'Dị nhân' có chiếc đầu nhọn và cuộc đời đáng sống, chinh phục trái tim triệu người

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 22/08/2018 15:45:00 +07:00

Mặc dù sở hữu vẻ bề ngoài có phần kỳ dị với chiếc đầu nhọn, nhưng Schlitzie đã sống một cuộc đời đáng sống và được triệu người yêu mến.

Video: Schlitzie xuất hiện trong bộ phim kinh điển 'Freaks' (Nguồn: Vimeo)

Nổi danh từ vai diễn trong bộ phim "Freaks" kinh điển, Schlitzie khiến không ít khán giả phải sửng sốt khi biết rằng nhân vật của anh không phải sản phẩm của công nghệ hóa trang tạo hình, mà chính là anh ngoài đời thực với cái đầu nhỏ ("pinhead") đã trở thành thương hiệu. Dù chịu nhiều thiệt thòi ngay từ khi sinh ra và phải sống cuộc đời nhiều biến cố, dị nhân nổi tiếng với lối diễn hồn nhiên cùng nụ cười ngây ngô này vẫn lưu dấu ấn đẹp đẽ trong trái tim của hàng triệu khán giả trên thế giới.

Tuổi thơ không bố mẹ và vẻ ngoài bị kỳ thị

Thông tin về nhân thân và lai lịch của Schlitzie rất hiếm hoi. Theo thông tin ghi trên thứ được cho là giấy chứng tử của anh, Schlitzie sinh năm 1901 tại Bronx, New York, Mỹ. Tên khai sinh của anh có thể là Simon Metz hoặc Shlitze Surtees. Các giấy tờ liên quan đến anh đều không được xác thực và thay đổi theo thời gian bởi những năm tháng đầu đời, anh từng được nhiều gia đình khác nhau nhận nuôi.

di nhan 7 10

Ngay cả khi trưởng thành, Schlitzie chỉ có trí óc của một đứa trẻ 3-4 tuổi, chỉ có thể nói các câu và cụm từ ngắn ngủi.

Dường như mọi thông tin về Schlitzie đều mông lung và không rõ ràng, chỉ duy nhất một điều người ta biết chắc chắn về Schlitzie. Đó là anh bẩm sinh mắc hội chứng microcephaly, một căn bệnh phát sinh do sự phát triển sai lệch của não bộ khiến não, hộp sọ và cơ thể nhỏ hơn bình thường, kém phát triển. Chứng bệnh này đeo bám anh từ khi sinh ra và cũng là yếu tố an bài toàn bộ cuộc đời anh về sau.

Nó khiến anh khiếm khuyết trầm trọng cả về thể chất lẫn tâm thần. Ngay cả khi trưởng thành, Schlitzie chỉ có trí óc của một đứa trẻ 3-4 tuổi, chỉ có thể nói các câu và cụm từ ngắn ngủi. Đầu anh nhỏ, hơi nhọn, ngoại hình có phần đáng sợ. Có lẽ anh cũng không nhận thức được vẻ ngoài kỳ dị ấy lại khiến anh gắn bó với gánh xiếc suốt quãng đời còn lại.

Dấu ấn mạnh mẽ của Schlitzie "Quái vật"

Với trí óc và cơ thể của một đứa trẻ, Schlitzie chỉ có thể kiếm sống bằng cách đem khiếm khuyết của mình đi mua vui cho người đời. Anh tham gia hầu hết các rạp xiếc lớn đầu thế kỷ XX, trong đó phải kể đến rạp quốc tế Dobritsch, rạp Ringling Bros, Barnum & Bailey, rạp Tom Mix hay rạp Clyde Beatty. Dù mang giới tính nam, nhưng anh thường mặc váy, giả gái trên sân khấu suốt nhiều thập kỷ biểu diễn. Hình ảnh vui nhộn này có thể khiến khán giả thích thú nhưng đằng sau đó lại là lý do khiến ai nghe cũng chua xót. Người ta nói rằng Schlitzie phải mặc váy để giúp người quản lý dễ dàng thay tã cho anh hơn, điều này rất cần thiết bởi anh mắc cả bệnh tiểu tiện không tự chủ.

di nhan dau nhon 1

Một nhóm người lùn mắc hội chứng đầu nhỏ, trong đó có Schlitzie, thường xuyên hiện trong các buổi trình diễn của các rạp xiếc tiếng tăm, đi lưu diễn khắp châu Âu, Mỹ. 

Dù Schlitzie đã có chút danh tiếng với hình ảnh mặc váy trên sân khấu, nhưng sự nghiệp của anh chỉ đặc biệt nở rộ vào năm 1932, khi anh xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "Freaks". Bộ phim khắc họa câu chuyện về tình yêu và sự phản bội trong thế giới của ngành xiếc. Cho tới tận ngày nay, bộ phim vẫn in đậm trong tâm trí khán giả với hình ảnh gánh xiếc rong tụ hội toàn các "freak" - các dị nhân có thật, giống như Schlitzie.

di nhan 3 4

Schlitzie gắn liền với hình ảnh mặc váy trên sân khấu.

Đáng tiếc, sự nổi tiếng của "Freaks" lại đi cùng với làn sóng chỉ trích dữ dội vì quá nhiều cảnh kinh dị liên quan đến các dị nhân, trong đó có cảnh các diễn viên xiếc thiến một người đàn ông (cảnh này đã bị cắt sau đó).

Truyền thông tổng công kích bộ phim, tờ The Hollywood Reporter gọi bộ phim là "sự tra tấn dữ dội cảm xúc, xúc giác, não bộ và dạ dày của khán giả". Vì lẽ đó, "Freaks" bị cấm chiếu tại nhiều thành phố ở Mỹ. 

Một phụ nữ thậm chí còn dọa kiện Tập đoàn MGM sau khi cáo buộc bộ phim khiến cô bị sảy thai. Cuối cùng, MGM buộc phải cắt giảm thời lượng, sau đó hoàn toàn hoãn chiếu bộ phim. Tuy nhiên sau đó, một công ty biểu diễn lưu động lại sở hữu "Freaks" và trình chiếu bộ phim trên khắp đất nước.

di nhan 6 8

Sự nghiệp của Schlitzie đặc biệt nở rộ vào năm 1932 khi xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "Freaks".

Bất chấp phản ứng tiêu cực xung quanh "Freaks", Schlitzie vẫn tỏa sáng trên sân khấu. Phong cách biểu diễn dễ thương, hồn nhiên cùng nụ cười ngây ngô nhưng rạng rỡ giúp anh dễ dàng gây thiện cảm với các diễn viên trong đoàn xiếc cũng như được khán giả yêu mến.

Schlitzie lúc nào cũng phấn khích và tràn đầy năng lượng như một đứa trẻ, nét đặc biệt này tạo thành sức hút mạnh mẽ với tất cả mọi người dù là trên sân khấu hay ngoài đời thực. Dù hiếm khi cất lời, thường tiểu tiện không tự chủ và mặc váy ở khắp mọi nơi, Schlitzie vẫn là một ngôi sao đang lên vun vút trong ngành xiếc.

3 năm sống mòn trong bệnh viện tâm thần, cuối đời vẫn vô gia cư

Sau bộ phim gây tranh cãi "Freaks", Schlitzie tiếp tục gắn bó với ánh đèn sân khấu xiếc. Dấu ấn của Schlitzie trong lĩnh vực này mạnh mẽ đến nỗi năm 1936, anh có riêng một người giám hộ hợp pháp. Đó là một người huấn luyện tinh tinh tên George Surtees của Rạp xiếc Tom Mix.

di nhan dau nhon 2 9

Nụ cười ngây ngô nhưng hiền hậu giúp Schlitzie chiếm trọn tình cảm của khán giả.

Surtees coi Schlitzie như con trai mình, luôn yêu thương và chăm sóc anh hết sức chu đáo. Cuộc sống và công việc của Schlitzie êm đềm trôi qua cho đến khi Surtees qua đời vào năm 1965. Trái ngược với cha mình, con gái của Surtees không muốn dính dáng gì đến Schlitzie nên đã đưa anh vào một viện tâm thần ở Los Angeles.

Schlitzie sống 3 năm buồn bã cô đơn trong viện. Dù chưa từng có một gia đình hay mái ấm, anh vẫn yêu rạp xiếc và coi đó là nhà mình. Đó là cuộc sống duy nhất anh từng biết, trong khi ở bệnh viện tâm thần, anh chỉ thấy sự vô cảm, thù hằn và lạnh lẽo.

Chuỗi ngày sống mòn trong bệnh viện cuối cùng cũng qua đi khi một đồng nghiệp – người nuốt kiếm tên Bill Unks tình cờ nhận ra Schlitzie trong một buổi biểu diễn ở bệnh viện. Ngay lập tức, Unks thuyết phục bệnh viện cho phép làm người giám hộ của Schlitzie và được bệnh viện đồng ý. Vậy là Schlitzie tiếp tục trở lại con đường biểu diễn – con đường duy nhất anh từng biết.

Schlitzie sau đó biểu diễn thêm vài lần nữa với Gánh xiếc quốc tế Dobritch trước khi nghỉ hưu tại Los Angeles. Nhưng ngay cả khi nghỉ ngơi, Schlitzie vẫn rất thích biểu diễn và thường diễn trò mua vui cho mọi người mỗi khi cho vịt và chim bồ câu ăn trong Công viên MacArthur. Schlitzie qua đời vào năm 1971.

di nhan dau nhon

Dị nhân mang tâm hồn của một đứa trẻ vẫn sống một cuộc đời đáng sống và được hàng triệu người yêu mến.

Tới cuối đời, dù nổi tiếng trên con đường nghệ thuật, Schlitzie chưa từng có một mái nhà hay gia sản gì quý giá. Ngay cả khi từ giã cuộc đời, anh vẫn là người vô gia cư, chẳng đủ tiền để có cho mình một bia mộ tử tế trong nghĩa trang. Mãi đến năm 2007, một người hâm mộ đã quyên góp tiền để xây một bia mộ khang trang bằng đá đen, đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của Schlitzie ở Los Angeles. Trải qua bao biến cố cuộc đời, Schlitzie – dị nhân mang tâm hồn của một đứa trẻ vẫn sống một cuộc đời đáng sống và lưu dấu ấn đậm nét của mình trong trái tim hàng triệu khán giả trên khắp thế giới.

Phong Linh
Bình luận
vtcnews.vn