Đề xuất tăng thuế VAT: Cảnh báo nguy cơ tăng giá mới

Kinh tếThứ Ba, 22/08/2017 07:48:00 +07:00

Theo các chuyên gia, với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) thông thường lên 12% hoặc 14% (thay cho mức 10% hiện hành), chắc chắn sẽ có đợt tăng giá mạnh nhiều mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, y tế, giáo dục…

Lo tác động dây chuyền

Theo tính toán của các chuyên gia, như với mặt hàng xăng, hiện có 4 loại thuế chính thức đánh lên giá xăng, gồm: Thuế nhập khẩu (10-20% tùy nước nhập), VAT 10%, tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế môi trường 3.000 đồng/lít. Theo Bộ Tài chính, tính trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng thuế chỉ chiếm 37,49% giá xăng.

Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia cho rằng con số này thực tế áp dụng sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn hơn rất nhiều so với tính toán. Cụ thể, chỉ tính riêng việc tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng năm 2015, đã giúp thu ngân sách tăng thêm 3.567 tỷ đồng (từ 4.410 tỷ đồng năm 2014 lên 7.977 tỷ đồng năm 2015).

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho tăng khung thuế môi trường với xăng lên từ 3.000 -  8.000 đồng/lít. Tuy Bộ Tài chính lý giải đây mới là tăng khung, chưa phải để tăng ngay, nhưng có thể diễn ra bất kể khi nào.

TT1_BVBF

Ảnh minh họa. 

Theo tính toán của vị chuyên gia này, với mức giá xăng bán lẻ ngày 21/8 là 17.486 đồng/lít. Nếu xăng nhập về Singapore, riêng các khoản thuế đã ngốn gần 10.000 đồng/lít xăng.

Nếu thuế VAT và môi trường cùng tăng, chi phí người tiêu dùng bỏ ra mua xăng sẽ chủ yếu đổ vào ngân sách nhà nước qua các khoản thuế. Chưa kể, hiện hầu hết doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn do nhà nước nắm cổ phần chi phối, lợi nhuận có được đa số lại rơi vào “túi” nhà nước.

“Giờ Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng thuế VAT lên 12% hoặc 14% (theo 2 phương án), đồng nghĩa giá xăng cũng tăng thêm 2-4% thuế so với hiện nay. Nếu thuế VAT và thuế môi trường cùng tăng, chỉ tính riêng mặt hàng xăng sẽ phải gánh thêm chi phí thuế rất lớn. 

Xăng là đầu vào của nhiều loại hàng hóa, do đó, giá chỉ cần nhích lên chút xíu sẽ có tác động rất lớn tới các ngành khác. Và người gánh chịu là người tiêu dùng sau cùng”, một chuyên gia tài chính đánh giá.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), thay đổi chính sách thuế sẽ tạo ra tác động dây chuyền và phức tạp phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mọi sự điều chỉnh về thuế (mở rộng hay thu hẹp phạm vi điều chỉnh; tăng thuế suất; điều chỉnh ưu đãi thuế…) cần thực hiện điều tra để lấy số liệu thực tế đánh giá một cách khoa học, dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn làm căn cứ quyết định chính sách.

Ông Trường cho rằng, muốn giảm nghĩa vụ thuế thì phải giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN), nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt NSNN, tăng nợ công… mà hậu quả của nó là ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

“Câu chuyện về thuế không chỉ đơn thuần về thuế mà là nhiều vấn đề khác như: nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước; tinh giản biên chế; quản lý chi tiêu NSNN tiết kiệm và hiệu quả; chống tham nhũng hiệu quả…”, ông Trường nêu ý kiến.

GS.TS Nguyễn Đức Khương - Phó giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh (Pháp), một trong 15 chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng: Tăng thuế giá trị gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân do chi phí tiêu dùng sẽ tăng lên. Nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Cũng theo ông Khương, hiện tại, mức thuế VAT cao nhất của Việt Nam theo dự kiến tăng của Bộ tài chính (12%) tương đương với một số nước châu Á như Ấn Độ, Philippines, và thấp hơn mức trung bình thế giới (khoảng 16%) và Trung Quốc (17%).

Video: Tăng VAT lên 12%, khoảng thu khủng sẽ dùng để làm gì?

“Theo tôi, tăng VAT phải đi kèm với việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi tiêu thường xuyên không cần thiết. Quan trọng nhất là Bộ Tài chính cần đề ra một lộ trình rõ ràng và giải trình được tăng thuế để sử dụng vào việc gì” - chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ bày tỏ.

Lợi bất cập hại

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.

Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Cũng theo TS Vũ Thành Tự Anh, hiện tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam.

Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Theo tính toán, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.

“Quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.

Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả”, TS Vũ Thành Tự Anh phân tích.

Quanh đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng: Cảnh báo nguy cơ tăng giá mới - ảnh 1

 Thuế VAT tăng người nghèo lại càng nghèo thêm. (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân

Theo chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh, thuế VAT là một loại thuế gián thu, tức là DN đóng hộ người tiêu dùng. Tăng VAT tức là toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tăng VAT mà giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân.

Theo số liệu từ bảng cân đối liên ngành (I/O) mới nhất của Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập từ sản xuất trong giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% tiêu dùng cuối cùng. Về nguyên tắc thu nhập từ sản xuất bao gồm: BHXH, BHTN, BHYT, kinh phí công đoàn (34% tổng quỹ lương thực lĩnh).

BHYT, BHXH và BHTN đã được người lao động và người về hưu sử dụng (tiêu dùng), nếu loại trừ kinh phí công đoàn thì thu nhập từ sản xuất chỉ còn 92% tiêu dùng cuối cùng. Như vậy để có thể tiêu dùng và một phần để dành, người dân cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất, sở hữu và chuyển nhượng các khu vực thể chế khác để bù đắp cho khoảng thiếu hụt đó. Trong giai đoạn trước tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.

Video: Đề xuất tăng thuế VAT - tăng thu hay tận thu?

“Đa số người lao động Việt Nam làm còn chưa đủ chi tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, việc tăng thuế sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà cách xa hơn”, ông Trinh nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng, với câu chuyện tác động kinh tế nói chung, có thể thấy GDP = Tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + VAT. Do đó, tăng thuế này nhìn thoáng qua tưởng chừng như có thể làm tăng GDP trong tức thời nhưng thực tế lại làm suy giảm nguồn lực của nền kinh tế ở những chu kỳ sản xuất sau.

Bởi tăng VAT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng lên khiến cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng theo. Như vậy, thực chất GDP không tăng lên mà thậm chí giảm đi ở ngay chu kỳ sản xuất sau đó. Ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ khó khăn.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, lập luận tăng thuế VAT vì Việt Nam có thuế suất thấp hơn nhiều nước như EU (ở mức 15-17%) chưa thuyết phục. Sắc thuế của mỗi nước phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của nước chứ không thể dùng kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ quyết định chính sách.

“Nếu chọn kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ thì phải chọn nước tương đồng Việt Nam về trình độ, mục tiêu phát triển, điều kiện kinh tế hiện tại và vai trò về giá trị gia tăng trong nền kinh tế. Việc so sánh thuế VAT của Việt Nam với EU là điều kỳ lạ”, ông Ánh nói.

Theo TS Vũ Đình Ánh, khác nhiều loại thuế khác, tăng thuế VAT tác động đến cả xã hội từ DN đến dân (bởi mọi hàng hoá đều chịu VAT). Chúng ta phải cân nhắc cẩn trọng và đánh giá toàn diện khi muốn điều chỉnh vì phạm vi ảnh hưởng lớn, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. “Ngoài ra, muốn so sánh với quốc tế để làm căn cứ thuế, vì sao cơ quan nhà nước không lấy ví dụ các nước như ở Nhật Bản, Mỹ, thuế tiêu dùng chỉ 5%. Bộ Tài chính muốn tăng VAT phải tìm căn cứ khác để lập luận, thuyết phục hơn nữa”, ông Ánh nêu quan điểm.

Một chuyên gia kinh tế được mời dự cuộc họp kín của Bộ Tài chính với các chuyên gia về việc tăng thuế VAT và các loại thuế khác cho biết, với các đề xuất tăng thuế (như thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), Bộ Tài chính không đưa được ra cơ sở của đề xuất, như: Tại sao VAT tăng thêm 2%? Tại sao loại một số hàng hóa thiết yếu đưa ra khỏi danh mục miễn, giảm thuế? Ý kiến của doanh nghiệp thế nào?...

Theo chuyên gia này, đáng lẽ khi đưa ra một đề xuất nào tác động lớn tới xã hội như tăng thuế, Bộ Tài chính phải có nghiên cứu, đánh giá tác động, cơ sở lập luận rõ ràng. Do đó, buổi làm việc chỉ là để Bộ Tài chính mong chuyên gia ủng hộ các đề xuất của mình. Trong số các chuyên gia có mặt, cũng chỉ 1 người đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính.

Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng -TS Vũ Thành Tự Anh

Một chuyên gia có mặt trong cuộc gặp cuối tuần trước giữa Bộ Tài chính và một số chuyên gia kinh tế về đề xuất điều chỉnh chính sách thuế tiết lộ: Cuộc gặp kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, nhưng mất 1 giờ nghe lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo và thuyết phục về các phương án tăng thuế do bộ này đưa ra. Trong 1 giờ còn lại, mỗi chuyên gia góp ý được 5-7 phút. “Chừng ấy phút thì góp ý được gì, trong khi tăng hàng loạt thuế là một đề án lớn, tác động sâu rộng tới xã hội như vậy. Chỉ cần nói về thuế VAT hoặc thuế thu nhập cá nhân đã không đủ thời gian rồi”, vị chuyên gia tiết lộ.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn