Đề xuất cho tù nhân được kết hôn

Thời sựThứ Năm, 15/01/2015 08:32:00 +07:00

Đại diện Sở Tư pháp Gia Lai đề xuất các cơ quan chức năng cần cho người đang thi hành án tù giam được kết hôn.

(VTC News) – Đại diện Sở Tư pháp Gia Lai đề xuất các cơ quan chức năng cần cho người đang thi hành án tù giam được kết hôn.

Trong hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 diễn ra ngày 15/1, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giải đáp nhiều thắc mắc của đại diện các địa phương trong cả nước liên quan đến việc thực thi pháp luật. 

Ông Trần Minh Mẫn - Giám đốc Sở Tư pháp Long An phản ánh, Long An là tỉnh có đường biên giới với Campuchia khá dài. Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp người Việt Nam sinh sống ở Campuchia trở về Long An sinh sống, trong đó có rất nhiều trẻ em. Tuy nhiên, số người này không có giấy tờ tùy thân, chưa được nhập tịch. 

Mới đây, để các trẻ em có điều kiện học hành, tỉnh Long An đã gửi thông tin của 30 trường hợp ra Bộ Tư pháp để xin ý kiến giải quyết. Tuy nhiên, tới thời điểm này, phía Long An vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ Tư pháp.
 Nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015.

Trong khi đó, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho rằng, những người đang thi hành án tù giam vẫn có quyền kết hôn. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa có tiền lệ này. Trên cơ sở đó, đại diện Sở Tư pháp Gia Lai đề xuất, các cơ quan chức năng cần xem xét cho những người đang lĩnh án tù giam được kết hôn để đảm bảo tính nhân văn, quyền con người. 

Trả lời phản ánh của đại diện Sở Tư pháp Long An, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết, việc xác định hộ tịch cho trường hợp những người gốc Việt Nam này là rất khó. Bởi những người này đã sinh sống quá lâu ở Campuchia và đặc biệt là họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể để xác định hộ tịch cho những trường hợp như vậy.

Mặc dù vậy, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực khẳng định sẽ tiếp thu phản ánh của Sở Tư pháp Long An và cùng với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Về đề xuất của đại diện Sở Tư pháp Gia Lai, ông Khanh xác nhận, luật pháp Việt Nam hiện hành không có quy định cấm việc người đang lĩnh án tù giam và cả người bị kết án tử hình được kết hôn. 

Về việc này, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản trao đổi với Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, hiện nay chưa có quy định cho phép trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

“Chúng tôi đã có văn bản trao đổi với Bộ Công an. Bộ Công an cho biết chưa có quy định trích xuất người đang thi hành án tù giam ra ngoài để làm thủ tục kết hôn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp thu vấn đề này để cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét,” ông Khanh nói.

Trong khi đó, trả lời thắc mắc của một số đại biểu ngành Tư pháp các tỉnh về việc tại sao không có quy định miễn nhiệm chức danh Giám định viên pháp y, bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, điều này xuất phát từ thực tế nhân lực trong lĩnh vực giám định pháp y đang rất thiếu.

Chính vì vậy, ngay cả những giám định viên khi về hưu, nếu có nhu cầu thì cơ quan chức năng vẫn phải cần tới tài năng và kinh nghiệm của họ.

“Nguồn nhân lực trong lĩnh vực giám định pháp y đang rất thiếu. 5 năm gần đây chúng ta không tuyển được Giám định viên pháp y nào. Những sinh viên y khoa ra trường thường muốn làm bác sỹ khám chữa trong bệnh viện, không ai muốn không muốn mổ tử thi. 

Vì thiếu giám định viên nên không có miễn nhiệm. Sau khi Giám định viên nghỉ hưu nếu có nhu cầu thì vẫn cần sự hỗ trợ của họ. Chẳng hạn PGS.TS Trần Văn Liễu (Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Y học Tư pháp trung ương) dù cao tuổi nhưng vẫn có rất nhiều đóng góp cho ngành,” bà Yến nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn