Dịch bạch hầu lan rộng: Tiêm vaccine có phải biện pháp duy nhất phòng ngừa bệnh?

Tư vấnThứ Tư, 08/07/2020 18:00:26 +07:00
(VTC News) -

Đến nay, tiêm vaccine đầy đủ, đúng độ tuổi chính là biện pháp duy nhất giúp phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Dịch bạch hầu đã lan ra 5 tỉnh/thành phố với 63 ca mắc và 3 người chết. Trong đó dịch tập trung tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai.

Đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Ba trường hợp qua đời ở Đắk Nông và Gia Lai đều ở vùng sâu, vùng xa.

Theo các chuyên gia, tuy bạch hầu hiện có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ chết người cao. Cách duy nhất để phòng ngừa bạch hầu hiện nay chính là tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch, đúng độ tuổi.

Dịch bạch hầu lan rộng: Tiêm vaccine có phải biện pháp duy nhất phòng ngừa bệnh? - 1

Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu. 

Tại Việt Nam, người dân có thể cho con tiêm vaccine phòng bệnh tại Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hai loại vaccine có thể kể đến là ComBe Five (vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phôi do HIB, viêm gan B) và DPT (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà). Các loại vaccine này được tiêm cho tất cả các trẻ trong đội tuổi từ 2-18 tháng.

Ngoài Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cha mẹ có thể tham khảo Tiêm chủng dịch vụ với các loại vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” (vaccine phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan B và uốn ván).

Các mũi tiêm quan trọng bắt đầu từ khi trẻ được 2 tháng tuổi (mũi 1), 3 tháng (mũi 2), 4 tháng (mũi 3) và tiêm nhắc lại sau 18 tháng. Người trưởng thành cần tiêm vaccine phòng bạch hầu nhắc lại từ 5-10 năm.

Ngoài tiêm vaccine, người dân có thể chủ động phòng tránh lây lan bạch hầu bằng việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Video: Đắk Nông nâng cấp độ chống dịch bệnh bạch hầu

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn