Đêm trắng cùng bác sĩ trực cấp cứu

Sức khỏeThứ Năm, 08/11/2012 08:55:00 +07:00

Trong ký ức của tôi, đêm nằm chờ mổ trong bệnh viện Việt Đức mang một dấu ấn vô cùng đặc biệt.

Trong ký ức của tôi, đêm nằm chờ mổ trong bệnh viện Việt Đức mang một dấu ấn vô cùng đặc biệt.


Tiếng rên xiết của người bệnh sau phẫu thuật, sự hốt hoảng của người nhà bệnh nhân khi thấy tình trạng người thân bị xấu đi, từ bộ quần áo bệnh nhân, ga giường bệnh viện, đến những chiếc blus đều một màu trắng toát đến gai người.

Cực hình trên giường bệnh

Tôi những tưởng mình không đủ sức vượt qua cuộc chụp Angiography để xác định tổn thương trong mạch máu não. Tôi cảm nhận rõ ràng sợi dây xuyên vào mạch máu, đi qua cơ thể và dừng lại ở sau gáy khiến tôi lịm đi trong nhiều giây.

Một ca cấp cứu lúc nửa đêm 
Thì ra, cuộc xét nghiệm không tới mức nguy hiểm như sự tưởng tượng của tôi. Tâm trí tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo và tôi vẫn trò chuyện với kỹ thuật viên như lúc bình thường.

Sau xét nghiệm, tôi phải nằm bất động suốt 8 tiếng, thời gian đủ để làm lành tổn thương của mạch máu. 8 tiếng nằm ngay đơ trên giường như một khúc gỗ, giường nhỏ nhưng phải ghép 2 người vì quá tải bệnh nhân.

Từng giờ trôi qua trong căng thẳng, mệt mỏi, tôi cứ cố gắng nén mình chịu đựng sự ê ẩm lan ra toàn thân. Chưa bao giờ thời gian lại trôi đi chậm chạp đến thế. Tôi không cảm nhận nỗi đau của tổn thương ở mạch máu, mà lại thấu suốt sự đau nhức của thân thể mình.

12h đêm, phòng bệnh đèn vẫn bật sáng trưng. Trên chiếc giường bệnh bên cạnh, một người đàn ông vừa qua phẫu thuật cột sống phải nằm cố định với chiếc áo giáp nẹp cứng người không thể cử động. Khi thuốc giảm đau hết tác dụng, tiếng rên rỉ mỗi lúc một lớn vọng ra bên ngoài hành lang…

Những âm thanh đó không lạ lẫm với bác sĩ, y tá, điều dưỡng của khoa Phẫu thuật thần kinh. Nhiều khi chính tiếng rên xiết đó làm họ cảm thấy yên lòng, vì bệnh nhân tỉnh táo và biết đau đớn, chứ sau phẫu thuật mà người bệnh hôn mê bất tỉnh thì tiên lượng rất xấu.

Những tình huống bất ngờ

Hơn 1h sáng, một bệnh nhân ngoài 50 tuổi, người Hà Nội được tiếp nhận vào phòng trong tình trạng mê sảng. Nghe vợ và con của bệnh nhân nói chuyện với nhau, tôi biết bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán tổn thương não.
Những ca mổ khó thường lấy đi của bác sĩ hơn 10 tiếng đồng hồ 
Các y tá tiến hành truyền thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chừng 10 phút sau, bệnh nhân ú ớ kêu rét, người run lên cầm cập. Vợ bệnh nhân cuống quýt lấy chăn đắp cho chồng rồi la lối y tá: “Tại sao truyền nhanh thế, chồng tôi mà làm sao thì tôi sẽ không để yên đâu”.

Một tốp y tá, điều dưỡng ào đến, người đo huyết áp, nhiệt độ, người chạy đi gọi bác sĩ. Vợ bệnh nhân bốc điện thoại gọi cho người quen nào đó "chị đến giúp em ngay đi, tình hình chồng em căng lắm, họ làm ăn thế này thì chết người lúc nào không hay".

Ít phút sau, “chị người quen” (cũng là bác sĩ trong bệnh viện) của bệnh nhân có mặt. Sau khi trực tiếp trao đổi với bác sĩ điều trị, người đó động viên vợ bệnh nhân. “Không có gì nghiêm trọng đâu em. Em phải bình tĩnh để bác sĩ làm việc, đừng rối lên như thế. Ở khoa này, toàn bác sĩ, y tá giỏi, được họ chăm sóc là nhất rồi. Cứ yên tâm em ạ”. Nghe lời người quen trấn an, vẻ mặt vợ bệnh nhân đã phần nào đỡ căng thẳng hơn.

Tại khoa phẫu thuật thần kinh, những bệnh nhân nặng, bệnh nhân mới phẫu thuật, các y tá điều dưỡng phải thường xuyên kiểm tra tình trạng của người bệnh, một tiếng đo huyết áp, đo nhiệt độ một lần, thuốc tiêm và truyền thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Một đêm các bác sĩ cũng phải mổ 5-6 ca cấp cứu cho những bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Dường như bước chân của bác sĩ, y tá, điều dưỡng gấp gáp và vội vã hơn rất nhiều bước chân của người bình thường. Đêm cũng như ngày, lượng bệnh nhân không ngừng tăng lên…

Một đêm trắng trong bệnh viện giúp tôi thấu hiểu, đồng cảm và quý trọng đội ngũ những người y bác sĩ hơn. Đằng sau vẻ mặt lạnh lùng và những “tai tiếng”, phần đông trong số họ là những con người giàu lòng nhân ái, luôn hết lòng vì người bệnh.

Theo Xzone

Bình luận
vtcnews.vn