Dị nhân ở Sơn La: 70 năm không cắt tóc, gội đầu

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 18/08/2015 06:43:00 +07:00

Lão Páo nhẹ nhàng bỏ cái mũ mềm trên đầu ra, mớ đuôi sam dài khoảng 3m được quấn gọn trên đầu bỗng xổ xuống.

Lão Páo cứ cắt tóc là lăn ra ốm. Thế nên, suốt mấy chục năm qua, lão Páo không dám cắt tóc. Mái tóc vì thế mỗi ngày một dài ra khiến lão phải quấn làm mấy vòng tựa như cái rế ở trên đầu.


Hua Tạt (xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), cái bản nhỏ của bà con người Mông nằm cạnh QL 6 giờ đã trở nên nổi tiếng vì có nhiều đoàn du khách tìm đến khám phá. Gần trăm nóc nhà nằm thấp thoáng dưới tán vườn đào, vườn mận.

Hua Tạt còn được biết đến là bản “nói không với tệ nạn” ở vùng “nóng” nhất về ma túy ở đất Tây Bắc. Người có công dựng xây Hua Tạt trở thành điểm sáng là Tráng A Páo. Lão Páo không chỉ nổi tiếng là người biết chữ đầu tiên của bản mà còn là vị trưởng bản giữ cương vị lâu nhất, suốt 30 năm.

Cứ cắt tóc là ốm


Nhà lão Páo nằm bên mặt đường QL 6. Năm nay lão Páo đã gần 90 tuổi nhưng nom vẫn còn minh mẫn lắm. Mái tóc lão đã bạc trắng như cước. Có điều lạ là phía sau gáy của lão Páo lại có một dây tóc dài xoắn chặt như cuộn dây thừng. Từng búi tóc được kết lại với nhau một cách tự nhiên giống như nó được gắn lại với nhau bằng những lớp keo chắc chắn vậy.

Lão Páo nhẹ nhàng bỏ cái mũ mềm trên đầu ra, mớ đuôi sam dài khoảng 3m được quấn gọn trên đầu bỗng xổ xuống. Cái đuôi sam cứ nhỏ dần. Lạ thay mớ tóc này lại vẫn óng ánh màu đen, chứ không bạc trắng như mớ tóc phủ trên trán lão.

Suốt 70 năm qua, lão Páo không thể gội đầu
Suốt 70 năm qua, lão Páo không thể gội đầu 

Năm lên 14 tuổi, lão Páo bỗng bị một trận ốm thập tử nhất sinh, nằm liệt cả tháng trời. Mọi người trong nhà, ai cũng nghĩ, lão khó qua khỏi. Ông trời đã giúp lão qua khỏi cơn bạo bệnh nhưng từ đó lão cảm thấy cơ thể mình có một điều gì rất khác thường. Lão cứ cắt tóc là ốm. Sau nhiều lần như thế, lão đã không dám cắt tóc nữa.

Thời gian trôi đi, mái tóc của lão ngày một dầy và dài hơn khiến lão không dám gội đầu nữa. Lâu dần mái tóc bết lại như người ta cuộn thừng vậy.

“Một ngày hai ngày rồi cả một mùa trăng qua đi, tôi không thể gội đầu được nữa. Những ngày đầu không làm vệ sinh mái tóc được khiến đầu ngứa như có cả một tổ kiến đang bò trên đầu vậy. Lâu dần mái tóc bết lại, tôi mới quen với việc không phải gội đầu nữa”, lão Páo nhớ lại.

Mái tóc của lão Páo dài gần 3m
Mái tóc của lão Páo dài gần 3m 

Mái tóc dài khiến lão Páo gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng từ khi để mái tóc dài, đầu óc lão lại thông minh và sáng dạ hơn trước nhiều.

Lão là người đầu tiên của bản Hua Tạt học được cái chữ. Qua sự chỉ bảo của các anh bộ đội mỗi khi hành quân qua bản, dần dần lão viết được chữ, nói được tiếng phổ thông. Học được cái chữ, về bản lão mở lớp dạy học cho bà con. Từ người lớn đến trẻ con, ai cũng phải đến lớp để học lấy cái chữ do thầy giáo Páo dạy.

Nhờ đó mà bản Hua Tạt có rất nhiều người biết chữ. Bà con trong bản ai cũng hết lòng khen ngợi “cái thầy giáo tóc dài” đó nhiệt tình lắm, chỉ bảo bà con từng li, từng tí và chẳng cáu gắt với ai bao giờ.

Giã từ thuốc phiện

Lão Páo là người có uy tín nên được bà con bầu làm trưởng bản. Ở cương vị nào lão cũng nhiệt tình tham gia. Xưa kia các bản người Mông thường sống du canh du cư. Vốn là người được ăn học và giác ngộ cách mạng từ sớm, lão Páo đã vận động bà con nên sống ổn định ở một nơi.

