Đề xuất giảm 274 tỷ đồng ở dự án 'bốn tuyến đường Thủ Thiêm'

Tin tức 24h quaThứ Ba, 01/09/2020 23:21:00 +07:00

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thanh toán các chi phí với giá trị khoảng 274 tỷ đồng ở dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng và chuyển giao) do Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh làm nhà đầu tư.

Cụ thể, tại dự án 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm, cơ quan này đề nghị điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng đối với khối lượng không thực hiện của các gói thầu gần 255 tỷ đồng để thay thế khối lượng do thay đổi thiết kế so với dự toán ban đầu; giảm thanh toán chi phí các gói thầu hơn 17,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại của các gói thầu hơn 1,6 tỷ đồng. Tổng số chi phí phải giảm thanh toán của dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 274 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đề nghị nhà đầu tư dự án điều chỉnh giảm giá trị dự toán của các gói thầu hơn 86,3 tỷ đồng; hoàn thiện thủ tục theo quy định để thanh toán chi phí phát sinh 50,5 tỷ đồng; hoàn thiện thủ tục để thanh toán 11,9 tỷ đồng; hoàn thiện thủ tục đối với giá trị các hợp đồng còn lại 37 tỷ đồng.

Đề xuất giảm 274 tỷ đồng ở dự án 'bốn tuyến đường Thủ Thiêm' - 1

Bốn tuyến đường chính bao quanh và cắt ngang của Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được phê duyệt của dự án 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm là 12.182 tỷ đồng. Tuy nhiên do cơ chế "thanh toán đồng thời" nên không tính chi phí lãi vay và trượt giá trong hợp đồng BT. Do đó, tổng vốn đầu tư được xác định hơn 8.265 tỷ đồng để cân đối thanh toán, trong đó chi phí xây dựng 6.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi so sánh suất đầu tư theo Quyết định 634/2014 của Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng chi phí được đề cập tính suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án 4 tuyến đường không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013.

Cụ thể, tổng chi phí các hạng mục trong tổng mức đầu tư của dự án chưa được đề cập trong suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 3.860 tỷ đồng, chiếm hơn 60% và các hạng mục giao thông của dự án so với suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 2.561 tỷ đồng, chiếm gần 40% trong chi phí xây dựng của tổng mức đầu tư (nền, mặt đường hơn 552 tỷ đồng; cầu 2.008 tỷ đồng).

Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được phê duyệt của dự án 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm là 12.182 tỷ đồng. Tuy nhiên do cơ chế "thanh toán đồng thời" nên không tính chi phí lãi vay và trượt giá trong hợp đồng BT. Do đó, tổng vốn đầu tư được xác định hơn 8.265 tỷ đồng để cân đối thanh toán, trong đó chi phí xây dựng 6.500 tỷ đồng.

Trước đó, tại Kết luận 1037 ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm tổng mức đầu tư hơn 1.519 tỷ đồng cho toàn bộ dự án này, trong đó chi phí dự phòng do chênh lệch mức lương là hơn 634 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó dự án không sử dụng phần kinh phí này nên UBND thành phố không thanh toán cho nhà đầu tư. Phần chi phí này sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án hoàn thành.

Kiểm toán Nhà nước xác định TP HCM có thiếu sót trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án xây dựng 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm, vì không kịp thời cập nhật để tính lại chi phí dự phòng trượt giá làm tăng tổng mức đầu tư chưa đúng hơn 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng khoản tiền này đã được loại trừ ngay trong tổng vốn đầu tư của hợp đồng BT theo cơ chế "thanh toán đồng thời" được Thủ tướng chấp thuận nên không ảnh hưởng đến việc cân đối thanh toán khi ký hợp đồng BT và giá trị quyết toán dự án hoàn thành.

Tại dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm tổng cộng 33,4 tỷ đồng. Theo đó, giảm thanh toán chi phí các gói thầu hơn 3,8 tỷ đồng, giảm giá trị còn lại của các gói thầu hơn 4 tỷ đồng, nhà đầu tư điều chỉnh giảm giá trị dự toán các gói thầu hơn 25,6 tỷ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm hơn 252 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2, trong đó có chi phí dự phòng chênh lệch mức lương tối thiểu hơn 249 tỷ đồng. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án không sử dụng các khoản chi phí dự phòng này nên sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai quy hoạch từ năm 1996, rộng 930 ha nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300 m đường chim bay. Đây là khu đô thị hiện đại và mở rộng của TP HCM, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á.

Quá trình triển khai, dự án vấp phải sự phản đối của người dân ở đây vì cho rằng dự án có nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ hai lần công bố hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan như: thu hồi 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất được quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án...

TP HCM bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng do tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với các lô đất còn lại để tránh thất thoát ngân sách và chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án.

Liên quan đến sai phạm ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hồi tháng 3/2020, ông Lê Thanh Hải bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM (giai đoạn 2010 – 2015); ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND thành phố bị cảnh cáo.

Ngày 7/8, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM chỉ đạo xem xét trách nhiệm của 66 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có ông Tất Thành Cang, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Công trình Lịch sử TP. Năm 2013, khi làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, ông Cang đã phê duyệt và ký tắt hợp đồng đầu tư bốn tuyến đường nói trên.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn