Đi đẻ phải chờ… sáng giăng

Sức khỏeThứ Tư, 30/09/2015 04:14:00 +07:00

Tình trạng mất nước tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội khiến nhiều sản phụ rơi vào cảnh đi đẻ phải chờ… sáng giăng.

(VTC News) – Tình trạng mất nước tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội khiến nhiều sản phụ rơi vào cảnh đi đẻ phải chờ… sáng giăng.


Mất nước đường ống sông Đà lần thứ 15 khiến không chỉ nhiều hộ dân khốn đốn mà ngay cả đến sản phụ ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Đó là chia sẻ của anh N.V.T (chồng sản phụ Hoa) ở Mỹ Đức, Hà Nội, cho biết: Vợ tôi nhập viện để sinh mổ. Nhưng do viện mất nước nên lịch mổ phải hoãn lại và nằm chờ 3 ngày nay.  Vợ đi đẻ, tôi phải  chuẩn bị tiền cho việc khám xét, ca đẻ, đồ ăn nhưng giờ thêm cả chi phí cho việc mua nước dùng để sinh hoạt với giá 5 lít giá 30 ngàn đồng.

 
Vì mất nước nên phải cắt nước luân phiên giữa các khoa phòng. Nhà vệ sinh thì nhơ nhớp, bốc mùi nồng nặc.

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực chờ sinh, sau sinh … của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những khu vực vệ sinh đã bốc mùi vì tình trạng thiếu nước kéo dài và cắt nước luân phiên giữa các khoa phòng.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng thiếu nước tại bệnh viện, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt – Trưởng phòng Hành chính (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết: Tình trạng thiếu và mất nước của bệnh viện đã xảy ra từ ngày 25/9 cho đến nay.

“Từ đó đến nay, bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu và mất nước, có những lúc không có nước để dùng, đều ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu và các hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện”, bà Nguyệt nói.

Theo bà Nguyệt, trung bình mỗi ngày bệnh viện sử dụng 400m3 nước cho tất cả mọi hoạt động của bệnh viện. Tuy nhiên, hiện tại mỗi ngày bệnh viện chỉ có khoảng 200m3 được công ty nước sạch hút về bể. Như vậy, bắt buộc bệnh viện phải sử dụng tiết kiệm trong tất cả các khoa phòng.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trừ những khoa như: Cấp cứu, nhiễm khuẩn, đẻ là phải ưu tiên nước 24/24, những khoa phòng còn lại sẽ phải cắt nước luân phiên nhau để tiết kiệm nước. “Thậm chí, hiện nay nhân viên y tế còn không được tắm ở bệnh viện, mà phải về nhà tắm để tiết kiệm nước phụ vụ người bệnh”, bà Nguyệt nói.

Dù tình trạng thiếu nước, nhưng cho đến thời điểm này, chưa có ca nào cấp cứu hay mổ đẻ phải chuyển viện vì thiếu nước. Nhưng trong trường hợp không có nước kéo dài thì chúng tôi cũng dự trù đến phương án này.

Còn đối với những sản phụ đang chờ mổ, nếu tình trạng sức khỏe thai nhi và bà mẹ tốt, ổn định mà chưa đến ngày sinh thì có thể kéo dài lịch mổ (chờ mổ). Còn những trường hợp phải mổ đẻ chúng tôi vẫn tiến hành bình thường, bà Nguyệt cho biết thêm.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước trước mắt, bà Nguyệt cho biết đã có công văn gửi Xí nghiệp nước sạch Đống Đa và Công ty Kinh doanh nước Hà Nội về vấn đề này.

Ngày 29/9 công ty này đã điều xe nước đến hỗ trợ bệnh viện. Đồng thời, đêm 29, rạng sáng 30/9, công ty này đã lắp đặt máy bơm hút nước trực tiếp từ Xí nghiệp vào Bệnh viện, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời và lượng nước thực tế vẫn chưa thể đủ cho nhu cầu hoạt động của bệnh viện.

Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã nghe báo cáo từ lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về sự cố mất nước trong những ngày vừa qua. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mất nước từ thứ 6 (25/9) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cấp cứu, khám chữa và điều trị.

“Để đảm bảo tính mạng người bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện dừng các ca mổ chủ động. Nếu có sản phụ nào chờ được, bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên”, bà Liên cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hàng chục ca mổ cấp cứu có nguy cơ nhiễm trùng cao vì thiếu nước kiểm soát nhiễm khuẩn. Thậm chí, mất nước có thể ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và người bệnh.

Hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có hơn 597 giường thực kê và hơn 1.024 cán bộ, công nhân viên. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình hơn 300 bệnh nhân sinh đẻ, khám và điều trị tại viện.

Do đó, nguồn nước sử dụng cho khám và chữa bệnh vô cùng quan trọng. Nếu nước không được cấp trở lại trong thời gian sớm nhất sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khám chữa bệnh và sinh hoạt của bệnh viện và bệnh nhân.
» Clip tắm bé sơ sinh trong bồn rửa inox: Giám đốc Bệnh viện nói gì?
» Chuyện chưa kể về vụ bắt cóc trẻ em xôn xao cả nước
» 18 y, bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV



Hữu Bằng


Bình luận
vtcnews.vn