Việc này vừa giúp bà con không phải vất vưởng trong rừng sâu, núi thẳm, bọn trẻ được học hành và chúng được chăm sóc tốt hơn. Bao nhiêu mùa trăng, mùa rẫy trôi qua lời nói phải của lão cũng dần dần được bà con nghe ra. Từ đó cái bản Hua Tạt này mới được hình thành.

Hằng ngày lão Páo phải cuốn mái tóc lại quanh đầu
Hằng ngày lão Páo phải cuốn mái tóc lại quanh đầu 

“Muốn bà con hạ sơn, việc đầu tiên là phải đảm bảo bà con no cái bụng đã. Sau đó mới nói đến chuyện tuyên truyền vận động”, lão Páo cho hay. Lão Páo lại cất công đi các miền học cách tra ngô, làm lúa nước rồi về bản dạy lại cho bà con.

Những việc làm thiết thực của lão Páo là nguồn động viên lớn giúp người dân nơi đây yên tâm sinh sống và định cư ở bản Hua Tạt. Đến giờ bà con vẫn coi lão là vị già làng có uy tín nhất bản. Mỗi khi bản có công to việc lớn gì, việc đầu tiên mọi người đều đến tham khảo ý kiến của lão rồi mới đưa ra quyết định.

Nói về bản Hua Tạt, lão Páo không giấu nổi niềm tự hào: “Trẻ con của bản đều biết đọc, biết viết từ rất sớm. Biết được cái chữ bà con học được điều hay, lẽ phải”.

Bản Hua Tạt có được sự yên bình, không dính dáng đến cơn “lốc” ma túy tràn qua đất này là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của lão Páo.

Năm nay, lão Páo ngấp nghé tuổi 90, đầu đã bạc, lưng đã mỏi, lão được vui vầy bên con cháu, nhưng có một điều khiến lão day dứt nhất là lão bỏ thuốc phiện muộn quá.

Dường như nỗi trăn trở này khiến lão cảm thấy ngượng ngùng khi kể lại một thời cả cái xứ này trồng bạt ngàn hoa anh túc.

Giờ đây lão Páo có con đàn cháu đống, nhưng không ai có mái tóc như lão
Giờ đây lão Páo có con đàn cháu đống, nhưng không ai có mái tóc như lão 

Bao mùa rẫy trôi qua, lão Páo ôm khư khư lấy cái bàn đèn như một người bạn “tâm giao”. Lão Páo bảo, thứ này ai đã dính phải nó thì nó ăn tới xương tủy. Nó còn quan trọng hơn cả cơm ăn, nước uống hằng ngày. Anh có thể nhịn ăn 3 bữa, nhưng không thể không hút thuốc phiện trong một ngày.

Tình trạng nghiện ngập đã đẩy bao gia đình bà con người Mông đứng bên bờ vực phá sản. Rất may là khi đó, lão Páo nghiện thuốc phiện nặng, nhưng mấy người con trai của lão, ai cũng chí thú làm ăn, không học đòi cái thói xấu của bố.

Thế rồi chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện của Nhà nước đưa ra. Chính lão Páo là người đầu tiên hưởng ứng.

Lão hăng hái đi vận động bà con xóa bỏ thứ cây khiến con người ta mê mẩn, mụ mẫm. Hết lần này đến lần khác lão Páo đi cai cùng lớp con cháu của mình, ấy thế mà lão chưa bỏ được. Lão không dám để con trai đưa lên trại cai nghiện tập trung ở trên tỉnh vì lão cho rằng mình đã ở cái tuổi gần đất xa trời, việc gì phải đi cai nữa. Một điều nữa khiến lão Páo lo sợ là khi bỏ bàn đèn, lão sẽ chết mất. Lạ thay, mỗi khi mùa hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, lão Páo vẫn cứ sống khỏe.

Mãi đến năm 2008, tức là sau 30 năm vật vã với chiếc bàn đèn, lão Páo mới chính thức bỏ được thuốc phiện. Năm đó lão Páo tròn 80 tuổi, hôm đón lão cắt cơn nghiện thành công từ tỉnh Sơn La về, con trai lão mổ lợn khao cả bản.

Đứng trước bà con dân bản, lão rơi lệ khí nói trước bà con dân bản: Thưa bà con, tôi là người biết cái chữ sớm nhất bản. Tôi thường khuyên răn bà con bỏ thói xấu, làm theo điều hay, lẽ phải, vậy mà tôi lại rơi vào con đường nghiện ngập. Nay tôi xin đập cái bàn đèn này trước toàn thể dân bản để cùng bà con thể hiện quyết tâm, đuổi cái lạc hậu, đón sự tiến bộ về bản, với mọi người.

Toàn thể bà con dân bản cùng rưng rưng xúc động trước lời nói đầy chân thành của vị trưởng lão đã góp công lớn dựng xây bản Hua Tạt.


Nguồn: Linh Nhi(Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn