ĐH Đảng XI: Tập trung phát triển kinh tế nhanh, vững

Thời sựThứ Sáu, 14/01/2011 01:49:00 +07:00

(VTC News) - Vấn đề làm thế nào để tập trung phát triển một nền kinh tế nhanh và bền vững đã được nhiều đại biểu quan tâm, xây dựng với quyết tâm cao.

(VTC News) - Buổi thảo luận chiều ngày 13/1, Đại hội Đảng XI đã để lại ấn tượng mạnh về tinh thần đóng góp cho văn kiện của Đại hội. Vấn đề làm thế nào để tập trung phát triển một nền kinh tế nhanh và bền vững được nhiều đại biểu quan tâm, xây dựng.

Công hữu tư liệu sản xuất hay đa sở hữu tư liệu sản xuất?


Đầu tiên phải kể đến tham luận của đồng chí Võ Hồng Phúc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với báo cáo “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020”.

Đặt câu hỏi, 10 năm qua Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ kinh tế, xã hội của thế giới? Ông nhận định, dù tiềm lực kinh tế được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, nhưng sau hơn 20 năm đổi mới chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện, các cân đối vĩ mô chưa thật sự vững chắc.

Đại biểu Võ Hồng Phúc đã phát biểu thẳng thắn và đầy trách nhiệm trong phiên thảo luận chiều 13/1. (Ảnh Quang Tùng)

Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Năng suất lao động xã hội và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp, chậm cải thiện.

Kết cấu hạ tầng phát triển chậm, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ đang cản trở sự phát triển. Mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp, chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, hải cảng và sân bay hiện đại. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là ở các đô thị lớn vừa thiếu đồng bộ, vừa kém chất lượng đang gây ách tắc cho phát triển. Nguồn và lưới điện chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.

Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.

Về thể chế kinh tế thị trường từng bước được hình thành và phát triển, nhưng thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển; sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để. Năng lực quản lý và điều hành vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có mặt còn yếu kém. Nhà nước chưa kiểm soát được đầy đủ các quan hệ thị trường, còn tồn tại các yếu tố đầu cơ.

Trong qua trình phát biểu, ông Phúc luôn cho rằng để giải quyết một cách triệt để những yếu kém tồn đọng trên cần phải làm rõ vấn đề về "công hữu tư liệu sản xuất"  được nêu ra trong dự thảo văn kiện. Việc quyết định thay chế độ đa sở hữu (Đại hội VI) thành chế độ công hữu liệu tác hại của nó sẽ đến đâu? Nếu bây giờ nói "công hữu tư liệu sản xuất" thì ai sẽ yên tâm đầu tư cho chúng ta? Ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng? Chúng ta động viên họ đầu tư để đạt mục đích gì?

Theo ông Phúc, muốn thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cần phải phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Bảo đảm độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của và nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Từ thay đổi từ chiều rộng sang chiều sâu…

Ông Vũ Hồng Khanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trong tham luận “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững” đã chỉ ra rằng, loài người đang chuyển sang thời đại công nghệ mới với nhiều loại hình khác nhau. Sự bùng nổ này là cơ hội hiếm hoi mà thời đại tạo ra để các nước đi sau tiến vượt lên, rượt đuổi, bắt kịp các quốc gia đi trước.
Thêm vào đó, tính nguy cấp ngày càng rõ của sự cạn kiệt tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên và nước biển dâng. Thay vì chúng ta tận dụng theo lối hủy hoại nó thì cần phải tái cấu trúc và dựa vào công nghệ, trí tuệ con người. Trục cốt lõi của mô hình này chính là nền kinh tế tri thức mà thế giới đang theo đuổi.

Đại biểu Vũ Hồng Khanh nêu bật cần phải nghiên cứu đẩy mạnh phát triển một nền kinh tế tri thức. (Ảnh Quang Tùng)

Ông Khanh cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện thành công  đường lối phát triển kinh tế tri thức dựa trên những thành tựu về công nghệ thông tin - viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ na-nô, toán học, vật lý… mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua. Mặt khác, niềm tin của chúng ta sẽ còn trở nên mạnh mẽ gấp bội nếu ý thức đầy đủ hơn về lợi thế to lớn của một nước đi sau.

Theo ông Khanh, để khởi động và triển khai nhiệm vụ chiến lược quan trọng bậc nhất này cần phải khẩn trương xây dựng một Chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia, coi đây là “trục” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Ông Khanh nhấn mạnh, cần phải tập trung ưu tiên xây dựng hai Trung tâm Quốc gia về Công nghệ cao ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, coi đây là hình mẫu, là đầu tàu phát triển khoa học – công nghệ - công nghiệp của cả nước. Phát triển các Khu công nghiệp – công nghệ cao cấp vùng, với hạt nhân là các Vườn ươm công nghệ - Vườn ươm doanh nghiệp hiện đại, thay thế các Khu Công nghiệp kiểu cũ, đang tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí cản trở sự phát triển.

Coi trọng nguyên tắc phát triển khoa học công nghệ với sự dẫn dắt, hỗ trợ của thị trường – doanh nghiệp, được khuyến khích, nuôi dưỡng bằng tinh thần cạnh tranh thị trường lành mạnh. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường công nghệ, coi đây là sức kích thích quan trọng nhất của nền khoa học. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thực sự đóng vai trò bà đỡ, tạo khung khổ pháp lý và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát triển khoa học – công nghệ và cho hoạt động nghiên cứu – triển khai.

Phải thực hiện một chiến lược phát triển khoa học có lộ trình phù hợp với năng lực nội sinh và có khả năng tranh thủ các thành tựu của thế giới. Trong giai đoạn đầu tiên, chiến lược đó cần dành sự ưu tiên cho việc khuyến khích hoạt động tiếp nhận, học hỏi và ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới; trên nền tảng đó, tạo ra và làm mạnh lên năng lực nghiên cứu nội sinh, từ đó, xây dựng nền khoa học – công nghệ mạnh.

Phải lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học – công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích họ xây dựng các trung tâm nghiên cứu – phát triển, tạo kênh để từ đó, tri thức công nghệ lan tỏa rộng rãi ra toàn bộ nền kinh tế.

Đến đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

Trong phần phát biểu tham luận “Về kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế” của mình, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đúc rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển của thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đứng trước những vấn đề kinh tế chung của cả nước, đó là tình trạng kéo dài sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng; sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; sự lúng túng và bất cập trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế; những hạn chế do chính sách kinh tế vĩ mô chưa có tác động tích cực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cạnh tranh…

Đại biểu Nguyễn Văn Đua, đoàn TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. (Ảnh Quang Tùng)

Từ đó, ông Đua cho rằng cần thiết phải đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường để xác định rõ những nội dung kinh tế - xã hội mà mỗi cấp chính quyền cần hoạch định. Xác định lại vai trò của Nhà nước trong suốt quá trình dẫn dắt thị trường phát triển theo mục tiêu của mình. Sớm xây dựng đạo luật về kế hoạch hóa trong đó xác định rõ nội dung: làm gì, làm cách nào, vào lúc nào và ai làm đối với từng cấp chính quyền có đặc điểm khác nhau.

Bên cạnh đó cần sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế - tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Các chính sách đó cần phải có sự đổi mới, phù hợp hơn từ đó khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và hình thành những “cụm liên kết sản xuất” nhằm chuyển từ gia công sang sản xuất.

Ông Đua cũng nhấn mạnh, phải sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường vì mô hình kinh tế thị trường luôn tồn tại những khuyết tật cố hữu, gắn liền với bản chất của nó. Do đó, vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước chính là “tái cấu trúc” lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó có nhiều lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước và Nhà nước cần phải thể hiện quyết tâm chính trị trong đầu tư phát triển, chứ không để mặc doanh nghiệp nhà nước cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần.

Vấn đề chuyển từ cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng, trên thực tế chúng ta vẫn chưa có chính sách và cơ chế vận hành để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Tình trạng trên dẫn đến sự phân tán nguồn lực sản xuất quốc gia; đầu tư công và cả đầu tư tư nhân cũng bị dàn trải…do vậy khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô nền kinh tế quốc gia và các vùng kinh tế để có sự liên kết về chức năng kinh tế của chính quyền địa phương.

Cuối cùng, ông Đua cho rằng cần phải đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Vì vậy nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ như: tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lặp nhiệm vụ do Trung ương thực hiện với nhiệm vụ được giao cho địa phương thực hiện và các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau…nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động.

Quang Tùng

Bình luận
vtcnews.vn