Dự án The Mark: Vì sao 10 năm vẫn không thể triển khai?

Bất động sảnThứ Năm, 29/03/2018 16:49:00 +07:00

Sau khi có nhà đầu tư mới, VK Housing vẫn chưa thể tiếp tục thực hiện dự án The Mark vì kiện tụng với HDTC.

Năm 2007, dự án The Mark (quận 7) được UBND TP.HCM giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (VK Housing). Trong đó, VK Housing là liên doanh giữa ba bên gồm có Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) cùng 2 Công ty Hàn Quốc là Công ty P&D Korea Co., Ltd (P&D) và Công ty Lucky Việt Nam Construction Co., Ltd (LVC).

Theo đó, HDTC đã sử dụng quỹ đất của mình (hiện chính là phần đất đang dùng để thực hiện dự án The Mark) để đổi lấy 20% cổ phần của VK Housing, 80% số cổ phần còn lại do phía P&D và LVC nắm giữ.

Sau đó, phía P&D và LVC gặp khó khăn về tài chính nên đã chuyển nhượng toàn bộ 80% cổ phần sở hữu tại VK Housing cho phía Daewoo Star Birdge (DWS).

rttt

 Dự án The Mark chưa thể triển khai.

Đến tháng 11/2014, do cơ cấu lại việc tổ chức kinh doanh nên HDTC đã quyết định thoái vốn 20% cổ phần đang nắm giữ tại VK Housing.

Sau đó, phía VK Housing đã hoàn tất việc chi trả tiền giá trị của khu đất mà trước đó HDTC đã dùng để quy đổi lấy 20% cổ phần của VK Housing.

Đến năm 2016, HDTC đã tiến hành cổ phần hóa. Khi đó ông Đinh Trường Chinh được trở thành Chủ tịch HĐQT của HDTC.

Sau đó, HDTC đã có các văn bản kiến nghị, rồi khởi kiện yêu cầu UBND TP.HCM và Sở KH-ĐT thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp của VK Housing.

HDTC còn xin được giao lại dự án The Mark cho đơn vị này làm chủ đầu tư và tiến hành triển khai dự án. Từ đó đến nay, dự án The Mark dính vào tranh chấp nên không thể triển khai.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến dự án khu nhà ở cao tầng The Mark, UBND TP.HCM cũng đã có bản số 6694/UBND-DA về giải quyết kiến nghị của VK Housing.

Tại văn bản, UBND TP.HCM có ý kiến: “Chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở Tư pháp, không chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu nhà ở cao tầng The Mark…. Cho phép công ty TNHH quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc được giãn tiến độ đầu tư tiếp tục được thực hiện dự án The Mark”.

Sau đó vụ tranh chấp góp vốn giữa HDTC và VK Housing đã được TAND TP.HCM thụ lý tiếp tục giải quyết.

Đại diện VK Housing cho biết, dù ý kiến của UBND TP đã rõ, còn phía TAND TP.HCM thì chưa xét xử vụ việc nhưng đã có ba lần ra quyết định liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với khu đất thực hiện dự án trên.

Bên cạnh đó, Cục Thi hành án Dân sự (THADS) Thành phố đã có ít nhất 2 lần tiến hành cưỡng chế, yêu cầu VK Housing giao đất cho HDTC quản lý theo yêu cầu của HDTC. Tuy nhiên, vụ việc bất thành vì mỗi lần tiến hành thì VK Housing lại… “kêu cứu”.

Video: Gia hạn 9 lần, PVN vẫn xin cơ cấu nợ tiếp theo cho PV Tex

Mới đây, Cục THADS Thành phố tiếp tục thông báo buộc VK Housing giao đất cho HDTC theo nguyện vọng của công ty này vào ngày 29/3/2018.

Tiếp đó, HDTC còn tố cáo VK Housing làm giả mạo hồ sơ. Sau đó, ngày 7/2/2018, Bộ Công an có văn bản số 487/C41-C44 về việc trao đổi kết quả thẩm định hồ sơ vụ Công ty VK Housing gửi UBND TP HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Tại văn bản 487 có nội dung nêu rõ: “Căn cứ tài liệu, hồ sơ và kết quả thẩm định thấy:

Đơn tố cáo của Công ty HDTC xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật về giả mạo giấy tờ (tài liệu là Quyết định HDTV 30-2016 ngày 23/4/2016 của Hội đồng thành viên VK Housing có nội dung giả mạo và giả mạo chức danh là người đại diện theo pháp luật của Cty HDTC) là chưa có cơ sở.

Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã xác minh có sự giám sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đúng quy trình, tuy nhiên, việc có các công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chứng nhận đăng ký đầu tư là chưa đủ căn cứ”.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc, Luật sư Nguyễn Thanh Biên –  Luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, nếu trong trường hợp đã thoái vốn, nghĩa là không còn quyền và nghĩa vụ liên quan thì không thể nào tiến hành tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến dự án được. Như vậy là trái quy định pháp luật.

Thêm nữa, TAND TP.HCM thụ lý vụ án tranh chấp góp vốn liên doanh giữa 2 doanh nghiệp chứ không phải thụ lý vụ án tranh chấp dự án. Vì thế, nên không thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với phần tài sản và các phần liên quan đến dự án.

An My
Bình luận
vtcnews.vn