muốn trốn tiết cũng khó, việc này cũng nhằm giúp các bạn đi vào nề nếp hơn trong học tập của mình”.

Cô Hồ Nhật Mai Trâm cho biết thêm, đây mới chỉ là giai đoạn 1; còn giai đoạn 2, nhà trường sẽ thêm các phần mềm quản lý khác như thời khóa biểu cho SV, thông tin học phí… Tất cả sẽ được số hóa chứ không cần quản lý nhiều qua giấy tờ, văn bản.

Theo Dân Trí

Bình luận
vtcnews.vn