Điểm chuẩn tăng ngoài dự đoán, nhiều thí sinh 'trắng tay'

Tuyển sinhThứ Tư, 07/10/2020 11:36:00 +07:00
(VTC News) -

Năm nay, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết quả thi THPT của nhiều trường tăng từ 1 đến 7 điểm khiến thí sinh không kịp trở tay, "khóc ròng" vì trượt.

Cầm Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, Nguyễn Công Nam (Phú Thọ) buồn bã. Em thiếu gần 3 điểm để đỗ Đại học Kinh tế quốc dân.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nam đạt 24,25 điểm khối A00, đăng ký cùng lúc 9 nguyện vọng vào ngành Logistic và ngành Tài chính - Ngân hàng ở các trường Kinh tế quốc dân, Giao thông vận tải, Ngoại Thương, Bách khoa, Ngân hàng, Tài chính.

Điểm chuẩn tăng mạnh khiến những tính toán ban đầu của em bị “phá sản”. Nam không ngờ rằng điểm chuẩn hai ngành học đó năm nay lại tăng cao từ 3 đến 4 điểm ngoài sức tưởng tượng như vậy. 

Trượt nguyện vọng 1, Nam lo lắng khi các trường đại học tốp đầu đã tuyển đủ và không còn suất cho những thí sinh có mong muốn vào học theo nguyện vọng bổ sung. Như mọi năm, chỉ có những ngành không "hot” mới xét tuyển bổ sung.

Nam sinh nóng lòng đợi các trường công bố xét tuyển bổ sung đợt 2 để cân nhắc đưa ra lựa chọn phù hợp. Cậu cũng hy vọng một số ngành học hot vẫn sẽ có chỉ tiêu tuyển sinh trong đợt tới đây.

Điểm chuẩn tăng ngoài dự đoán, nhiều thí sinh 'trắng tay' - 1

(Ảnh minh hoạ: H.C)

Tương tự, Lê Thị Mai Hoa (Thái Bình) đạt 25,25 điểm khối C00, không đủ điểm đỗ vào ngành Luật, Báo chí học và Đông phương học.

Hoa đăng ký xét 10 nguyện vọng theo nguyên tắc 3 trên - 3 bằng - 3 dưới. Cụ thể, Hoa đăng ký xét tuyển 3 ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm thi của bản thân, 3 ngành có điểm chuẩn bằng điểm thi và 3 ngành có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi.

Tính toán kỹ lưỡng như vậy nhưng Mai Hoa "trở tay không kịp" khi các ngành đăng ký đều tăng vọt từ 2 đến 4 điểm. Điển hình như ngành Luật - Đại học Luật Hà Nội tăng gần 3 điểm, ngành Luật - Đại học Kiểm sát tăng 5 điểm, ngành Báo chí học - Đại Khoa học Xã hội và Nhân văn tăng 3 điểm.

"Em trắng tay ở cả 10 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Em hối hận, tự trách bản thân không đăng ký nhiều nguyện vọng hơn", nữ sinh chia sẻ.

Không chỉ Hoa, Nam mà rất nhiều thí sinh cũng trượt nguyện vọng 1 do chủ quan chưa tính toán kỹ các nguyện vọng và điểm chuẩn các trường cũng tăng quá cao bất ngờ.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, điểm chuẩn năm nay tăng cao, thậm chí có ngành điểm cao ngoài dự đoán ban đầu, có nguyên nhân do đề thi tốt nghiệp THPT không quá khó, phổ điểm thi vào các khối xét tuyển cao dẫn đến điểm xét tuyển đại học tăng theo. Những ngành có điểm chuẩn cao đều là những ngành “hot”, thí sinh đổ xô vào đăng ký.

Bên cạnh đó, do các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển (xét tuyển kết hợp, xét học bạ, xét tuyển thẳng...) và dành 40 – 50% chỉ tiêu cho các phương thức này nên số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm gần 1 nửa so với mọi năm.

Điều đó khiến điểm chuẩn một số ngành học tăng cao, gây sốc. Như Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn các mã ngành đều tăng vọt, nhiều ngành điểm ở mức 28 – 29 điểm, ngành Khoa học máy tính lấy điểm cao nhất là 29,04.

Ngành Y Đa khoa - Đại học Y Hà Nội là 28,9 điểm. Nhiều ngành học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khối C cao kỷ lục như: Hàn Quốc học lên tới 30 điểm; Đông Phương học là 29,75 điểm; ngành Quốc tế học 28,75 điểm; Báo chí 28,5 điểm; Khoa học Quản lý 28,5 điểm...

Ngành Luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất 29 điểm với tổ hợp xét tuyển C00. Tương tự, khối C00 Đại học Kiểm sát Hà Nội lấy cao nhất 29,67 điểm- đây cũng là mức điểm kỷ lục của nhà trường trong 3 năm qua.

Điểm chuẩn tăng ngoài dự đoán, nhiều thí sinh 'trắng tay' - 2

(Ảnh minh hoạ: H.C)

Xét bổ sung, điểm chuẩn không thấp hơn đợt 1

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 10/10 (theo dấu bưu điện).

Sau khi hoàn tất xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10/10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho biết, để xét tuyển bổ sung, các trường phải công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển,…, và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các trường cần đảm bảo thời gian công bố thông tin đủ để thí sinh tiếp nhận thông tin, ra quyết định và nộp hồ sơ. Bộ GD&ĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn