Di tích là một cơ thể sống

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 10:38:00 +07:00

Ðó là cách mà Nhà sử học Lê Văn Lan miêu tả về khu phố cổ Hà Nội nhiều năm trở lại đây.

   Tứ đại đồng đường “chen chúc” trong căn phòng chục m2, lối đi tối hun hút chỉ vừa một người, sống giữa làng quê mùa nóng chật chội, bức bối, mùa mưa như đứng ngoài trời… là thực trạng mà người dân sống giữa khu di sản phố cổ Hà Nội và làng cổ Ðường Lâm đang ngày đêm phải đối mặt. Cuộc sống của họ đặt ra câu hỏi lớn với nhà quản lí: bảo tồn di tích như thế nào để đảm bảo đời sống dân sinh?

 

“Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào”

Ðó là cách mà Nhà sử học Lê Văn Lan (Ủy viên hội đồng tư vấn văn hóa xã hội Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam) miêu tả về khu phố cổ Hà Nội nhiều năm trở lại đây. Theo ông Lê Văn Lan “Dù đã thực hiện biện pháp giãn dân trong phố cổ nhưng không có nhiều biến chuyển, dân vẫn sống khổ, nhà cửa xuống cấp không được cơi nới bề ngang thì họ thêm chiều cao. Bảo tồn như vậy có nên chăng?”. Không chỉ ở giữa lòng phố cổ chật hẹp mới nẩy sinh mâu thuẫn. Trung tuần tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao, báo chí đồng loạt chạy tít lớn việc người dân ở làng cổ Ðường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích lịch sử cấp quốc gia. Bởi lâu nay họ sống quá khổ, thanh niên lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con không được xây thêm nhà mới. Nhà cũ xuống cấp muốn tu sửa phải làm đơn chờ chính quyền xét duyệt, nếu tự ý xây dựng sẽ bị cắt điện, cắt nước để cảnh cáo… Khi Ðường Lâm được danh hiệu này những tưởng, ngôi làng cổ ấy sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, kéo theo đời sống của người nông dân chỉ quen chân lấm tay bùn đi lên. Tiếc rằng, sau gần mười năm nhận danh hiệu, ngôi làng đẹp như trong truyện cổ tích ấy đã nảy sinh bao điều nan giải đến mức dân “giận dỗi” xin trả lại cho chính quyền.

Những bất cập nói trên xuất phát từ mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa - điều mà lẽ ra nó phải được bàn bạc và thống nhất giữa những người làm luật, nhà nghiên cứu văn hóa và chính quyền địa phương. Song thực tế ở đây lại chẳng được cơ quan nào đứng ra giải quyết triệt để khiến chính quyền sở tại luôn phải hứng chịu mọi sự oán trách của bà con làng nước mỗi khi “đụng chuyện”. Ðể bảo tồn di sản văn hóa buộc phải cưỡng chế phá dỡ xây dựng trái phép tuy nhiên phá dỡ mạnh tay quá thì có lỗi với nhu cầu chính đáng của bà con, anh em trong làng. Cũng giống như khu phố cổ, dân Ðường Lâm rơi vào cảnh bế tắc như cách nói của nhà sử học Lê Văn Lan. Ông cho rằng vấn đề không chỉ bó lại ở chỗ tu sửa, các di tích như một cơ thể sống và phải làm cho nó sống được. Hiện giờ chúng ta còn đang quản lý cứng nhắc theo chính sách, theo luật.

Nhà sử học Lê Văn Lan

“Bảo tồn di sản phải lấy văn hóa làm gốc”

Trước khi muốn phát triển một khu di tích thành địa điểm du lịch nhà quản lí phải tính trước làm sao để bảo tồn mà vẫn phát triển, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của người dân sống trong khu di tích. Khu du lịch phố cổ Hội An, Quảng Nam là một điển hình cho một tầm nhìn rộng của chính quyền địa phương, khi họ biết quan tâm tới bảo tồn và phát triển du lịch nên đã có chủ trương giãn dân để bảo tồn phố cổ từ năm 1996. Mới đây, để bảo tồn chùa Cầu và chùa Bà Mụ, thành phố cũng phải vận động 30 hộ dân giãn ra ven đô. Không chỉ chuyện giãn dân, chính quyền còn lo đảm bảo công việc mưu sinh cho người dân. Ðường Lâm thì khác, vé tham quan di tích vẫn bán dù giá không cao nhưng người dân vẫn sống khổ và quanh năm trông vào công việc đồng áng.

Khi nhận định về làng cổ Ðường Lâm, ông Lê Văn Lan cho biết: “Ðường Lâm cần được bảo tồn không chỉ ở những ngôi nhà đá ong. Vì nếu ai đó cần xem nhà đá ong, tôi có thể đưa đến Thạch Thất. Ðường Lâm là di sản bởi đó là quần thể tổng hòa các giá trị văn hóa. Ngôi làng mang tên rừng ngọt đó còn có những đình, đền, chợ Mía, cầu Mía và những tập tục văn hóa từ lâu đời”. Ông cũng khẳng định, người dân Ðường Lâm không chỉ là những người đang sống ở đây, đó còn là những kiếp người đã sống, đã vui, đã buồn ở đây góp phần làm nên di sản này. Bảo tồn di sản bên cạnh giữ được nếp nhà còn là đảm bảo đời sống của người dân.

Chục năm gần đây nhà quản lý giao thêm một công việc nữa cho di sản là phục vụ du lịch để phát triển kinh tế.  Ông Lan đánh giá cách làm đó là: “Ðang đặt thêm gánh nặng lên di sản. Muốn được như vậy phải hết sức gìn giữ và cải tạo”. Nhưng bảo tồn di sản theo cách nào?

 

Trước vấn đề bảo tồn di sản, nhà quản lí có ba cách ứng xử: giữ gìn về mặt văn hóa, phát huy về mặt kinh tế và chăm sóc, chăm lo cho dân sinh. Trả lời câu hỏi về các giải pháp trước đây đưa ra có đúng đắn, nhà sử học nhận định: “Chúng ta đang rất lúng túng nên mới chỉ vùng vẫy ở bên trên, ở những quy định chung, những cái nhìn vĩ mô. Nhà quản lí chưa xuống được tới đáy nơi vô cùng sinh động những số phận, cảnh huống”. Ðưa ra giải pháp, theo ông Lan phải ưu tiên văn hóa đầu tiên. Có căn cốt văn hóa sẽ làm du lịch tốt và đời sống nhân dân sẽ đi lên. Tuy nhiên không phải giải quyết một cách cứng nhắc và giáo điều. Cần sự uyển chuyển, chi tiết và cụ thể. Ðể cứu Ðường Lâm lúc này, cách duy nhất là giãn dân. Những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa cứ để ở đó rồi nâng cấp lên cho đẹp đẽ, khang trang”.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ của cả cộng đồng. Tuy nhiên trong quá trình gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các cấp chính quyền phải đáp ứng được những nhu cầu sống tối thiểu của người dân.

Đinh Nha Trang

Bình luận
vtcnews.vn