Địa ốc 24h: Dân phản đối vì thu hồi 'đất vàng' giá 1,5 triệu đồng/m2

Kinh tếThứ Năm, 30/03/2017 20:23:00 +07:00

Thu hồi "đất vàng" giá bèo, giá thuê nhà mặt phố giảm chóng mặt, không cho dự án thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế, là những tin tức bất động sản "nóng" trong ngày.

Địa ốc 24h 'nóng' với các thông tin như: Thu hồi đất vàng giá bèo, giá thuê nhà mặt phố giảm chóng mặt, không cho dự án thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế.

Thu hồi đất vàng giá bèo

Một mét vuông đất ở “khu đất vàng” nhìn thẳng ra hồ Tây (Hà Nội) được tính giá đền bù là 1,5 triệu đồng. Sự việc đang bị 56 hộ dân sống tại đây phản ứng kịch liệt.

1_239709_lina

Cư dân phản đối vì thu hồi "đất vàng" giá bèo, chỉ 1,5 triệu đồng/m2.

Sau khi thu hồi "đất vàng", Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh sẽ thực hiện “Dự án công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ”.

Mức bồi thường được Thành phố tính theo công thức: 1 mét vuông = tiền đơn giá 252 nghìn đồng + tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề (5 x 252 nghìn đồng) + tiền hỗ trợ ổn định đời sống (30 kg gạo x 4.500 đồng x số người x số tháng) + tiền thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng (3.000 đồng/m2). Tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng/m2. Theo các hộ dân, đây là mức đền bù quá rẻ mạt.

Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ thì ngày 13/3 vừa qua, UBND quận Tây Hồ đã ra quyết định về việc kiểm đếm (tài sản trên khu đất) bắt buộc đối với 56 hộ dân. Hai ngày sau, UBND phường Quảng An ban hành Quyết định về việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của người dân tại khu đất này.

Sự việc đã khiến nhiều người dân bức xúc.

Giá thuê nhà mặt phố giảm chóng mặt

Chiến dịch lấy lại vỉa hè tại Hà Nội đang khiến giá thuê nhà mặt phố lao dốc vì việc kinh doanh gặp khó khăn. Chiến dịch này được cho cũng sẽ có tác động tiêu cực đến phân khúc nhà phố thương mại, vốn được nhiều nhà đầu tư quan tâm và tăng giá rất nhanh trong năm qua.

Trao đổi với BizLIVE, chủ một quán ăn nằm trên phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội mới đây cũng kêu trời vì sụt giảm doanh thu từ khi thành phố thực hiện chiến dịch lấy lại vỉa hè.

Theo chủ quán ăn này thì hàng ăn có diện tích khá hẹp nên chủ quán phải tận dụng một phần vỉa hè. Tuy nhiên, từ nửa tháng nay, quán ăn không những không tận dụng bán hàng trên vỉa hè, mà việc để xe của khách cũng gặp khó, khiến lượng khách đến quán giẳm hẳn. Vì vậy, anh cũng đang phải rao chuyển nhượng cửa hàng cho người khác có nhu cầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Hà Nội thực hiện chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ trên toàn thành phố hiện nay đang khiến hoạt động kinh doanh nhà mặt phố gặp khó. Từ đó, rất nhiều chủ cửa hàng đã tính đến chuyện tìm kiếm mặt bằng kinh doanh mới.

Không cho dự án thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế, thành phố kiên quyết không cấp phép thêm các dự án mới, thậm chí tiến hành các biện pháp cưỡng chế, không cho thi công tiếp nếu không nộp tiền nợ thuế như cam kết.

Ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hà nội cho biết, tính đến ngày 27/3, số nợ thuế trên địa bàn là 17.526 tỷ đồng, giảm 1.062 tỷ đồng so với 31/12/2016. Trong đó, nợ thuế, phí là 5.501 tỷ đồng, giảm 88 tỷ đồng so với 31/12/2016.

Riêng các khoản nợ liên quan đến đất là 5.191 tỷ đồng, giảm 1.010 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó, nợ tiền sử dụng đất là 3.458 tỷ đồng, giảm 750 tỷ đồng; nợ tiền thuê đất, mặt nước là 1.515 tỷ đồng, giảm 260 tỷ đồng; nợ tiền sử dụng đất phi nông nghiệp là 218 tỷ đồng.

Cũng theo ông Mai Sơn, có 20 đơn vị có số tiền nợ đọng thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lớn, trong đó có 14 chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất với số tiền 3.242 tỷ đồng; 6 doanh nghiệp nợ thuế, phí lớn với số tiền 134 tỷ đồng…

Video: Cách lau cửa kính chung cư từ bên ngoài

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn