Đề xuất hình sự hóa hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài

Pháp luậtThứ Bảy, 03/03/2018 21:50:00 +07:00

Các chuyên gia đề xuất cần phải hình sự hóa hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài (CCNN) và xem hành vi này cũng là tham nhũng.

Nhiều bất cập trong luật

Tại buổi tọa đàm khoa học “Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài: Phân tích so sánh kinh nghiệm quốc tế và vận dụng cho Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, cần phải hình sự hóa hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài và xem hành vi này cũng là tham nhũng.

28577332_357431884735934_6825226564149572819_n-1653576 3

 Việt Nam còn thiếu một số cơ chế bảo đảm việc thực thi quy định của BLHS năm 2015 về đưa hối lộ CCNN, công chức của tổ chức quốc tế công. 

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Luật Hà Nội về vấn đề trên, TS Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công, Viện Luật so sánh (Đại học Luật Hà Nội) cho biết, quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2018 nhưng có một điểm bất cập hiện nay là hiểu biết cũng như nhận thức về tội phạm hối lộ CCNN của những cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế.

Bà Thu phân tích, mặc dù quy định đối tượng tác động là CCNN hoặc công chức của tổ chức quốc tế công song BLHS lại không đưa ra định nghĩa về các đối tượng này.

Không những thế, Việt Nam còn thiếu một số cơ chế bảo đảm việc thực thi quy định của BLHS năm 2015 về đưa hối lộ cho CCNN, công chức của tổ chức quốc tế công.

Cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ, phối hợp trong tố tụng hình sự, đặc biệt là trong điều tra, truy tố, xét xử có vụ án có yếu tố nước ngoài thì còn thiếu cụ thể và khó thực hiện.

Để bảo đảm tính đồng bộ của cơ chế pháp lý, bà Thu và nhóm nghiên cứu đề xuất Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi theo hướng quy định mở rộng phạm vi các hành vi là đối tượng điều chỉnh của Luật này.

Theo đó, hành vi đưa hối lộ nói chung, trong đó có đưa hối lộ cho CCNN cần bị liệt kê vào các dạng hành vi chịu sự điều chỉnh của Luật. Chỉ khi ấy mới có cơ sở cho việc đưa ra những quy định ngăn ngừa, phát hiện hành vi đưa hối lộ, tạo cơ chế phòng ngừa và phát hiện hối lộ hiệu quả hơn.

Nhóm chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể đối với việc giải thích và hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về hối lộ CCNN; việc hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về hối lộ CCNN; việc củng cố và hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tế trong phát hiện, xử lý hình sự hành vi đưa hối lộ cho CCNN cũng như đối với việc tăng cường nhận thức về tội phạm đưa hối lộ cho CCNN cho cán bộ thực thi pháp luật nhằm bảo đảm thực thi quy định tại Điều 364 BLHS năm 2015.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, thực tế trong xây dựng và vận hành pháp luật của Việt Nam hiện nay cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập.

“Hiện nay, từ thực tế xây dựng và vận hành pháp luật cho thấy, pháp luật Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Chúng ta cần phải có sự so sánh, học hỏi, đối chứng với luật pháp quốc tế để từng bước kiện toàn lại, mà như chúng tôi nói là phải “ném đá dò đường”, đây là điều cần thiết”, ông Công nói.

Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao - ông Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học cho rằng, thời gian qua, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác kinh tế và đầu tư với các nước trên thế giới.

Thực tế này làm phát sinh nguy cơ các nhà đầu tư trong nước thực hiện hành vi hối lộ công chức của Chính phủ, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế để dành được lợi thế kinh doanh và đầu tư quốc tế.

Trước khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999, Việt Nam đã trải qua chu trình tự đánh giá việc thực thi UNCAC trong những năm 2011 và 2012, phát hiện một số lỗ hổng, khoảng trống pháp luật đáng quan tâm, bao gồm cả vấn đề hối lộ CCNN. Đồng thời đề xuất những sửa đổi, bổ sung cần thiết để bảo đảm tương thích hơn với các quy định của UNCAC.

‘Chia sẻ tin tức’ và ‘chia tỉ lệ 20%’

Bàn về bước tiến của Việt Nam nhằm nội luật hóa yêu cầu của UNCAC liên quan tới hối lộ CCNN, tại cuộc tọa đàm khoa học tổ chức sáng 28/2, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 16 – Xây dựng thể chế mạnh mẽ, thúc đẩy hòa bình và công lý.

28276852_357431804735942_8819794633414654386_n

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc UNDP Việt Nam cho rằng Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến trong cải thiện pháp luật, từng bước phù hợp với luật quốc tế.

Bà Caitlin Wiesen cho biết: “Để có thể quản trị công hiệu quả, cần đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng vì sự phát triển bền vững của tất cả các xã hội và các dân tộc.

UNDP hỗ trợ nghiên cứu pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ CCNN nhằm chia sẻ những cách làm hay, những bài học trong việc hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN, để Việt Nam có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các cơ quan phòng chống tham nhũng có công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh”.

Chia sẻ kinh nghiệm về chống hành vi đưa hối lộ công chức, ông Gerry Mcgowan, Đại diện Cơ quan phòng chống tội phạm Anh quốc (Đại sứ quán Anh tại Việt Nam) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 – 40 tỷ USD bị thất thoát do tham nhũng và đưa hối lộ.

“Điều đáng nói là số tiền từ tham nhũng và hối lộ đó lại được chuyển sang Anh quốc và họ thông qua Anh quốc để thực hiện hành vi “rửa tiền”.

Hiện nay, luật pháp về chống đưa hối lộ và tham nhũng của nước Anh được đánh giá là một trong những bộ luật chặt chẽ và hiệu quả trên thế giới với những điều khoản quy định cụ thể, song quan trọng nhất vẫn là cơ chế thực thi”, ông Gerry Mcgowan nói.

Theo ông Gerry Mcgowan, kinh nghiệm trong việc thực thi luật phòng chống tham nhũng của nước Anh đó là chia sẻ thông tin cả kênh chính thức lẫn phi chính thức giữa các cơ quan chức năng với nhau và sự tham gia đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng.

Trong khi đó, bà Catharine A.Hartzenbusch, Tùy viên phụ trách lĩnh vực hình sự tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lại cho rằng, kinh nghiệm trong việc ngăn chặn hành vi đưa hối lộ cho công chức và tham nhũng nói chung của Mỹ chính là cơ chế chính sách “chia sẻ tài sản tham nhũng”.

“Ở Mỹ, chúng tôi xây dựng cơ chế chia sẻ trong quá trình xử lý tài sản tham nhũng, đưa hối lộ mà cơ quan chức năng thu hồi được và cơ chế này ở Mỹ tỏ ra rất hiệu quả.

Cụ thể, tại nhiều bang, có quy định là người phát hiện hoặc tố cáo hành vi đưa hối lộ và tham nhũng sẽ được chia sẻ 20 – 50% tổng số tài sản tham nhũng mà cơ quan chức năng thu hồi được.

Điều này cũng khuyến khích mọi người tham gia và tăng tính giám sát của xã hội hơn”, bà Catharine A.Hartzenbusch chia sẻ.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn