Di sản đối ngoại của Trump: Ông Biden chọn khôi phục, cải cách hay cách mạng?

Thời sự quốc tếThứ Năm, 17/12/2020 10:40:01 +07:00
(VTC News) -

Câu hỏi đặt ra là với di sản mang đậm dấu ấn "Trump", ông Biden sẽ chọn khôi phục, cải cách hay cách mạng khi xây dựng chính sách đối ngoại.

"Câu hỏi đặt ra là chính sách đối ngoại của ông ấy sẽ như thế nào? Đó sẽ là một trong những căng thẳng chính trong những ngày đầu tiên của ông ấy. Liệu Biden có thể trình bày rõ ràng về một chính sách đối ngoại mới và nó có ý nghĩa gì?", Gérard Araud - cựu đại sứ của Pháp tại Washington đặt câu hỏi.

Theo VOX, lựa chọn "cách mạng" chắc chắn sẽ bị loại bỏ bởi tân Tổng thống Mỹ là Biden chứ không phải những người theo đuổi mục tiêu này như Bernie Sanders hay Elizabeth Warren. 

Quyết định giữa "khôi phục" - quay trở lại với các chính sách truyền thống hay "cải cách" - thay đổi nếp cũ trong quan hệ toàn cầu của Mỹ sẽ khiến chính quyền mới mất ít nhất một năm hoặc lâu hơn để hoạch định lộ trình. Rõ ràng Biden đang đứng giữa "ngã ba đường" và ông ấy phải rẽ bước trong những ngày tới. 

Khôi phục

Hầu hết các ý kiến hiện nay đang nghiêng về "khôi phục". Khi Biden công bố các vị trí chủ chốt trong nội các hồi cuối tháng 11, ông nhắc tới chiến lược "Nước Mỹ trở lại" để thay thế chính sách "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm.

Khi vận động tranh cử, ứng viên đảng Dân chủ cũng cam kết đưa ra Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu, làm việc với các đồng minh để thúc đẩy dân chủ, thương mại tự do và nhân quyền. 

Với việc đại dịch càn quét thế giới, để lại những di chứng nặng nề, "khôi phục" sẽ tốn ít công sức hơn so với "viết lại". 

"Sau Trump, tôi nghĩ tất cả sẽ trở lại với những điều căn bản", Elizabeth Saunders - chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Georgetown cho hay. 

Hồi tháng 8, khi nói về kế hoạch xây dựng chính sách đối ngoại của ông Biden, Derek Chollet - cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Obama và hiện là thành viên nhóm chuyển giao cho biết Biden đang xem xét "một dự án trùng tu toàn diện". 

Di sản đối ngoại của Trump: Ông Biden chọn khôi phục, cải cách hay cách mạng? - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images)

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa theo đuổi cách tiếp cận gần như tương tự đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổng thống của hai đảng sử dụng quyền lực của Mỹ để bảo đảm và duy trì cái gọi là “trật tự quốc tế tự do". Về cơ bản, đây là một tập hợp các quy tắc và giá trị chính trị, kinh tế mà các cường quốc dân chủ lớn tin rằng sẽ giúp thế giới vận hành.

Theo đó, thúc đẩy thương mại tự do và dân chủ đem tới cho Mỹ một thị trường để bán hàng hóa và xây dựng liên minh chống lại các đối thủ. 

Trên thực tế, Mỹ mắc nhiều lỗi với hướng đi này nhưng nó vẫn giúp xứ cờ hoa duy trì vị trí siêu cường số một thế giới. Vị trí này là điều mà ông Biden muốn khôi phục và bảo vệ. 

"Trong bảy thập kỷ qua, những lựa chọn mà chúng ta đưa ra - đặc biệt là Mỹ và các đồng minh ở châu Âu - đã hướng thế giới đi theo một con đường rõ ràng. Trong những năm gần đây, sự đồng thuận duy trì hệ thống này đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng, từ bên trong và bên ngoài. Chúng ta bắt buộc phải hành động khẩn cấp để bảo vệ trật tự quốc tế tự do", ông Biden nói trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 1/2017.

Biden cho rằng cách tốt nhất để làm điều đó là duy trì và củng cố hệ thống liên minh mà Mỹ làm trung tâm. 

Paul Musgrave - chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ tại trường Đại học Massachusetts Amherst nhận định, thế giới quan về một nước Mỹ ở vị trí dẫn đầu, tích cực bắt tay với các đồng minh vẫn rất truyền thống và không ngạc nhiên khi ông Biden theo đuổi nó. 

Theo Musgrave, với kinh nghiệm 50 năm trên chính trường, bất kể các di sản mà Trump để lại, Biden vẫn tin "mọi thứ về cơ bản là ổn và chỉ cần xây dựng từ những gì mà mình đang có". 

"Biden sẽ khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và lãnh đạo bằng chính sách đối ngoại. Chúng ta sẽ trở lại", người được ông Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.

Với tình hình thế giới cũng như những khó khăn mà Mỹ đang phải đối mặt, bà Saunders hiểu tại sao Biden nhận thấy giá trị trong việc tuân theo truyền thống đối ngoại của Mỹ. 

"Vấn đề truyền thống không gây tranh cãi dưới bất cứ đời Tổng thống nào trừ Trump", Saunders nói. 

Cải cách

Nhưng cũng có những ý kiến thúc đẩy sự thay đổi.

Hầu hết các thành viên đảng Dân chủ đều muốn tập trung vào vấn đề trong nước, làm việc với đồng minh và chấm dứt vĩnh viễn các cuộc chiến tranh. 

Nhưng theo cây viết Peter Beinart của New York Times, ở thời kỳ hậu Trump, việc Mỹ muốn tiếp tục sắm vai lãnh đạo thế giới là một cách tiếp cận sai lầm và thậm chí là nguy hiểm trong quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới. 

Beinart phân tích, "dẫn đầu" đồng nghĩa Mỹ phải chịu trách nhiệm hành động như một "CEO" của thế giới. Nhưng sau bốn năm qua, nước này đang thiếu hụt nguồn lực và chỗ đứng để làm được điều đó. 

Theo ông Desirée Cormier Smith - cố vấn chính sách cấp cao tại quỹ Open Society, Mỹ không phải lúc nào cũng có đủ nguồn lực để giải quyết mọi vấn đề và thay đổi nên đi theo hướng Washington trở thành một "người chơi" khiêm tốn hơn trên toàn cầu. 

Di sản đối ngoại của Trump: Ông Biden chọn khôi phục, cải cách hay cách mạng? - 2

Ông Biden trong chuyến thăm tới Kabul, Afghanistan năm 2011. (Ảnh: Getty Images)

Biden có vẻ đồng tình với lập luận này. 

Khi còn là Phó Tổng thống, ông ủng hộ giảm sự hiện diện của quân đội ở Afghanistan mạnh mẽ hơn nhiều so với các quan chức khác trong chính quyền. Dù bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tại Iraq, Biden tin Mỹ cần kiềm chế và dần tính tới việc rút khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông, đầu tư những nguồn lực đó vào kinh tế Mỹ.

Biden không đơn độc. Sát cánh với ông những ngày tới còn có ông Sullivan - người nhiều năm qua tỏ ra không mấy hứng thú chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ.

"Ngay cả khi nước Mỹ có một Tổng thống mới hậu Trump - người nói rằng chúng ta phải quay trở lại với một số nguyên tắc cơ bản xung quanh các đồng minh, xung quanh các giá trị, xung quanh trật tự dựa trên quy tắc cho thế giới, vẫn sẽ có những mạch ngầm ở Mỹ gây áp lực chống lại điều đó. Bất cứ ai thúc đẩy chính sách đối ngoại ở Mỹ sẽ phải tính tới điều này", Sullivan nói trong cuộc trò chuyện tại Đại học Dartmouth vào tháng 1/2019. 

VOX cho rằng, Biden và nhóm của ông có thể sẽ cởi mở hơn với việc cải tổ. Dù vậy, ít chuyên gia tin điều này sẽ xảy ra bởi điều khác biệt giữa Biden và những người tiền nhiệm là ông tiếp quản văn phòng với quan điểm rõ ràng về việc giữ mọi thứ như nó vốn có.

“Tất cả các vị tổng thống trước đều muốn ghi dấu ấn của mình bằng cách thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ. Biden muốn ghi dấu ấn của mình bằng cách khôi phục chính sách đối ngoại của Mỹ”, ông Musgrave nhận định.

Song Hy(Nguồn: Vox)
Bình luận
vtcnews.vn