Đến cố đô nếm món mứt gừng cay nồng thơm ngon khó cưỡng

Gia đìnhChủ Nhật, 26/01/2020 17:11:21 +07:00
(VTC News) -

Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân ở phường Kim Long (TP Huế) lại đỏ lửa tất bận sản xuất món mứt ngon khó cưỡng.

Làng Kim Long là nơi nổi tiếng với nghề làm mứt gừng thủ công. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai đi ngang ngôi làng cổ này cũng bị lôi cuốn bởi mùi thơm đặc trưng của món mứt gừng nổi tiếng cố đô. 

Đến cố đô nếm món mứt gừng cay nồng thơm ngon khó cưỡng - 1

Gừng được chọn làm nguyên liệu để làm mứt phải là những củ gừng tươi thu hoạch ở những bãi bồi pha cát sỏi vùng Bằng Lăng, ngã ba Tuần nơi hai nhánh Tả và Hữu sông Hương gặp nhau.

Ông Nguyễn Văn Đỗi (75 tuổi, phường Kim Long, TP Huế -  người có hàng chục năm kinh nghiệm làm món mứt gừng) cho hay: “Để làm mứt gừng được chất lượng thơm, ngon, đòi hòi người làm phải có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm mới tạo ra được những mẻ mứt đạt tiêu chuẩn."

Theo ông Đỗi, yếu tố đặc biệt quan trọng khi chế biến món mứt gừng là nguồn nguyên liệu. Loại gừng được chọn làm mứt phải là những củ còn tươi khai thác từ làng Bằng Lẵng.

Đến cố đô nếm món mứt gừng cay nồng thơm ngon khó cưỡng - 2

Những củ gừng sau khi gọt vỏ được thái mỏng và ngâm trong nước lạnh hòa cốt chanh tươi.

Tại làng Bằng Lẵng, gừng được trồng ở vùng đất đồi pha sỏi ngay ngã ba Tuần - nơi có nhánh Tả và Hữu sông Hương gặp nhau. Phù sa màu mỡ nơi đây giúp gừng phát triển cho ra những củ có độ cay nồng mà không nơi nào có được.

Những người có kinh nghiệm trong nghề làm mứt gừng ở Kim Long cho hay, quy trình chế biến mứt gừng Kim Long phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau.

Đến cố đô nếm món mứt gừng cay nồng thơm ngon khó cưỡng - 3

Rim mứt là khâu cực kỳ quan trọng để cho ra những miếng mứt gừng ngon nức tiếng. 

Củ gừng sau khi mua về được cạo sạch phần vỏ đem thái mỏng ngâm với nước lạnh hòa với chanh tươi rồi để ráo nước.

Để đạt được những mẻ mứt ngon, người thợ dùng đường trắng rim với củ gừng. Đây là khâu khá quan trọng, đòi hỏi người thợ phải điều chỉnh lửa và đảo gừng liên tục khoảng một tiếng đồng hồ để gừng không bị cháy, mất đi mùi thơm, cho đến khi những lát gừng săn nhỏ lại, lớp đường trắng được bọc xung quanh.

Mứt gừng sau khi rim xong sẽ được đổ ra khay, tãi đều cho nguội. Để mứt không bị dính và vón cục, đòi hỏi người thợ phải khéo léo và nhanh tay tách từng lát gừng. Sau đó, mứt được bọc nilon hoặc bình thủy tinh để không bị hỏng và giữ được mùi thơm nồng của mứt.

Ông Trương Đình Thử (người làm nghề mứt gừng truyền thống ở Kim Long) cho biết: “Thông thường khoảng từ đầu tháng chạp các hộ gia đình ở đây mới bắt tay vào làm mứt gừng, trung bình mỗi mùa Tết như vậy, gia đình tôi cung ứng cho thị trường khoảng 3 – 4 tấn mứt”.

Tuy phải trải qua nhiều công đoạn để sản xuất nhưng mỗi kilogam mứt gừng chỉ có giá khoảng từ 50-70 nghìn đồng.

Đến cố đô nếm món mứt gừng cay nồng thơm ngon khó cưỡng - 4

Để có được món mứt gừng ngon đúng điệu, những người thợ ở Kim Long phải hoàn toàn làm mứt bằng phương thức thủ công.

Theo ông Thử, hiện ở Kim Long còn khoảng 20 hộ còn bám trụ với nghề và hoàn toàn làm thủ công. Bởi lẽ, chỉ có làm thủ công thì mới cho ra những miếng mứt gừng ngon nức tiếng tạo nên thương hiệu hàng trăm năm qua.  

Mứt gừng Kim Long luôn nổi tiếng với hương vị thơm ngon, cay nồng, không sử dụng chất phụ gia nên được rất nhiều người yêu thích. Mỗi dịp Tết đến xuân về, mứt gừng Kim Long luôn xuất hiện trên bàn uống trà của người dân ở Thừa Thiên – Huế và các vùng lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng.  

VIỆT HOÀNG
Bình luận
vtcnews.vn