Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện: ‘Tùy tiện, không có cơ sở khoa học’

Giáo dụcThứ Sáu, 15/12/2017 16:02:00 +07:00

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện của thầy giáo Bùi Nam là tùy tiện, không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống.

Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện của thầy giáo Bùi Nam đang gây xôn xao dư luận. Thầy Nam cho rằng các hiệu trưởng đã đủ chức năng, quyền hạn, và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình và của giáo viên nên phòng giáo dục đã không còn phù hợp.

Trả lời VTC News về đề xuất này, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) bày tỏ không đồng tình với ý kiến này.

Ông Tùng Lâm cho rằng đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện của thầy giáo Bùi Nam là tùy tiện, không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống.

img_2802-2255044

 TS Nguyễn Tùng Lâm không đồng tình với đề xuất giải tán phòng giáo dục quận, huyện để lấy tiền tăng lương cho giáo viên.

Vị chuyên gia giáo dục này cho rằng vấn đề giảm biên chế hiện nay đang được thực hiện theo Nghị quyết TƯ 6. Vì việc giảm biên chế thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước nên phải giải quyết trong toàn bộ hệ thống chính trị. Tuy nhiên, 

“Cái người ta đang cần là cải tiến thế nào cho hệ thống quản lý phát huy được hiệu quả. Không thể lấy việc giảm biên chế phòng giáo dục để tăng lương cho giáo viên”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra 2 lý do cho thấy việc đề xuất giải tán phòng giáo dục, tăng lương giáo viên là không hợp lý. 

Ở mỗi nước khác nhau, hệ thống giáo dục cũng được sắp xếp khác nhau để đảm bảo việc vận hành được thuận lợi.

“Có nước bỏ Bộ Giáo dục nhưng giáo dục địa phương lại quan trọng. Đó là vấn đề hệ thống quản lý Nhà nước của nước họ phải thay đổi chứ không phải tự nhiên bỏ chỗ này bỏ chỗ kia như bạn Bùi Nam nói. Đề xuất của anh Nam là tùy tiện, suy nghĩ không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống", TS Tùng Lâm phân tích.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng ai cũng có quyền đề xuất và góp ý cho ngành giáo dục nhưng phải hợp lý và có khoa học. Việc giải tán phòng giáo dục quận, huyện để lấy tiền ngân sách tăng lương cho giáo viên cũng không thực tế và không hiệu quả.

"Tuy nhiên, không thể để có tiền trả lương giáo viên mà giải tán phòng giáo dục quận, huyện", TS Tùng Lâm khẳng định.

Video: Xôn xao đề xuất cải tiến "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"

Trước đó, báo chí đã đăng tải bài viết nêu đề xuất bỏ phòng giáo dục quận, huyện của thầy giáo Bùi Nam. Thầy Nam cho rằng, chức năng phòng giáo dục là quản lý tại các trường từ mầm non đến trung học cơ sở.

Đầu năm khi thực hiện dự toán ngân sách, nhà nước đã giao ngân sách chuyển vào tài khoản của trường tại Kho bạc cấp huyện và giao cho hiệu trưởng các trường là chủ tài khoản.

Việc các Phòng giáo dục xen vào quá nhiều việc của các trường trong việc tài chính, chuyên môn,… khiến cho công việc chậm chạp, chồng chéo, bất cập như bảng lương giáo viên, phụ cấp, hay các quyết định nâng lương, nâng lương trước niên hạn, duyệt tăng giờ, tăng buổi,…

Những việc này chỉ cần hiệu trưởng ký duyệt chuyển cho kho bạc chuyển tiền.

Các hiệu trưởng đã đủ chức năng, quyền hạn, và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình và của giáo viên nên Phòng giáo dục đã không còn phù hợp, phải giải thể để thực hiện tinh giản biên chế.

Tăng quyền và sự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng các trường, lúc đó từng hiệu trưởng phải luôn luôn phấn đấu, luôn cố gắng để không bị sai sót, nếu sai sót phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Số lượng cán bộ Phòng giáo dục hiện nay trung bình khoảng trên dưới 10 người, chưa tính lực lượng giáo viên biệt phái ở các trường về công tác tại Phòng giáo dục gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, tổ chức, kiểm tra, chuyên môn, kế toán,…

Cả nước có 659 đơn vị hành chính cấp huyện. Vì vậy, sau khi giải tán phòng giáo dục có thể bố trí các cán bộ trên về các trường khác.

Nếu những cán bộ này không đáp ứng có thể cho tinh giản biên chế. Điều này sẽ góp một phần lớn vào việc tinh giản biên chế sự nghiệp công lập nhất là sự nghiệp giáo dục trong cả nước.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn