Đêm cuối của Bin Laden qua lời kể của cựu đặc nhiệm SEAL

Thế giớiThứ Tư, 03/05/2017 07:49:00 +07:00

Cựu lính bắn tỉa Robert O'Neill kể anh bắn 2 phát đạn vào Osama bin Laden, hạ gục trùm khủng bố đang đứng sau lưng vợ, dù tuyên bố này đến nay vẫn gây tranh cãi.

Robert O'Neill, 41 tuổi, cựu lính bắn tỉa của đội đặc nhiệm SEAL thuộc Hải quân Mỹ, từng nhiều lần tuyên bố một mình anh nã hai viên đạn vào Osama bin Laden, giết chết kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố 11/9.

Theo New York Daily News, anh đã phát hành cuốn sách kể lại câu chuyện này. Trong "The Operator: Firing the Shots that Killed Bin Laden" (tạm dịch "Người thi hành chiến dịch: Bắn phát đạn giết chết Bin Laden"), cựu lính bắn tỉa thuộc biệt đội 6 của SEAL tường thuật chi tiết những gì đã xảy ra vào đêm 2/5/2011 tại khu nhà ở Abbottabad, Pakistan.

Hinh anh

Cựu đặc nhiệm SEAL Robert O'Neill và bìa cuốn sách. (Ảnh: Getty, Instagram)

Tranh cãi vẫn nổ ra xoay quanh lời kể của O'Neill về cuộc đột kích và phần lớn ý kiến tập trung vào việc anh đã phá vỡ quy tắc im lặng trong các chiến dịch đặc biệt. Song O'Neill vẫn tiếp tục mập mờ bằng lối kể chuyện màu mè của mình và một lần nữa chọc vào "tổ ong" quân đội.

Bin Laden dùng vợ làm lá chắn

Theo lời kể của O'Neill, đêm đó anh đi cùng 5 hoặc 6 đặc nhiệm SEAL khác leo cầu thang lên tầng hai của khu nhà. Họ phát hiện con trai của trùm khủng bố, Khalid bin Laden (23 tuổi), xuất hiện ở góc cầu thang với một khẩu AK-47.

Một chuyên viên phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trước đó đã thông báo cho các binh sĩ: "Nếu tìm thấy Khalid thì Osama ở tầng kế tiếp".

Người chỉ huy của đội lính Mỹ vốn học thuộc câu nói "Khalid, tới đây" bằng cả tiếng Arab và Urdu. Anh nói bằng âm lượng khá nhỏ nhưng đủ khiến người con trai của bin Laden lập tức bối rối.

Y ló đầu ra nói "Gì đấy?" và rồi lập tức bị bắn vào mặt.

Khi đã lên lầu, những người lính tản ra để lục soát. O'Neill và người chỉ huy quyết định đối mặt với trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ. Cùng ở trong căn phòng với Bin Laden là 3 trong số 4 người vợ và 17 đứa con.

Hinh anh

 Trùm khủng bố Osama bin Laden khi còn sống. (Ảnh: AP)

O'Neill viết: "Chỉ huy nói chúng tôi nên đợi thêm người rồi mới tiến hành nhưng chúng tôi cần phải lên đó ngay... Tôi nảy ra một ý định rõ ràng như có ai đó đang nói trong đầu mình. Tôi chán khi phải cứ lo lắng, hãy kết thúc chuyện này. Đó không hẳn là sự dũng cảm, nó giống sự mệt mỏi hơn. Tôi đã chờ đợi quá đủ rồi".

O'Neill đặt tay của mình trên vai người chỉ huy. Hai người ở một mình trên cầu thang, tin rằng bất cứ ai ở tầng ba đều đeo đai bom tự sát để kháng cự lần cuối. Cuối cùng người chỉ huy nói: "Này, chúng ta phải đi thôi, chúng ta phải đi thôi".

Ở tầng thứ ba, người chỉ huy nổ súng khi thấy một bóng người xuất hiện chớp nhoáng phía sau bức màn trên lối vào.

O'Neill và người chỉ huy bắt gặp hai người phụ nữ ở đầu cầu thang. Người chỉ huy lập tức ghì chặt họ xuống sàn nhà với với suy nghĩ nếu họ đeo đai bom tự sát, cơ thể anh sẽ cản được sức ép từ vụ nổ, tạo cơ hội cho O'Neill ra tay.

Video: Đặc nhiệm SEAL kể lại quá trình tiêu diệt Bin Laden

O'Neill tiến vào căn phòng, Bin Laden đứng gần giường, hai tay đặt trên vai của người phụ nữ trước mặt ông ta. Về sau người này được xác định là Amal, người vợ trẻ nhất.

Theo O'Neill, bà ta là người đứng sau bức màn. Hóa ra bà đã bị người chỉ huy bắn vào bắp chân khi làm lá chắn cho chồng mình.

"Trong chưa đầy một giây, tôi nhắm phía trên vai phải của người phụ nữ và bóp cò hai lần", anh viết. "Đầu Bin Laden vỡ ra, và ông ta gục gã".

"Tôi nã một viên đạn khác vào đầu ông ta. Cho chắc".

O'Neill nói các thành viên khác trong nhóm đặc nhiệm lao vào phòng sau khi anh đặt một cậu bé 2 tuổi co rúm ở một góc cùng người vợ của Bin Laden lên giường.

"Giờ ta làm gì?", O'Neill hỏi, đầu óc trống rỗng.

Hinh anh  3

Tổng thống Barack Obama và các quan chức theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt bin Laden. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Một trong những đồng đội của anh cười: "Bây giờ chúng ta đi tìm máy tính".

"À, đúng rồi", O'Neill nói. “Tôi tỉnh rồi. Chết tiệt".

Người lính kia trả lời: "Vâng, anh vừa giết Osama bin Laden".

Một chuyến bay dài 90 phút đưa đội đặc nhiệm về căn cứ ở Afghanistan. Cái đầu vỡ nát của Bin Laden đã được ép lại với nhau để chụp ảnh nhận diện tại hiện trường.

Tranh cãi về kỷ luật và đạo đức

Trong thông cáo về cuốn sách mới do nhà xuất bản Scribner phát hành, O'Neill nói anh muốn cho thấy "khía cạnh con người" của những cuộc chiến vì lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.

"Họ là những con người phi thường, nhưng họ cũng là những con người bình thường và tôi tự hào được chiến đấu cùng họ", anh nói. "Tôi cũng muốn cho thấy rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, bất kể bạn đến từ đâu, miễn là bạn chăm chỉ, tránh xa những điều tiêu cực và không bao giờ từ bỏ".

O'Neill lần đầu tuyên bố anh là người giết chết bin Laden vào năm 2014. Chính phủ Mỹ chưa từng thừa nhận hay bác bỏ tuyên bố này.

Hinh anh  4

Robert O'Neill khi còn là lính SEAL. (Ảnh: Facebook)

Khi đó, người đứng đầu Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Hải quân Mỹ gửi đi một bức thư chỉ trích những vụ vi phạm nguyên tắc của SEAL về quảng bá hình ảnh cá nhân.

"Một trụ cột quan trọng trong nguyên tắc của chúng ta là 'Tôi không quảng cáo bản chất công việc của tôi cũng như không tìm kiếm sự công nhận cho hành động của tôi", Chuẩn Đô đốc Brian Losey viết.

"Nguyên tắc này là cam kết và nghĩa vụ trọn đời của chúng ta, cả khi tại ngũ lẫn khi giải ngũ. Những người vi phạm nguyên tắc không phải là đồng đội tốt cũng không phải là đồng đội đại diện cho Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Hải quân".

Trong vài tuần sau khi sứ mệnh bin Laden hoàn thành, O'Neill nghe nói rằng những đồng đội SEAL "tố" anh khoác lác, ngay cả khi những cuộc gọi chúc mừng vẫn dồn dập ùa về từ khắp nơi.

Các sếp của anh yêu cầu được biết anh đã kể với ai và bao nhiêu người. O'Neill nói rằng anh luôn đưa ra câu trả lời giống nhau: Không ai cả.

Sau tuyên bố vào năm 2014, O'Neill bị nhiều đồng đội SEAL chỉ trích. Dù vậy, anh đã bắt đầu sự nghiệp diễn thuyết được cho là thành công. Ngay cả khi có thông tin anh là mục tiêu của IS, O'Neill vẫn không trốn tránh.

"Tôi tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do", anh viết ở phần cuối cuốn sách. “Tôi phải dốc sức làm tốt nhất có thể".

Hinh anh  5

Sau khi rời quân ngũ, Robert O'Neill trở thành diễn giả nổi tiếng. (Ảnh: Yellow Hammer)

Cuốn sách của O'Neill ra mắt 5 năm sau khi cuốn "No Easy Day" (tạm dịch "Ngày không dễ dàng") viết về chiến dịch bin Laden của đồng đội Mark Bissonnette được phát hành. Trong cuốn sách bán chạy, Bissonnette không nêu rõ ai là người đã bắn chết bin Laden, chỉ nói chung là "người chỉ huy".

Bissonnette đã đồng ý nộp 6,8 triệu USD trong tổng số tiền thu được từ việc phát hành sách cho việc sử dụng thông tin mật và vi phạm thỏa thuận không tiết lộ. Anh cũng từ chối bình luận về tuyên bố của O'Neill.

Nhà xuất bản Scribner nói cuốn sách của O'Neill sẽ "cung cấp những câu chuyện đầy sức mạnh cũng như những góc nhìn mới về cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, và sẽ cho thấy tình đồng đội kiên gan, độc nhất giữa những người lính SEAL - rất nhiều người trải qua 300 ngày xa gia đình và dựa vào đồng đội để sống sót".

Lần đầu tiên giết ngườiO'Neill sinh ra tại Butte, bang Montana. Anh đã phục vụ mười năm trong Hải quân trước khi trở thành lính bắn tỉa tinh nhuệ của SEAL.

Vụ đầu tiên của anh diễn ra vào năm 2006 khi anh là thành viên của nhóm chịu trách nhiệm tấn công mạng lưới của Abu Musab al-Zarqawi, một lãnh đạo al-Qaeda ở miền tây Iraq.

Nhóm 5 người của O'Neill bao gồm Jonny Savio (một tên giả). Cuộc đột kích diễn ra như một màn trình diễn trong nhà ma khi một người đàn ông với một AK-47 đột nhiên xuất hiện ở ngưỡng cửa.

Video: Lính Mỹ uống máu rắn hổ mang, nuốt bọ cạp để sinh tồn

"Sự kết hợp của adrenaline, bộ nhớ cơ bắp và sự tập trung siêu nhân không để lại bất kỳ khoảng trống tâm linh nào cho nỗi sợ hãi", anh viết. "Cảm xúc duy nhất của tôi trong những giây phút thực chiến là... sự tò mò".

Tiếng súng nổ và đạn bay vèo vèo trên đầu O'Neill. Anh nói những cú nhắm bắn tệ hại của kẻ thù đã mang lại cơ hội.

"Tôi hiểu ra là họ tin rằng Thánh Allah sẽ dẫn đường cho viên đạn của họ. Vậy thì nhắm làm gì nữa?", anh viết. "Niềm tin của họ có lẽ là lý do chính khiến tôi vẫn còn nguyên vẹn".

Khi tòa nhà đã được lục soát, O'Neill và Jonny di chuyển vào một con hẻm. Hai gã đàn ông mang súng đột nhiên xuất hiện. Hai người lính Mỹ bóp cò cùng lúc.

“Khốn thật, Jonny", O'Neill nói với đồng đội. "Tôi vừa giết gã đó".

Đó là lần đầu tiên O'Neill giết người. Cũng là lần đầu của Jonny.

"Nó không giống như những gì bạn thấy trong các bộ phim", anh nhớ lại. "Con người không bay vọt đi khi bạn bắn họ. Họ chỉ ngã quỵ trong những tư thế kỳ quặc".

Ba năm sau, chàng lính bắn tỉa tham gia chiến dịch giải cứu thuyền trưởng Richard Phillips của chiếc tàu buôn Maersk Alabama bị một nhóm cướp biển Somali bắt làm con tin.

O'Neill xin giải ngũ vào năm 2012 sau 400 nhiệm vụ và vô số huân huy chương, gồm hai sao bạc và bốn sao đồng. Sau khi trở về cuộc sống đời thường, anh và vợ chia tay. Hiện anh đã đính hôn với một phụ nữ 27 tuổi ở New York.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn