Đến cửa Phật, xin đừng hối lộ

Ý kiếnThứ Tư, 17/03/2021 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Sự lệch lạc trong nhận thức về đạo pháp và lòng tham của con người đã làm biến tướng căn nguyên tuyệt diệu và tốt đẹp của tôn giáo.

Mấy ngày nay, nhìn cảnh hàng vạn người chen nhau nhích từng centimet ở các điểm di tích lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc, tôi vừa mừng vừa lo ngại. Mừng vì cơn giông bão của đại dịch COVID-19 có vẻ đã nhẹ sức gió, người dân trở lại nhịp sống bình thường mới. Nhưng lo lắng bởi rất nhiều người bỏ quên lời căn dặn của Ban quản lý di tích cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch, không đeo khẩu trang, xô đẩy nhau trong dòng người hành hương.

Nhớ đến trường hợp siêu lây nhiễm hồi tháng 2/2020 ở nhà thờ Shincheon (Daegu, Hàn Quốc), tôi bất giác lạnh gáy. Giả sử điều không mong muốn tương tự xảy ra thì thần, Phật cũng bó tay, không thể cứu nổi. Các ngài chắc chỉ có thể chau mày đau đớn vì sự vô ý thức và mê muội của con người.

Đến cửa Phật, xin đừng hối lộ - 1

Hình ảnh biển người chen nhau ở chùa Tam Chúc cuối tuần qua.

Từ dòng người được truyền thông mô tả, tôi nghĩ tới ánh sáng của đạo pháp, nguồn gốc thực sự về sự ra đời của tôn giáo. Theo đó, bản chất của tôn giáo, tin ngưỡng là hướng con người ta đến một đời sống tốt đẹp với cái tâm trong sáng, không vụ lợi. Đức Phật Thích Ca vì chứng kiến những nỗi đau của con người nên cố gắng tìm ra con đường thoát khổ. Ngài dạy rằng, con người ta chỉ có thể tốt lên bằng cách tự thân giác ngộ, bằng trí tuệ minh triết của bản thân mà nhận thức, sám hối những việc làm sai, tu tâm đức và thông qua đó cải thiện đời sống xã hội.

Giáo lý của nhà Phật đâu có dạy đốt vàng mã, dâng mâm cỗ mặn, rải tiền khắp nơi ở chốn Phật môn. Nên nhớ, nhà chùa không sát sinh và càng không ăn… hối lộ. Thế cho nên, cần lễ Phật bằng cái tâm của mình chứ không phải là lễ vật to hay nhỏ. Đừng tìm cách hối lộ thần, Phật để mang thêm tội, để Phật thêm đau.

Quan niệm của người xưa, tiền lẻ đặt trong chùa là tiền đóng góp dầu đèn cho những người trông coi chùa. Trải qua thời gian, những người đi chùa đã hiểu sai bản chất tiền dầu đèn, cứ mang tiền rải khắp nơi với tham vọng mình sẽ được chứng lòng thành, cầu gì được đấy. Đôi khi, người ta còn cầu cả điều xấu đến với người mình không ưa.

Đến cửa Phật, xin đừng hối lộ - 2

Đút lót nơi Phật môn, đâu phải là người thấu đạo.

Đấy là chưa kể, nhiều người đi chùa nhưng không biết các ban thờ tưởng nhớ đến ai, thậm chí so sánh chùa nào thiêng hơn, nơi đâu cầu xin được nhiều tiền tài, vật chất hơn. Xin thưa rằng, chẳng có ánh sáng mầu nhiệm nào của đạo pháp lại “nặng mùi” mê tín đến vậy. 

Với lịch sử phát triển vài nghìn năm của đạo Phật tại Việt Nam, cùng với sự trường tồn của tín ngưỡng bản địa, chứng kiến cảnh đền chùa mọc lên ngày càng nhiều, người dân ngày càng chăm đi lễ, những tưởng  người xứ ta mộ đạo, sùng tín ngưỡng. Nhưng khi bóc tách bản chất của hành động mới thấy, hóa ra rất nhiều người đến với đạo lại từ sự cưỡng cầu, mê muội.

Và chính việc thực hành tín ngưỡng theo cách thực dụng, vị kỷ đó đã làm biến tướng rất nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Hiện tượng chùa Ba Vàng, tịnh xá Thất Sơn và sự méo mó của đạo pháp ở nhiều người tu hành ở xứ ta được tiếp tay từ ý nghĩ vụ lợi của các con nhang đệ tử. Lòng tham của con người làm chốn thanh tịnh hỗn loạn không khác gì phiên chợ, xô nghiêng cả đạo pháp từ bi. Và rồi, thần, Phật cũng phải đứng ngồi không yên. 

Tôi nhớ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng đúc rút thế này: “Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông…, lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cũng vẫn thấy bất hạnh”. Điều ông nói quả là chí lý, không hiểu có ai giật mình không?     

Bạn có đồng tình với quan điểm này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Gia Vũ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp