Đề xuất lùi giờ làm việc: 'Thời gian nghỉ trưa 60 phút đã có nhiều chuyện phải bàn'

Thời sựThứ Bảy, 04/05/2019 16:36:00 +07:00

Trước đề xuất điều chỉnh giờ làm việc có ý kiến cho rằng, chỉ nói đến thời gian nghỉ trưa 60 phút đã thấy có nhiều chuyện phải bàn.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 đang gây nhiều tranh cãi.

Khó khả thi

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng cho rằng, việc thống nhất giờ làm như dự thảo đưa ra cần phải xem xét thận trọng, thấu đáo.

Cũng theo ông Sơn ở nước ta, việc áp dụng giờ giấc làm việc như dự thảo đưa ra là rất khó khả thi. 

gio-lam-viec

Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo đề xuất điều chỉnh giờ lao động là khó khả thi.

"Ở đây ta chưa bàn đến giờ bắt đầu và kết thúc ngày làm việc mà chỉ nói đến thời gian nghỉ trưa 60 phút đã thấy có nhiều chuyện phải bàn.

Thói quen của người lao động Việt Nam, đặc biệt trong khối hành chính, buổi trưa là phải có một giấc ngủ. Cái này không chỉ là nói quen mà phải nói đã trở thành tập quán rồi. Để thay đổi tập quán, đó là điều rất khó khăn”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, giờ làm việc của công chức, người lao động liên quan đến chuyện con cái học hành, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề xã hội khác.

“Ở các quốc gia khác, để áp dụng thống nhất giờ làm việc rất thuận lợi vì hệ thống an sinh xã hội của họ rất tốt. Họ không phải lo chuyện con cái đi học, trưa con về nhà thế nào, ăn, ngủ ra sao, hoàn toàn không phải lo gì”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, một điều cần phải lưu ý nữa là ở các đô thị, vấn đề giờ giấc làm việc không cần phải bàn, nhưng ở các khu vực khác thì sao. Vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu để đánh giá lại.

 
Ở các thành phố, các khu công nghiệp tập trung, việc quy định giờ làm việc này là thuận lợi, nhưng với những tỉnh, thành phố và các khu vực không làm việc tập trung là chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Văn An, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho rằng, quy định giờ làm việc chung của công chức là 8h30, nghỉ lúc 17h30 thì chỉ hợp lý đối với một số bộ phận.

“Nhìn tổng thể, mỗi bộ phận này mang những đặc thù khác nhau về công việc nên việc áp dụng chung là rất khó. Ở các thành phố, các khu công nghiệp tập trung, việc quy định giờ làm việc này là thuận lợi, nhưng với những tỉnh, thành phố và các khu vực không làm việc tập trung là chưa hợp lý”, ông An nói.

Ông An lấy ví dụ ở Hà Nội, cán bộ công chức làm việc từ 8h đã từ lâu, còn các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ và nhiều địa phương khác thì có khi 7h30 người ta đã làm việc rồi.

Quy định như thế, nhưng nên theo hướng mở, tùy điều kiện ở các địa phương mà vận dụng linh hoạt, phù hợp thực tế. Mặt khác, cũng phải tùy thuộc vào vị trí địa lý của các vùng, miền mà áp dụng quy định giờ làm việc.

“Anh quy định 8h thì ở mũi hướng Tây phù hợp nhưng lúc đó ở mũi hướng Đông mặt trời đã đứng bóng rồi. Bởi mũi hướng Đông mặt trời lên sớm, 6h là đã sáng, còn mũi hướng Tây phải 7h mới sáng”, ông An nói.

Cũng liên quan đến ự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, ngày 4/5, trả lời PV VTC News, ông Phan Xuân Quang (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam) cho rằng, đề xuất giờ làm việc các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 là không phù hợp.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, việc thay đổi khung giờ làm việc cần phải nghiên cứu sâu và kỹ càng hơn. Khung giờ làm việc phải dựa vào khí hậu, thời tiết, tập quán…của mỗi vùng miền và cả mối quan hệ các tầng lớp nhân dân, lao động trong xã hội. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.

Nói rõ hơn về những luận điểm mà mình vừa nêu, ông Quang dẫn chứng: “Chẳng hạn công chức, viên chức đưa con đi học trong khoảng thời gian từ 6h30 – 6h45. Vậy nếu thay đổi giờ làm việc vào lúc 8h30 thì sẽ dư ra một lượng thời gian lớn và theo tôi, khung giờ hiện nay đã khá hợp lý”.

Để thị trường lao động tự điều tiết

Theo ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TP.HCM), dưới góc độ hành chính, giờ làm việc chung của người lao động linh hoạt, tuỳ thuộc vào từng ngành, từng nghề trong khu vực.

Ông Hà cho biết, thực tế, giờ giấc không quan trọng bằng cách quản lý mỗi nơi, mỗi đơn vị sao cho đạt hiệu quả lao động tốt nhất.

lehoangha-1342218 3

  Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TP.HCM).

Nhà nước không cần thiết quy định về giờ làm việc của người lao động. “TP.HCM không nên thay đổi giờ giấc làm việc của cơ quan hành chính. Giờ giấc làm việc của cán bộ công chức, viên chức nên giữ ổn định và phù hợp như hiện nay, đặc biệt bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính cấp quận, cấp phường.

Ở các nước khác do thời tiết lạnh giá, hoặc quá nóng thì họ sẽ điều chỉnh thời gian làm việc cho phù hợp. Còn ở nước ta phong tục, thói quen dậy sớm làm việc đã có từ lâu đời nên khó bỏ được. Ngay cả công việc của các cơ quan hành chính cũng tập trung giải quyết vào buổi sáng rất nhiều, còn buổi chiều rất hạn chế”, ông Hà lí giải.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho rằng, các khối ngành công chức khác có thể thay đổi tùy thuộc theo đặc thù công việc như khối y tế để hoạt động 24/24 để phù hợp với nhu cầu xã hội. Trước đây, TP.HCM đã chủ động sắp xếp khối giáo dục lệch múi giờ để hạn chế kẹt xe thì giờ cũng nên xem xét.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1, TP.HCM) cho biết thành phố nên giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay, tức sáng làm việc lúc 7h30, nghỉ trưa 11h30; còn giờ chiều 13h làm việc, 17h nghỉ.

“Việc sắp xếp thời gian làm việc cơ quan nhà nước ở TP.HCM như hiện nay phù hợp với giờ giấc, đảm bảo nhu cầu người dân đến giao dịch chính. Không phải chỉ riêng công chức mà người dân ở TP.HCM đã quen với nề nếp làm việc như hiện nay”, ông Sĩ nói.

 
Thay đổi thời gian làm việc muộn hơn sẽ lãng phí thời gian buổi sáng của người dân, xã hội

Ông Lê Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1, TP.HCM)

Theo ông Sĩ, với dự thảo điều chỉnh giờ làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội muộn như vậy là không ổn.

“Ở các công ty nước ngoài, nhân viên làm việc chậm nhất 8h mà công chức làm việc 8h30 thì không ổn. Khi người ta đến sớm, muốn kiếm giấy tờ thì rất khó. Hiện nay, nhân viên công ty người ta có thể đến sớm hơn giao dịch giấy tờ rồi trở về làm việc vẫn đúng giờ.

Thay đổi thời gian làm việc muộn hơn sẽ lãng phí thời gian buổi sáng của người dân, xã hội”, ông Sĩ đưa ra dẫn chứng.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Quỳnh Trang, Hiệu trường Trường tiểu học Xuân Viên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, khi nghe tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình điều chỉnh giờ làm việc cơ quan nhà nước muộn hơn bà rất bất ngờ.

Theo bà Trang, việc thay đổi giờ làm việc cơ quan nhà nước chỉ phù hợp với những thành phố lớn, đặc thù để phục vụ nhu cầu phát triển.

“Ở Hà Tĩnh thời tiết rất khắc nghiệt. Vào mùa hè, nếu cơ quan hành chính ở Hà Tĩnh làm việc lúc 8h30 thì quá muộn, thời tiết oi bức, không thể tập trung. Thời gian nghỉ quá ít cũng khiến công chức dễ căng thẳng, hiệu quả kém.

Mặt khác, ở tỉnh thì hoạt động làm việc rầm rộ vào sáng sớm nên việc khối hành chính nhà nước làm muộn như vậy sẽ khó phục vụ tốt cho người dân”, Hiệu trường Trường tiểu học Xuân Viên thông tin.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến, trong đó có nhiều nội dung được điều chỉnh.

Đáng chú ý, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Phương án 1, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Quy định thời gian làm việc này không áp dụng với những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

Quang Anh - Xuân Tiến - Thanh Ba
Bình luận
vtcnews.vn