Đi qua tâm bão...

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 10:58:00 +07:00

Và khi đó, tất cả mọi người sẽ ở yên trong nhà, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Bão, trước mắt tôi, là nước dâng trắng xóa, nhà cửa tốc mái, gió rít liên hồi...

"Bão, trong ký ức tuổi thơ của tôi, là những cơn mưa lớn hơn bình thường. Và khi đó, tất cả mọi người sẽ ở yên trong nhà, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Bão, trước mắt tôi, là nước dâng trắng xóa, nhà cửa tốc mái, gió rít liên hồi... đói, rét, sợ hãi và xót xa..."

 

Hà Nội, cuối tháng 9: Lên đường
Tôi nhận nhiệm vụ đi làm bão khá bất ngờ. Bất ngờ là bởi từ trước đến nay, tôi vẫn được phân công theo dõi mảng hiểm họa liên quan đến cháy nổ, lửa khói chứ tuyệt nhiên chưa bao giờ làm đề tài nào liên quan đến sông nước. Cuối tháng 9, tôi lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến công tác vào Quảng Bình nhưng hoàn toàn không chủ đích làm về bão số 10. Bởi khi đó bão chỉ mới bắt đầu đi vào biển Đông, Quảng Bình được xác định chỉ là khu vực chịu ảnh hưởng. Mãi đến gần ngày dự kiến lên đường thì chúng tôi nhận được tin bão số 10 sẽ đổ bộ trực tiếp vào Quảng Bình. Ngay lập tức, sếp yêu cầu tôi hoãn kế hoạch cũ lại, mang thêm bộ truyền dẫn trực tiếp 3G và gấp rút lên đường vào Quảng Bình làm bão. 
Ban đầu, tôi cũng khá áp lực sợ không hoàn thành nhiệm vụ bởi chưa hề có kinh nghiệm tác nghiệp trong bão. Nhưng được sự ủng hộ, động viên của mọi người trong kênh, đặc biệt, lại có sự hỗ trợ của quay phim Huy Quang - người vừa chinh chiến trở về từ bão số 5 và số 6, nên tôi cũng tự tin hơn để lên đường. 

Quảng Trạch, ngày 29/09: Thất bại
Vào Quảng Bình, chúng tôi chọn huyện Quảng Trạch làm nơi dừng chân đầu tiên. Lúc này, thời tiết khá âm u nhưng vẫn chưa mưa. Mọi người tất bật chuẩn bị cho bản tin trực tiếp 19h00 tối nhưng khi tôi dẫn được một đoạn thì tín hiệu bị ngắt do mất sóng 3G. Lần “ra quân” đầu tiên coi như thất bại. Trên đường tìm nhà nghỉ qua đêm, cả tôi, anh Quang quay phim, em Tuấn kỹ thuật và chú Tuấn lái xe đều nhìn nhau lo lắng bởi với tình trạng 3G như thế sẽ vô cùng khó khăn trong việc truyền tín hiệu về kênh trong những ngày tới.

 

6h00, ngày 30/09: Nhập cuộc
Sáng hôm sau, mọi người dậy sớm để thử 3G. May sao, sóng lại rất khỏe. Vừa hay, nhận được lệnh ở kênh là cứ mỗi tiếng phải lên một bản tin trực tiếp về bão số 10. Cả nhóm phải di chuyển liên tục để tìm bối cảnh và thông tin. Việc đi lại đã khó khăn, việc tìm nhân vật để phỏng vấn còn khó khăn hơn vì trong hoàn cảnh mưa gió, ai cũng vội vã, tất bật chạy bão. Vừa làm bản tin trực tiếp, chúng tôi vừa tranh thủ ghi hình làm phóng sự gửi về kênh. Khổ nhất là mỗi lần lên hình, tôi lại phải đứng giữa trời mưa để phản ánh đúng thực tế thời tiết đang diễn ra. Thế nên đầu tóc, quần áo lúc nào cũng trong tình trạng ẩm ướt, môi thì tím tái vì lạnh. 
Nhưng cũng mừng vì máy móc và tín hiệu đều suôn sẻ. Mải mê làm từ sáng đến trưa, mọi người quên cả ăn. Đến lúc đói thì đi khắp xã Quảng Phúc không có gì để mua. May sao gặp một nhà dân, họ gọi vào và nấu cho mấy bát mỳ, thêm vài miếng thịt thăn. Thế mà ngon đến lạ. 

13h00, ngày 30/09: Đón bão
Chiều, bão sắp đổ bộ. Biển động, sóng đánh ầm ầm, gió rít từng cơn, lạnh thấu xương. Mỗi lần lên hình, tôi phải đứng run cầm cập mất mấy phút mới nhập cuộc được. Chân tay luống cuống, mặt mũi tím tái vì lạnh. Cảm nhận rõ rệt mưa, gió và lạnh đang tăng dần theo từng phút. Chú Tuấn lái xe thấy tôi cứ đứng suốt ngoài mưa, bảo kiếm lấy lọ dầu mà bôi kẻo cảm. Nhưng lúc đó kiếm đâu ra. Thời tiết càng ngày càng chuyển xấu. Mưa to, gió mạnh. Lúc này chúng tôi đã di chuyển ra khu vực gần cửa sông Gianh. 

 

15h00 - 16h00, ngày 30/09: Đổ bộ
Sau khi hoàn thành bản tin 15h00, tôi nhận được tin báo là bão sẽ đổ bộ trong khoảng 1 giờ đồng hồ nữa. Lúc này, nước ở cửa sông đã lên mấp mé với bờ. Chú Tuấn quyết định lái xe rút về thị trấn Ba Đồn để đảm bảo an toàn. Đoạn đường từ cửa sông Gianh ra thị trấn hầu như đã bị ngập, nhiều nơi ngập nửa bánh xe ô tô. Chú Tuấn vẫn động viên “chắc qua đoạn này là hết ngập thôi”. Nhưng xe đi ra đến đoạn đê thì bị mắc kẹt. Quãng đường trước mặt ngập nước. Sau lưng, nước cũng đã tràn mặt đê. Chỗ chúng tôi dừng lại gần như là cao nhất con đê nhưng mực nước cũng chỉ còn cách mặt đê khoảng 1m. Tiến thoái lưỡng nan, chú Tuấn lo lắng ra mặt. 
Chỉ có Huy Quang là phấn khởi vác máy xuống xe tác nghiệp bởi “không phải lúc nào cũng quay được những cảnh như thế này”. Lần đầu tiên đi làm bão, lại thấy một người có kinh nghiệm tác chiến trong bão như Quang vẫn thản nhiên, bình tĩnh nên tôi cũng không lo lắng lắm và nghĩ đơn giản chỉ một lúc nữa thôi, bão sẽ tan và nước sẽ rút. Nhưng chỉ vài phút, đã thấy anh chàng lom khom quay vào vì gió quá mạnh. Ngồi trong xe, thấy gió bên ngoài rít qua khe cửa, có lúc gió lớn đẩy xe dập dềnh khiến ai cũng chết khiếp. Mặt Đức Tuấn tái mét. Chú Tuấn căng thẳng cực độ. Huy Quang vẫn bình tĩnh tỏ ra là một người anh trai đích thực khi dặn tôi và Đức Tuấn mặc áo phao vì chúng tôi không biết bơi. Quang còn giục tôi lên hình dẫn nốt cho bản tin trực tiếp 16h00. Lúc đó, tôi đã hơi mệt, mặt mũi phờ phạc nhưng thấy gương mặt đầy hăm hở “chiến đấu” của anh, nên lại không nỡ từ chối. 

 

17h00, ngày 30/09: Cô lập
Đến 17h00, nước vẫn lên với tốc độ chóng mặt. Chỗ chúng tôi đứng gần như đã bị cô lập. Tôi gọi điện về kênh thông báo tình hình và cập nhật diễn biến cơn bão, đồng thời tìm số điện thoại liên lạc hỗ trợ. Hết gọi cho bộ đội biên phòng đến UBND huyện, UBND xã nhưng đều nhận được sự bất lực, bởi chính họ cũng đang phải chống chọi với bão, không thể di chuyển được. Lúc này, tôi mới bắt đầu hoảng sợ. Xung quanh mênh mông là nước, trời vẫn nổi gió, mưa trắng xóa. Tôi bắt đầu nghĩ đến… cái chết và câu chuyện về chiếc xe 7 chỗ bị lũ cuốn trôi ở Nghệ An… 
Đang lúc nước sôi lửa bỏng, quay sang thì thấy Huy Quang đang ngồi thong thả… gọt dứa. Khổ nỗi, chả ai có tâm trạng để ăn. Chú Tuấn đang mải suy tính. Đức Tuấn thì gần như bất động cả buổi vì sợ. Tôi cầm miếng dứa cố nuốt, như muốn nuốt đi nỗi sợ hãi đang tràn ngập trong lòng. 

 

18h00, ngày 30/09: Giải cứu
Trời bắt đầu nhá nhem tối. Điện thoại từ kênh gọi đến tới tấp, từ lãnh đạo đến anh chị em đồng nghiệp. Ai cũng lo lắng, hỏi han tình hình và động viên chúng tôi cố gắng chờ cứu hộ. Mọi người bảo ở kênh cũng như đang có “bão” vì lo cho ê-kip, cả kênh đang náo loạn gọi đi khắp nơi để tìm đội cứu hộ cho chúng tôi. Sếp còn dặn đi dặn lại, trong tình huống xấu nhất phải bỏ tất cả máy móc và xe để ưu tiên cứu người…. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Nước mắt cứ chực trào ra, không phải vì sợ mà vì cảm nhận rõ sự thân thương, ấm áp từ “gia đình” thứ hai của mình.  
Chợt, ở một ngôi nhà cách bờ đê khoảng hơn trăm mét có người đang vẫy tay gọi chúng tôi vào. Huy Quang ôm khư khư lấy cái máy quay nặng hơn chục kg đi vào trước. Có cái áo mưa cũng nhường nốt để quấn máy quay. Đức Tuấn vác chân máy, dụng cụ tác nghiệp theo sau. Tôi và chú Tuấn ở lại chờ trong xe. Đây có lẽ là ngôi nhà duy nhất còn lại trong vùng không bị ngập nhờ được xây đắp rất cao. Xung quanh hầu như nhà nào cũng đã ngập ngang mái.  Khoảng 15 phút sau, Huy Quang quay lại cùng với cậu con trai của chủ nhà để đón tôi và chú Tuấn. Vừa bước ra khỏi xe, tôi suýt ngã vì gió quá mạnh. Mọi người quyết định xếp lên người tôi nào ba lô, túi xách, đồ đạc để đề phòng tôi… bay mất. Đoạn đường từ xe vào nhà đi qua bờ ruộng nước chảy xiết, không xa lắm nhưng sao đi mãi đi mãi vẫn không tới. Hai chân trần giẫm lên sỏi đá đau như tra tấn. Mưa quất vào mặt, nước dưới chân xiết lên. Vừa sợ, vừa muốn khóc, nhưng lại tự nhủ phải cố lên, cố để sống, còn về gặp bố mẹ và mọi người…

 

Cuối cùng cũng vào được đến nhà. Tôi quay lại thấy chú Tuấn vẫn chưa chịu vào. Chú đang loay hoay nghĩ cách giữ xe. Mọi người lại vòng ra đón chú. Tôi ngồi bệt xuống góc nhà. Gió lúc này đã dữ dội, tre nứa của ngôi nhà bắt đầu kêu loảng xoảng. Mọi người trong nhà đang chạy đôn chạy đáo chống chọi với cơn bão. Trời tối đen như mực, không gian leo lét ánh đèn dầu. Tôi không biết phải trốn ở đâu, đứng góc nào mới an toàn. Trong đầu chỉ nghĩ đến cảnh tung mái, sập tường... Lúc này, điện thoại đã hoàn toàn mất sóng.
Một lúc sau, mọi người trong nhóm của tôi quay vào. Ai cũng ướt, run cầm cập. Tôi nghe kể vì gió mạnh nên mọi người phải bò vào. Chú Tuấn còn suýt bị cây đổ vào người, may sao cậu con trai chủ nhà đưa tay đẩy chú ra kịp. Có mọi người, tôi đỡ sợ hơn nhưng cũng chỉ dám ngồi yên một chỗ, bỏ qua luôn cả những nhu cầu bản năng của con người. 

19h00, ngày 30/9: Tình đồng bào
Lúc này, trời ngớt gió dần, xung quanh yên ả hơn. Các bác chủ nhà đã quay vào chuẩn bị bữa tối. Đến lúc này, tôi mới bắt đầu thấy đói, thấy rét. Có lẽ, khi đã không còn bị cái chết ám ảnh, nhu cầu của con người mới bắt đầu trỗi dậy quay quắt. Chú Tuấn nhắc tôi đi thay bộ quần áo ướt trên người. Tôi đứng dậy mà bước đi không vững. Cũng may, chủ nhà dự trữ khá nhiều đồ ăn khô. Họ mời chúng tôi cùng ăn tối. Chưa bao giờ tôi thấy bữa cơm nào ngon đến thế, mặc dù mâm cơm chỉ có lạc rang, một đĩa trứng rán và 2 con cá kho dành cho 8 người. 

 

Ăn tối xong thì điện thoại bắt đầu có sóng. Máy ai cũng nhận được hàng chục cuộc gọi nhỡ. Của mọi người ở kênh, của gia đình, của bộ đội biên phòng và lãnh đạo địa phương - những nơi chúng tôi đã liên lạc cầu cứu. Mọi người thông báo nước đã rút. Chú Tuấn nghe thế vội vàng chạy ra xem xe cộ thế nào Cũng may chiếc xe vẫn còn đứng cheo leo trên bờ đê. Chúng tôi quyết định chia tay những người dân tốt bụng để quay ra thị trấn tìm chỗ nghỉ ngơi. Đi được 2 km thì bị kẹt vì có quá nhiều cây đổ trên đường. Lúc này, chưa kịp hoàn hồn thì anh Quang đã giục tôi chuẩn bị lên hình làm bản tin 22h00. Tôi hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị gì, trong đầu vẫn còn ngổn ngang lắm, cũng sợ làm hỏng chương trình. Nhưng mọi người cứ động viên, tôi lại cố gắng hoàn thành nốt bản tin cuối ngày. 
Tôi xuống xe, gặp và phỏng vấn một vài người dân đang trên đường đi tránh bão. Biết ê-kip chúng tôi từ Hà Nội vào làm chương trình về bão số 10, họ quý lắm. Ai cũng xúm vào hỏi han, quan tâm. Họ còn nhiệt tình mời chúng tôi về chỗ tập trung của những người tránh bão để ngủ qua đêm. Thật không ngờ, ở một ngôi nhà chật chội lại tập trung được nhiều người như thế. Trong nhà có duy nhất một cái sạp to để ngủ. Chúng tôi được nhường cho ngủ trên sạp, một số người dân trải chiếu nằm dưới nền nhà ẩm ướt. Những tình cảm của người dân miền Trung khiến cả nhóm chúng tôi rất xúc động. Họ, hơn ai hết, là những người đang cần sự sẻ chia, giúp đỡ, vậy mà, trong hoạn nạn, họ vẫn sẵn sàng mở vòng tay cưu mang người khác. Dường như họ đã quá quen với những mất mát, quen với những cơn bão. Quen đến nỗi, họ âm thầm chấp nhận sống chung với nó, một cuộc sống mà không ai trong họ không có quyền lựa chọn. 

 

Bão đi, tan hoang ở lại…
5h sáng, hầu như tất cả mọi người đều tỉnh dậy. Bão đã tan. Không ai bảo ai, họ cùng đổ ra đường dọn dẹp cây cối và giúp nhau lợp lại mái nhà. Khung cảnh xung quanh thật đáng sợ. Nhà nào cũng bị tốc mái, hàng quán tiêu điều, cây cối ngổn ngang. Người dân bảo, đã mấy chục năm rồi họ mới phải hứng chịu một cơn bão khủng khiếp như thế này. Một người lính già 80 tuổi đứng tần ngần trước ngôi nhà đổ nát của mình. Cuộc đời ông đã đi qua bao cuộc chiến tranh đầy kiêu hùng nhưng giờ lại phải bất lực đứng nhìn tất cả những gì mình gây dựng chỉ còn lại bãi tan hoang sau sự tàn phá của thiên tai. Hình ảnh đấy làm tôi cứ nghẹn đắng trong lòng. 
Mẹ gọi điện. Mẹ bảo nhìn thấy tôi trên tivi mà xót hết cả ruột gan, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Rồi mẹ hỏi có bị làm sao không, đã ăn chưa, có mệt không, có lạnh không… Tôi bảo mẹ “Con không sao, phải giả vờ tí cho mẹ thương chứ!”, nói rồi cười mà nước mắt cứ muốn giàn giụa ra…
Suốt ba ngày sau đó, chúng tôi di chuyển dần từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh để làm nốt những bản tin và phóng sự sau bão. Có những hôm, 3h chiều chúng tôi mới bắt đầu… ăn sáng, hay thậm chí chia nhau gói mì tôm ăn tạm trên xe cho qua bữa. Dù đã rất mệt mỏi nhưng ai cũng muốn dốc nốt chút sức lực còn lại để làm. Làm như một sự “trả nợ” cho mảnh đất và những con người miền Trung lam lũ nhưng chân chất, nghĩa tình.
Sau 6 ngày vật lộn với cơn bão số 10, tôi đã học hỏi được nhiều hơn cách triển khai đề tài, thao tác nhanh gọn và phản ứng linh họat trong làm bão. Tôi không nhớ rõ mình và ê-kip đã gửi về bao nhiêu tin bài, chỉ biết rằng chúng tôi đã thực sự đi qua cơn bão một cách trọn vẹn nhất. Với một “tân binh” làm bão như tôi, thế là quá đủ. Đủ để trải nghiệm những cảm xúc mà có lẽ không bao giờ tôi quên trong suốt cuộc đời làm báo của mình…

 Thương Anh
(Ghi theo lời kể của BTV Thùy Linh)
Bình luận
vtcnews.vn